Màu Tết ở làng hoa giấy Thanh Tiên

VHO - Từ tháng 11 âm lịch, đầu thôn cuối xóm ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu (TP Huế) đã rợp màu sắc của hoa giấy. Cứ mỗi độ giáp Tết, người dân trong làng lại tập trung làm hoa để kịp cung ứng cho thị trường trong tỉnh và đưa đi các tỉnh, thành khác.

Màu Tết ở làng hoa giấy Thanh Tiên - Anh 1

 Du khách tìm hiểu các cây hoa giấy Thanh Tiên để đặt hàng cho dịp Tết

Thời điểm những tháng cuối năm cũng là lúc nông nhàn của bà con ở vùng hạ nguồn sông Hương nên người dân chăm lo thêm việc trồng hoa cảnh, in tranh làng Sình, hay chế tác những cánh hoa giấy truyền thống để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.

Lấy công làm lãi để giữ nghề

Tại làng Thanh Tiên cách trung tâm TP Huế khoảng 8 km, không khí đã rộn ràng khắp các ngõ xóm khi nhiều nhà đã trải đầy các cánh hoa đỏ, xanh, vàng… rực rỡ. Gia đình ông Nguyễn Hóa và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (64 tuổi) là hộ dân đã có hơn 45 năm làm nghề hoa giấy, cũng là một trong những địa chỉ duy trì đều đặn nghề truyền thống này qua các thời kỳ thăng trầm.

Trong những ngày này, ngoài bốn thành viên trong gia đình, vợ chồng ông Hóa còn thuê thêm một số người dân rành nghề trong làng đến thi công để kịp cung ứng hàng cho khách. Thời điểm làm hoa tập trung nhiều vào tháng 11 và 12 âm lịch, nhưng các công đoạn chuẩn bị vật liệu đã được soạn từ sớm. Từ khoảng tháng 9, ông Hóa đã phải lựa chọn những khúc tre đẹp, chẻ nhỏ và phơi khô để dùng làm cành hoa. Năm nay, do nhiều khách ở các tỉnh xa đặt hàng, vợ chồng ông Hóa phải tăng thời gian làm sớm và thuê thêm người thi công. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Ước tính năm nay, gia đình tôi làm khoảng 20.000 cây hoa giấy, ngoài để cung cấp cho các cơ sở tại Huế còn đóng đi TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang… Những năm trở lại đây, hoa giấy Thanh Tiên không chỉ dùng để phục vụ việc thờ cúng như truyền thống, mà còn được trang trí ở các không gian văn hóa truyền thống, cơ sở du lịch, các tư gia… Đây cũng là cơ hội tạo thêm nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân làm nghề hoa giấy ở Thanh Tiên”.

Màu Tết ở làng hoa giấy Thanh Tiên - Anh 2

 Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm làm hoa giấy Thanh Tiên chuẩn bị cho nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán

Mỗi cây hoa với nhiều bông đủ các màu sắc xanh, đỏ, vàng…, được các nghệ nhân “trau chuốt” từ công đoạn cắt giấy, viền cánh, nhụy hoa tạo nên các kích cỡ hoa khác nhau. Sau đó được dán và buộc khéo léo lên các cành tre có độ mỏng và cong, tạo nên cành hoa đầy màu sắc, mang không khí tươi mới của mùa xuân. Mỗi cây hoa giấy hoàn chỉnh có lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ… với nhiều màu sắc bắt mắt, và trên đầu cành hoa là lá lúa màu xanh, thể hiện đặc trưng nghề nông của người dân địa phương. Theo giá thời điểm hiện tại, mỗi cặp hoa (2 cây) giá từ 10.000 đến 12.000 đồng; tại các cơ sở bán lẻ, các chợ ở trên địa bàn có giá dao động trên dưới 15.000 đồng/ cặp. Trừ đi các chi phí của nguyên vật liệu, các gia đình gần như lấy công làm lãi để có thêm chi phí cho gia đình dịp Tết.

