Lãng phí công trình nước sạch ở miền núi Quảng Ngãi

VHO- Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân miền núi. Tuy nhiên đến nay, một số công trình đã bị hư hỏng hoặc thiếu nguồn nước, dẫn đến không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí.

Lãng phí công trình nước sạch ở miền núi Quảng Ngãi - Anh 1

 Công trình cấp nước sạch không hoạt động gây lãng phí

 Trên địa bàn huyện Trà Bồng hiện có 57/170 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã dừng hoạt động, số còn lại hầu hết rơi vào tình trạng “kém bền vững”. Chúng tôi đến thôn Tre, xã Trà Tây mới thấy cảnh người dân chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Những con suối cạn trơ đáy, bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì hư hỏng; ống nhựa dẫn nước nằm chỏng chơ ven đường, trước nhà, cạnh suối. Ông Hồ Văn Truyền, một người dân thôn Tre cho biết, “ở đây không có giếng khoan, mỗi khi nắng nóng là suối cạn trơ đáy. Chúng tôi phải gạn lấy từng chút nước suối mang về lắng, chắt lấy nước trong để nấu ăn, uống, phần nước đục thì để tắm rửa”.

Điều đáng nói là nhà ông Truyền ở ngay cạnh bể chứa của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng bể khô khốc, ống nhựa vỡ toác, các van han gỉ. “Khi có công trình cấp nước, người dân ai cũng mừng. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, công trình chẳng có nước nên đã bỏ hoang”, ông Truyền nói.

Ông Hồ Văn Tính ở xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng than thở, “người dân chúng tôi rất mong mỏi có nước sạch để dùng hằng ngày, nhất là trong mùa nắng nóng, nhưng công trình nước sạch nhà nước đầu tư chỉ hoạt động trong thời gian ngắn là “chết yểu”. Mấy năm nay, chúng tôi phải tự mua ống để dẫn nước từ khe suối về sinh hoạt”.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, trong số 75 công trình cấp nước sạch nông thôn, chỉ có 3 công trình hoạt động bền vững, 10 công trình hoạt động tương đối bền vững, còn lại 22 công trình hoạt động kém bền vững và 40 công trình không hoạt động. Thậm chí, có công trình đã xây dựng xong nhưng không thể nghiệm thu, điển hình như công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen, xã Ba Vì, được đầu tư với số tiền 500 triệu đồng. Theo UBND huyện Ba Tơ, công trình này đã được thi công hoàn thành 100% khối lượng, đảm bảo theo thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, tuyến ống từ đầu mối về khu xử lý có chiều dài 150m của giai đoạn I do ảnh hưởng của mùa mưa lũ năm 2020 đã bị cuốn trôi hư hỏng hoàn toàn, nên không có nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn Y Vang và Mang Đen. Đồng thời, không thể cấp nước đến bể chứa để vận hành giai đoạn tiếp theo, dẫn đến chưa thể nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Tương tự, tại huyện miền núi Minh Long, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 33 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được nhà nước đầu tư xây dựng, song theo thống kê, có đến 19 công trình không hoạt động và 6 công trình hoạt động không bền vững.

Thực trạng hàng loạt công trình cấp nước sạch nông thôn hư hỏng, không phát huy được hiệu quả thời gian qua, khiến cho người dân từ mong ngóng, chờ đợi rồi… thất vọng. Hàng trăm hộ dân lại phải tự xoay sở tìm nguồn nước khác để sinh hoạt. Qua rà soát của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ công trình hoạt động tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động chiếm tới… 94,74% (486/513 công trình); trong đó hầu hết thuộc các xã miền núi, có quy mô, công suất nhỏ, nằm xa khu dân cư và ở những vị trí có địa hình tương đối phức tạp.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nguyên nhân công trình kém bền vững và không hoạt động là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành. UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác công trình không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không thực hiện. Nhận thức của người dân về nước sạch có nâng cao, nhưng còn hạn chế trong việc sử dụng và bảo quản công trình. Bão lũ hằng năm làm hư hỏng một số hạng mục và đường ống cấp nước nhưng UBND xã, UBND huyện không có kinh phí để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn làm cho công trình ngừng hoạt động.

Ngoài bất cập trong khâu quản lý, thì tại nhiều địa phương, công tác khảo sát ban đầu để xây dựng công trình chưa sát thực tế. Nhiều công trình khi khảo sát là lúc mùa mưa, nước nhiều, nhưng khi mùa khô nước cạn không đủ cung cấp cho người dân. Công trình trong nhiều tháng liền không hoạt động dẫn đến hỏng hóc, lâu dần biến thành hoang phế.

Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình cấp nước sạch hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm sút niềm tin của người dân. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc