Làng nghề trong lòng phố cổ

VHO- Vừa qua, nhóm các bạn trẻ thuộc dự án Trường làng trong phố đã tổ chức thành công chương trình Hoa cài tre đan - tái hiện Không gian văn hóa trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề mây tre đan truyền thống Việt Nam tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Làng nghề trong lòng phố cổ - Anh 1

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Mây tre Phú Vinh chia sẻ về tinh hoa làng nghề

Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tham quan các mặt hàng mây tre đan thủ công mỹ nghệ truyền thống; tìm hiểu, trải nghiệm với 2 hoạt động chính là tạo hình lọ hoa đan bằng tre (kết nan dựng hình) và hoàn thiện sản phẩm (đan hoa thưởng sắc). Tham gia Hoa cài tre đan có các nghệ nhân làng nghề thuộc huyện Chương Mỹ, CLB Đình làng Việt, BQL Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cùng hơn 100 khách mời. Đây là hoạt động mở đầu trong khuôn khổ dự án phi lợi nhuận Trường làng trong phố, nhằm giúp đỡ và phát triển làng nghề thông qua các chương trình, hội thảo học nghề, kết hợp đối thoại cùng nghệ nhân và trưng bày sản phẩm… Khách ghé thăm không chỉ được ngắm nhìn, tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của sản phẩm mà còn được trải nghiệm quá trình sản xuất, được tự tay ghi dấu ấn cá nhân lên thành phẩm cuối cùng.

Bạn Trịnh Kiều Trang, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội), thành viên BTC chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề truyền thống nên em hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của bà con. Với mong muốn giúp làng nghề tiếp cận gần hơn với lớp trẻ, chương trình sẽ “đem làng lên phố” để mang lại cho công chúng những trải nghiệm tương đối sát với nét văn hóa giữa lòng thủ đô Hà Nội”.

Bà Chu Thị Minh, quê ở Bắc Ninh cho biết: “Tôi và mọi người rất vui khi được cùng hòa mình vào không gian làng nghề, được nghe những câu chuyện của các nghệ nhân. Chúng tôi thấy đồng cảm với giá trị văn hóa truyền thống xoay quanh chuyện làm nghề và gìn giữ nghề từ những người tham gia. Đồng thời, được trực tiếp đan các sản phẩm mây đan cùng nghệ nhân, ai cũng dễ dàng nhận diện sản phẩm thủ công đặc sắc của mỗi vùng miền”.

Đặc biệt, Hoa cài tre đan còn có sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Mây tre Phú Vinh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội). Đã 40 năm gắn bó với nghề đan lát và quảng bá sản phẩm mây tre Việt ra thế giới, nghệ nhân Trung trân quý giá trị nghề đan tre mây đã có 400 năm lịch sử, hiểu cặn kẽ những màu sắc riêng biệt từ đường nét, hoa văn, cách chế tác…, để từ đó không ngừng giữ gìn, lan tỏa câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm truyền thống của làng mình tới cộng đồng.

Làng nghề trong lòng phố cổ - Anh 2

 Khách mời tham gia trải nghiệm đan giỏ hoa

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung kể: “Ngày xưa hầu như chúng tôi chỉ đan những sản phẩm quen thuộc, gần gũi, giản dị như cái đó, cái đơm hay quạt tay, cái rổ, cái rế, cái chổi... phục vụ cuộc sống hằng ngày. Sau này, tôi đã cố gắng sáng tạo, áp dụng công nghệ mới để đưa sản phẩm mây tre ra thị trường thế giới. Nghề mây tre đan mặc dù còn nhiều khó khăn, song ngày càng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Từ năm 2010, Nhà nước ta đã có những chính sách khuyến công, khuyến nông giúp các làng nghề phát triển”.

Những năm gần đây, giá trị mây tre được nâng lên, mặt hàng thủ công được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, vì thế, sản phẩm không chỉ được sản xuất ở làng nghề mà còn mở rộng thêm nhiều ở các địa phương khác. Bà Nguyễn Thị Huệ, nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh chia sẻ: “Lúc nghề mây tre đan chưa phát triển thì thu nhập của bà con rất thấp. Nhưng hiện nay, quảng bá truyền thông phát triển, việc mở rộng liên kết với nhiều khu vực, đặc biệt là xuất khẩu nước ngoài tăng mạnh nên nghề này đã giúp cuộc sống người dân khấm khá hơn”.

Trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, những làng nghề truyền thống đã dần chuyển mình, song vẫn còn nhiều trở ngại trong việc tiếp cận đến cư dân nội thành. Vì vậy, phong trào đưa văn hóa làng nghề tới gần hơn với đại chúng đã xuất hiện nhiều trong giới trẻ. Các bạn đã rất nỗ lực mang chất liệu dân gian vào trong các sản phẩm đương đại, và cũng có bạn mong muốn lưu giữ sát nhất những chất liệu cổ, tái hiện và làm sống lại nguyên vẹn giá trị tinh thần mà làng nghề truyền thống để lại.

Những hoạt động như dự án Hoa cài tre đan thực sự là cầu nối giúp làng nghề tiếp cận gần hơn với lớp trẻ qua truyền thông hiện đại. Bên cạnh đó, việc tổ chức chuỗi hoạt động tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội), nơi thờ cúng “Ông tổ trăm nghề” cũng là hình thức tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hoá dân gian. Theo BTC, sau chương trình Hoa cài tre đan, cũng tại đình Kim Ngân, các chương trình trải nghiệm nghề làm quạt giấy Chàng Sơn sẽ diễn ra vào ngày 12.8, làm nón làng Chuông vào ngày 2.9 và một sự kiện tổng hợp quy tụ các làng nghề truyền thống vào ngày 15.9. 

HUYỀN NGÔ

Ý kiến bạn đọc