“Hồi sinh” sân bay A So

VHO- Sau chiến tranh, sân bay A So, xã Đông Sơn (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã gánh chịu hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Việc hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại khu vực này là mong ước nhiều năm qua của cộng đồng dân cư địa phương.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 1

Sân bay A So và khu dân cư xung quanh nhìn từ trên cao

Ngày 24.10, Binh chủng Hóa học- Bộ Quốc phòng đã công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So và bàn  giao mặt bằng đất sạch cho chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 2

Binh chủng Hóa học bàn giao đất đã tẩy rửa dioxin ở sân bay A So cho địa phương

Huyện A Lưới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu…tạo nên sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hoá truyền thống. Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hoá học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung Việt Nam. Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 3

Quá trình xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So

Sau chiến tranh, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người. Đã có các dự án, chương trình khảo sát tình trạng đất nhiễm độc dioxin trên địa bàn huyện A Lưới, trong đó cơ bản đã xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So. Nếu xét theo tiêu chuẩn đất trồng cây hàng năm theo QCVN 45:2012/BTNMT, thì diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m. Tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000 m3, trong đó có 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ trên 200 ppt, mức độ rất nặng. Ngoài ra, trong quá trình tẩy độc dioxin tại sân bay A So, đơn vị chuyên môn cũng đã phát hiện thêm khoảng 3.700 m3 đất nhiễm dioxin cần xử lý.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 4

Sân bay A So sau khi đã hoàn thành xử lý đất nhiễm độc dioxin

Năm 2020, dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So” đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt và giao cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện. Trung tâm hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (Naccet) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ cho dự án để đưa vào áp dụng cho dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So. Qua phân tích, đánh giá, Naccet đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập kết hợp công nghệ xử lý bằng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất nhiễm chất độc da cam dioxin tại sân bay A So. Công nghệ chôn lấp, cô lập đã từng được Bộ Tư lệnh Hoá học thực hiện trong một số dự án tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), sân bay Biên Hoà (Đồng Nai) và đã mang lại kết quả tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 5

Công nghệ chôn lấp, cô lập ở sân bay A So phù hợp với điều kiện của Việt Nam

Sau 3 năm triển khai, dự án đã thực hiện xử lý xong 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp, cô lập và thực hiện xong xử lý 1 luống bằng phương pháp phân huỷ sinh học, với tổng khối lượng 38.718 m3 đất nhiễm độc. Tổng diện tích triển khai trên 9,35 ha, đến nay đã tiến hành hoàn thổ và trồng cây trên diện tích đất khu B (5,23ha), san mặt bằng hố chôn dự án tại khu A (4,12 ha) và bàn giao đất sạch cho địa phương.     

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 6

Những cây con đã được trồng  trên diện tích đất sau khi hoàn thành việc tẩy rửa dioxin

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: sau khi kết thúc chiến tranh, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai các nhiệm vụ điều tra, khảo sát, nghiên cứu công nghệ, khoanh vùng, tẩy độc, xử lý ô nhiễm nhằm loại bỏ tác động nguy hiểm của chất độc, phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc triển khai thực hiện dự án tại sân bay A So, huyện A Lưới tiếp tục khẳng định những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án được đánh giá sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 7

Ngay cạnh sân bay A So, Binh chủng hóa học đã tổ chức trưng bày các hình ảnh tư liệu về công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam

Từ một “điểm nóng” về ô nhiễm chất độc dioxin, từ nay sân bay A So đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn; loại bỏ tác động nguy hiểm của dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái; giúp người dân ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Sân bay A So, xã Đông Sơn, là địa phương vùng sâu, giáp khu vực biên giới với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc triển khai và hoàn thành xử lý đất ô nhiễm dioxin có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư và sự phát triển của địa phương.

“Hồi sinh” sân bay A So - Anh 8

Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng tặng quà đến các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam trên tại xã Đông Sơn

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, thuộc huyện A Lưới. Binh chủng Hóa học cũng đã trao các phần quà cho các gia đình chính sách, người có công, các nạn nhân da cam, học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trên địa bàn xã Đông Sơn, huyện A Lưới.

SƠN THÙY, ảnh: CTV

Ý kiến bạn đọc