Sản phẩm đã lên sàn giao dịch điện tử

Làng Thanh Tiên có nghề hoa giấy truyền thống hơn 300 năm nay nhưng do nhiều thăng trầm của cuộc sống, đến nay chỉ còn gần 10 hộ dân làm nghề. Ngoài làm loại hoa giấy truyền thống, các hộ dân ở Thanh Tiên cũng đã phát triển làm hoa sen giấy, mà khởi đầu cho việc khôi phục sản phẩm này là nghệ nhân Thân Văn Huy.

Sáng tạo ra những hoa sen giấy tốn công sức và giá thành vật liệu cao hơn nên sản phẩm làm ra cũng không phải đại trà; nhiều cơ sở mua số lượng lớn thì phải đặt hàng từ trước. Anh Nguyễn Hiếu, 40 tuổi, một trong những hộ dân làm hoa sen giấy ở Thanh Tiên kể rằng, từ những lúc còn là đứa trẻ lớp 3, lớp 4, “tôi đã bắt đầu tham gia làm hoa giấy với những công đoạn đơn giản hỗ trợ cho gia đình. Sau này lớn, tôi ra ở riêng và lập cho mình một cơ sở, ngót nghét cũng gần 20 năm rồi. Ban đầu làm hoa giấy truyền thống, những năm gần đây phát triển làm sen giấy, phục vụ dòng khách du lịch. Hoa sen giấy được ưa chuộng vì dễ trang trí, làm cho không gian có thêm điểm nhấn. Mỗi năm, tôi làm khoảng 3.000 hoa sen giấy, vừa tiêu thụ ở Huế vừa gửi đi các địa phương khác trong nước”.

Màu Tết ở làng hoa giấy Thanh Tiên - Anh 3

 Người dân ở làng Thanh Tiên tất bật làm hoa giấy phục vụ dịp Tết Nguyên đán

“Từ cuối năm 2023, sản phẩm của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên cũng đã được lên sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra cơ hội cho nhiều gia đình đang theo nghề và cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng. Đặc biệt, thời gian gần đây, UBND TP Huế và ngành văn hóa, du lịch địa phương đã tạo nhiều điều kiện để sản phẩm nghề truyền thống của làng được giới thiệu, quảng bá tại các sự kiện của Festival Huế, hoạt động văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh nên nhiều du khách biết đến hơn”. Hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã tổ chức các tour tuyến tham quan trải nghiệm tại làng hoa giấy Thanh Tiên. Ngoài không gian văn hóa của nghệ nhân Thân Văn Huy, các hộ gia đình như ông Nguyễn Hóa, anh Nguyễn Hiếu… và những gia đình làm hoa giấy cũng thường xuyên đón khách đến tìm hiểu, trải nghiệm, mua sắm.

Chị Phan Minh Nga, chủ một cơ sở kinh doanh homestay tại TP Huế cho biết, suốt gần 10 năm qua, mỗi dịp Tết chị đều đặt hàng một cây lớn hoa giấy Thanh Tiên với khoảng 100-120 cây hoa nhỏ, giá dao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng. Nhiều du khách đến lưu trú rất thích và hỏi địa chỉ để tìm về làng Thanh Tiên trải nghiệm, mua sắm. Làng Thanh Tiên với nghề hoa giấy đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Năm 2019, tỉnh này có quyết định công nhận điểm đến du lịch Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, Tranh dân gian làng Sình tại xã Phú Mậu. Tại đây còn có 3 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích cấp quốc gia là Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Du khách đến với làng Thanh Tiên thuận lợi về cả đường bộ và đường thủy theo sông Hương. 

 Từ cuối năm 2023, sản phẩm của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên cũng đã được lên sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra cơ hội cho nhiều gia đình đang theo nghề và cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng. Đặc biệt, thời gian gần đây, UBND TP Huế và ngành văn hóa, du lịch địa phương đã tạo nhiều điều kiện để sản phẩm nghề truyền thống của làng được giới thiệu, quảng bá tại các sự kiện của Festival Huế, hoạt động văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh nên nhiều du khách biết đến hơn.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc