Người lao động lớn tuổi đang đuối sức... nơi phố thị

VHO- Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội liên quan đến câu chuyện sinh kế của người lao động hiện nay. Nhìn lại hành trình hơn 30 năm đổi mới, một trong những điểm nổi lên rõ nét đó là làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị của những nông dân “sắm vai” đời công nhân tại những KCN tập trung.

Người lao động lớn tuổi đang đuối sức... nơi phố thị - Anh 1

 

 Công nhân và người lao động về quê ăn Tết theo chương trình hỗ trợ “Chuyến xe mùa xuân” của Thành đoàn TP.HCM

 Có thể nói, nguồn lực quốc gia được tập trung vào các khu vực trọng yếu để trở thành lực hút của nhà đầu tư và kéo theo dòng người di cư đổ về mưu sinh tại các khu kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc phát triển kinh tế theo trọng điểm cũng là nguyên nhân dẫn đến phát triển không đồng đều giữa các khu vực.

Động lực xuất cư và những dòng chảy mưu sinh

Những khu vực trọng điểm đã trở thành lực hút hấp dẫn kéo những người từ nông thôn di cư lên thành thị để làm ăn, sinh sống. Trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp vốn dĩ ít mang lại giá trị cao nay lại vắng bóng những lao động chính trong các gia đình nông thôn. Về khía cạnh kinh tế, chúng ta tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng người nông dân của vẫn thuộc dạng nông dân nhỏ lẻ do đó cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình cũng không thật sự cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, “có thể nói kể từ sau thời kỳ Đổi mới, những dòng người di cư phần lớn lại theo chiều hướng từ nông thôn ra thành thị với nguyên do chính yếu là sinh kế hộ gia đình. Những dòng người vào đô thị kiếm sống với nghề công nhân, buôn bán kinh doanh… đã mang tới điều kiện sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ. Ở trong vùng kinh tế trọng điểm vốn được đầu tư vượt trội cũng mang đến nhiều cơ hội về học hành, chăm sóc sức khỏe, cùng các tiện ích về tiêu dùng và giải trí mà vùng nông thôn chắc không có nhiều cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, một đặc điểm khác khá quan trọng cũng góp phần thúc đẩy những dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị là tập tính ứng xử của người lao động trong nền kinh tế nông thôn xoay vòng thời gian với kinh tế thời vụ. Dường như tính chất mở đó và dòng tiền mặt lưu thông liên tục đã trở thành sức hấp dẫn người di cư”.

Cũng chính vì lẽ đó, hạ tầng đô thị luôn luôn trong tình trạng quá tải vì lượng người đổ về thành thị ngày càng lớn, theo nguyên tắc sinh tồn và trong khi khu vực nông thôn lại trở nên ngày càng thưa thớt. Những vùng đất được xem là điểm đến của người dòng người di cư trong quá khứ nay lại trở thành điểm xuất cư và ngày càng gia tăng về sau.

Người lao động di cư mang trên mình gánh nặng hai đầu đô thị - nông thôn

Trong các nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, kết quả cho thấy có đến 60% doanh nghiệp là các nhà máy sản xuất không yêu cầu người lao động bất cứ điều kiện nào, miễn là có sức khỏe. Điều này cho thấy người lao động lớn tuổi đang đuối sức trong cuộc cạnh tranh sinh tồn nơi phố thị. Nhiều người lao động vì để duy trì mức sống cơ bản trong cuộc mưu sinh đã phải chấp nhận ký hợp động linh hoạt nhận khoản thu nhập theo sản phẩm thay vì hợp động lao động.

Điều này cũng đồng nghĩa ngoài khoản thu nhập theo sản phẩm ra, họ không có bất cứ khoản phúc lợi nào. Có thể hiểu họ đang làm dịch vụ, nhưng không phải loại hình dịch vụ buôn bán đường phố, chạy xe công nghệ mà là họ đang làm dịch vụ cho các doanh nghiệp và ăn lương theo sản phẩm. Nếu có vấn đề xảy ra, doanh nghiệp dễ dàng cắt hợp đồng dịch vụ bởi vì bản chất của hợp đồng dịch vụ là thuê lao động theo nhu cầu. Có thể nói, sau hơn 30 năm phát triển, vai trò của người lao động di cư trở nên trọng yếu trong nền kinh tế nhưng cũng cho thấy sự mong manh. Người lao động di cư mang trên mình gánh nặng hai đầu đô thị và nông thôn.

Với đô thị, nguồn lao động phổ thông quan trọng bậc nhất cho các khu công nghiệp, lànhững “mao mạch” duy trìnền kinh tếphi chính thức ởcác đô thị. Đã có lúc, hai siêu đô thịHà Nội, TP.HCM, hay các khu công nghiệp ở Bình Dương thiếu người lao động di cư, dùchỉ một tuần. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay, với sự phát triển vượt bậc và liên tục của nền kinh tế thế giới trong tiến trình tự động hóa, số hóa, những mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng triệu người lao động cũng đang tiến trình giải cơ cấu để nhường chỗ cho một cấu hình công nghiệp phát triển mới. Đặc biệt, những người lao động giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới nay cũng đã bước sang tuổi trung niên. Họ cũng đang chênh vênh, rơi vào tình thế lưỡng nan khi “chưa đến tuổi hưu nhưng cũng trực chờ hết tuổi nghề”.

Trước tình hình công ăn việc làm ngày càng khó khăn, tình thế lại bắt buộc họ phải đi tìm một công việc khác như thể phải bắt đầu cho chương thứ hai của cuộc đời, hoặc phải đưa ra quyết định hồi hương tìm kế sinh nhai nơi quê nhà, với gánh nặng tuổi già không bảo hiểm xã hội, không dự trữ vì đã trót rút bảo hiểm xã hội hay tiêu bớt đi những khoản dành dụm từ cuộc tha hương, mưu sinh. “Xét trên bình diện xã hội, người lao động không thể tự xoay chuyển cuộc đời mình trong lúc bí bách mà cần những quyết sách, trợ lực lớn từ Chính phủ và doanh nghiệp. Vì suy cho cùng, những thành tựu vượt bậc của nền kinh tế nước nhà có sự đóng góp âm thầm của hàng triệu người lao động này. Tuy nhiên, các vấn đề về an sinh xã hội cho những người lao động lớn tuổi hồi hương, hay bám trụ với thành thị ở khu vực kinh tế phi chính thức có vẻ dường như chưa được tính tới một cách thấu đáo”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc tâm tư.

Tại các địa phương, ngoài các vùng kinh tế trọng điểm, các nhà máy, khu công nghiệp đã mọc lên cùng với chủ trương “ly nông bất ly hương” nhằm tạo ra những điểm thu hút người dân trở về quê làm với mức lương tối thiểu theo vùng thấp hơn khu vực trọng điểm, nhưng chi phí tiêu dùng thấp hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc rằng những khu công nghiệp, nhà máy sản xuất dường như được mô phỏng lại những mẫu hình thành công của vùng kinh tế trọng điểm để rồi hàng triệu người lao động lại tiếp tục vào vòng xoáy của công việc gia công với các mặt hàng, dệt may, da giày, điện tử mà không tính đến những lợi thế đặc thù của từng địa phương. 

KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc