Huế sẽ tiếp tục dời khoảng 1.287 hộ dân khỏi khu vực di tích

VHO- Sau gần 5 năm triển khai, đến nay đã có khoảng hơn 5.000 hộ dân được hỗ trợ di dời ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế, sớm ổn định cuộc sống, đồng thời dần trả lại không gian vốn có cho khu di sản thế giới. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện các thủ tục cho giai đoạn 2, tiếp tục mở rộng di dời dân cư ở khu vực 19 di tích khác, trong đó có 17 di tích bên ngoài Kinh thành Huế.

Huế sẽ tiếp tục dời khoảng 1.287 hộ dân khỏi khu vực di tích - Anh 1

 Nhiều nhà dân ở khu vực di tích Đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa, TP Huế đã di dời

 Ngay sau khi HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” (thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế), nhiều người dân sinh sống ở các khu vực di tích khác đã rất vui mừng. Ông Mai Xuân Thiều đã gần 90 tuổi, sống ở dãy nhà tập thể trong khu vực đất khuôn viên di tích lăng Dục Đức (hay An Lăng, thuộc phường An Cựu, TP Huế) cho biết: Gần 40 năm qua, gia đình ông cùng nhau sinh sống trong căn nhà nhỏ hẹp, không có sổ đỏ, nên khi nhà xuống cấp nghiêm trọng thì cũng chỉ sửa chữa mà không thể xây mới. Tuổi đã già nên mong muốn di dời.

Ở gần cổng vào di tích An Lăng là căn nhà “chắp vá” của gia đình ông Hoàng Văn Phỉ (75 tuổi). Ông Phỉ được bố trí sinh sống trong căn phòng 30m2 ở đây từ năm 1980, khi còn là cán bộ ở Ty Công nghiệp Bình Trị Thiên. Rồi con cái lớn lên, kết hôn và có cháu vẫn phải cùng nhau sinh sống trong căn nhà chật chội, xuống cấp. Để đáp ứng sinh hoạt cho 5 người với 3 thế hệ đang sinh sống, ông Hoàng Văn Phỉ đã phải cơi nới thêm công trình phụ nhưng vẫn thấp thỏm vì nhà đã hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. “Chúng tôi rất vui khi nghe sẽ được di dời, đây là điều mà gia đình tôi trông ngóng lâu lắm rồi. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để được bố trí tái định cư, xây nhà ổn định cuộc sống”, ông Phỉ bày tỏ.

Huế sẽ tiếp tục dời khoảng 1.287 hộ dân khỏi khu vực di tích - Anh 2

 Ông Hoàng Văn Phỉ bên căn nhà chật hẹp và “chắp vá” trong khuôn viên di tích lăng Dục Đức

Theo Nghị quyết 80/NQ-HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2 của đề án sẽ mở rộng di dời dân cư, giải phóng mặt bằng ở 19 khu vực di tích (trong đó có 17 di tích bên ngoài Kinh thành Huế), gồm: Hổ Quyền, Voi Ré, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, đàn Nam Giao, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, lăng Gia Long, lăng Trường Cơ, lăng Cơ Thánh, điện Hòn Chén, Trấn Hải Thành, lăng Vạn Vạn, đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám. Có khoảng 1.287 hộ dân, trong đó 489 hộ chính và 798 hộ phụ ở 19 khu vực di tích nói trên sẽ được di dời, tái định cư, trả lại khuôn viên và cảnh quan di tích. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc triển khai giai đoạn 2 của đề án sẽ giúp tỉnh giải quyết căn bản bài toán di dời người dân sinh sống tại các khu vực thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Thời gian triển khai từ 2023-2025, với tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỉ đồng, trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của dự án đã được giao là 300 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Còn lại khoảng 364 tỉ đồng, theo Thông báo kết luận số 269/TB-VPCP ngày 18.10.2021 của Văn phòng Chính phủ, ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ 50% phần còn lại.

Thực hiện dự án, địa phương sẽ tổ chức bố trí tái định cư cho các hộ dân tại phía Bắc Hương Sơ (TP Huế) với diện tích hơn 9ha, với tổng mức đầu tư 163 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. Hiện nay UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai các thủ tục để phê duyệt giai đoạn 2 dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế”. Tỉnh đã có Tờ trình số 11315/TTr-UBND ngày 20.10.2023 gửi Bộ TN&MT đềnghịthẩm tra đềxuất điều chỉnh, bổsung vàmở rộng phạm vi áp dụng của Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án. Sau khi Bộ này có văn bản thẩm tra đối với nội dung nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho phép điều chỉnh, bổsung vàmở rộng phạm vi áp dụng của Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện giai đoạn 2 dự án.

Theo ông Đặng Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, giai đoạn 1 của Đề án thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng ở 11 khu vực di tích thuộc khu vực I Kinh thành Huế. Tổng các hộ dân thuộc diện di dời là 5.016 hộ (hộ chính và hộ phụ), với tổng mức kinh phí được bố trí di dời giải phòng mặt bằng 1.880 tỉ đồng. Đến nay, đơn vị đã thực hiện phê duyệt với tổng số tiền khoảng 1.735 tỉ đồng, đạt 95% tổng số vốn được bố trí. Thời điểm này, cơ bản đã xong 9/11 khu vực di tích. Trung tâm và các đơn vị chức năng đang đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành phê duyệt hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng 2 khu vực còn lại trong cuối năm 2023 này. Từ năm 2024- 2025, Trung tâm tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề án ở 19 khu vực di tích vừa được bổ sung, điều chỉnh.

Sau khi các hộ dân di dời khỏi khu vực I Kinh thành Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt và triển khai hạng mục dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế với kinh phí 54 tỉ đồng. Hiện nay, các nhà thầu đã và đang thực hiện hạ giải, dọn dẹp mặt bằng đối với khu vực theo hình thức cuốn chiếu, triển khai công tác san gạt trả lại cao độ phù hợp của các khu vực di tích. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai kế hoạch để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế sau khi tiếp nhận mặt bằng sạch.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc