Mua danh ba vạn…

CAO CHƯ

VHO - Ngạn ngữ xưa có câu Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Cần hiểu đây là cách nói hình tượng hóa, thực tế người ta không thể mua danh được, dù là bằng rất nhiều tiền. Ngạn ngữ ngầm nói rằng, muốn làm ô danh mình thì dễ gấp vạn lần việc gầy dựng nên tiếng tốt. Cũng có nghĩa rằng để có được tiếng tốt thì đắt gấp vạn lần so với việc gây tiếng xấu. Nó thực sự là một lời cảnh báo với con người, rằng hãy gìn giữ tên tuổi của mình.

 Khỏi phải nói, các danh sĩ xưa luôn là những người biết trọng danh dự, thể diện, rất cẩn thận từ lời ăn tiếng nói c ho đến hành vi, để giữ tiếng tốt, giữ hình ảnh của mình.

Còn người bình dân, mọi người đều sợ tiếng xấu, tiếng đời: Trăm năm bia đá thì mòn, Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Xu hướng chung của xã hội xưa là coi trọng danh dự hơn tiền bạc. Cũng không chỉ xưa kia và không chỉ ở nhân cách con người.

Ngày nay, trong kinh tế, các nhà kinh doanh đích thực luôn hết sức giữ gìn tên tuổi, thương hiệu của mình. Các hãng xe khi phát hiện có chi tiết lỗi, người ta bèn triệu hồi xe sửa chữa.

Cách nay mấy chục năm, hồi xây dựng cầu Cần Thơ đã xảy ra sự cố chết một số công nhân, giám đốc công ty thi công của Nhật đến tận hiện trường, tổ chức lễ tưởng niệm và cúi đầu xin lỗi về sự cố, tất nhiên họ cũng đền bù thiệt hại. Họ rất trọng chữ tín.

Trong kinh doanh nói chung, chữ tín tức làgiữ niềm tin của khách hàng, cũng tức là giữ tên tuổi, thương hiệu của mình, là quan trọng hàng đầu. Mất niềm tin nghĩa là mất tên tuổi, mất thương hiệu, đồng nghĩa với thất bại. L

ại nghĩ đến vấn nạn tham nhũng, lãng phí. Có những cán bộ dày dạn trong công tác, thường khi nói năng những điều cao xa tốt đẹp, nhưng vướng vào tham nhũng, tên tuổi của họ liền bị chôn vùi. Tất nhiên mức giá bán danh ở đây không chỉ có ba đồng.

Lại nghĩ đến gần đây, cơn bão lịch sử có tên quốc tế Yagi gây thiệt hại vô cùng lớn ở vùng Bắc Bộ, tất yếu người dân trong cả nước chung tay giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả.

Cứu trợ bão lụt là tự nguyện, không ai ép, cũng không ai bắt phải góp bao nhiêu. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giúp bao nhiêu cũng quý, giúp được nhiều thì người dân càng có điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống được sớm hơn. Có nhiều tấm lòng thiện nguyện xúc động, nhiều người giúp đỡ một cách thầm lặng không cần ai biết.

Thế nhưng, trong đó vẫn nghe loáng thoáng có nghệ sĩ, hoa hậu, người mẫu, nhân dịp này định “mua danh ba đồng”. Người ta có thể “đánh bóng tên tuổi” qua một cuộc cứu trợ? Mua danh bây giờ lại có thể “rẻ” thế sao? Không phải.

Là bởi người ta chỉ giúp có ba đồng, nhưng lại “hô” lên đến ba vạn. Đương nhiên sự công khai minh bạch sẽ lại đặt ra, và khi thiên hạ thấy rằng có người định mua danh ba đồng, thì chính là người ấy đã tự bán danh ba đồng. Lại nghĩ đến những người không cam sống cuộc sống bình thường bằng lặng, mà thích nổi danh.

Nổi danh bằng tài năng là tất yếu. Có người xem ra không nổi danh được bèn tìm cách nổi danh bằng xì-căng-đan, như cố tình quậy phá, phê ma túy, để “lộ hàng”… Ở phương Tây xưa cũng từng có người muốn nổi danh bằng cách “đốt đền”.

Đó là Heostratratos trong vụ đốt đền thiêng Artemis, một kỳ quan kiến trúc hồi thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Nổi danh bằng xì-căng-đan, hay bằng cách phá phách, thực sự là đáng lên án. Danh tính cùng với tiếng xấu còn muôn đời không thể gột rửa. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc