Học dở lớp 9 nhưng vẫn làm Phó chủ tịch HĐND xã?
VHO- Dư luận người dân xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) xôn xao về bà Nguyễn Thị Luân (sinh 1978) không học hết lớp 9 nhưng vẫn tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 31 tuổi. Từ tấm bằng này, bà Luân tiến thân lên chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã (2019). Mới đây, bà Luân lại được bầu làm Phó chủ tịch HĐND xã này.
Bằng tốt nghiệp trung học của bà Nguyễn Thị Luân là không có thật
Ngày 22.9, tại trụ sở UBND xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), chúng tôi trao đổi dư luận nêu trên với ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã. Ông Trường lộ vẻ ngạc nhiên vì “chúng tôi chỉ quản lý bằng cấp từ cấp 3 đến đại học và các bằng về lý luận chính trị chứ không chú ý đến việc cán bộ chủ chốt công tác tại UBND xã đã tốt nghiệp cấp 2 hay chưa. Vì có tốt nghiệp cấp 2 thì mới học lên được”.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Luân, Phó chủ tịch HĐND xã thừa nhận rằng: “Năm 1993, tôi bỏ dở lớp 9 nhưng vẫn tham gia công tác tại địa phương”. Cụ thể: Bà Luân làm Bí thư chi đoàn xóm 12 (1995-1996). Năm 1997-1998 là ủy viên Ban thường vụ đoàn xã. Năm 1999-2000 làm Phó bí thư đoàn xã. Năm 2004 làm ủy viên Ban thường vụ Hội phụ nữ xã. Năm 2010 đến tháng 6.2019 làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Cuối tháng 6.2019 làm Phó chủ tịch HĐND xã đến nay. Về học lực và bằng cấp trước khi làm Phó chủ tịch HĐND xã, bà Luân cho biết: Đã tốt nghiệp Cử nhân (khoa Luật). Trường ĐH Vinh (loại trung bình khá), năm 2016; Trước đó, năm 2015, tốt nghiệp Trường Trung cấp lý luận chính trị-hành chính thuộc tỉnh Nghệ An; năm 2019, bà được cấp Chứng nhận về hoàn thành chương trình bồi dưỡng, nghạch chuyên viên (loại giỏi).
Trả lời về dư luận cho rằng bà Luân không học hết lớp 9 nhưng đã mượn bằng tốt nghiệp cấp 2 của một người khác cũng có họ tên là Nguyễn Thị Luân (sinh 1980) trú tại thôn 7, cùng xã Quỳnh Châu để đi học bổ túc cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Quỳnh Lưu, sau đó mới học đại học…, bà Luân thừa nhận: “Có mượn bằng cấp ba của bà Luân ở thôn 7 nhưng do bà Luân này sinh năm 1980, không trùng hợp năm sinh 1978 của tôi nên tôi đã trả lại, không dùng nữa”.
Trụ sở Đảng ủy - HĐND, UBND ... xã Quỳnh Châu
Chúng tôi nêu câu hỏi, không có giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 2, làm sao bà vào học bổ túc cấp 3 ở TTGDTX Quỳnh Lưu được. Bà Luân giải thích: “Trước khi vào học, trung tâm tổ chức đợt thi tuyển cho những người chưa học hết lớp 9”. Nói xong, bà Luân đính chính lại là “vào học một thời gian thì trung tâm tổ chức thi tuyển cho những ai chưa có giấy chứng nhận cấp 2”. Bà Luân nói thêm: “Tôi học hai năm ba lớp, tốt nghiệp năm 2009”. Cùng ngày, chúng tôi có buổi làm việc tại TTGDTX huyện Quỳnh Lưu. Mở đầu câu chuyện, bà Phan Thị Ngọc, Phó giám đốc trung tâm cho hay, tên mới của đơn vị là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) huyện Quỳnh Lưu.
Chúng tôi đưa “Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”, cấp ngày 15.10.2009 của bà Nguyễn Thị Luân, nhờ bà Ngọc thẩm tra tính xác thực của nó. Bà Ngọc và một cán bộ phụ trách hồ sơ của Trung tâm mở cuốn “Số cấp bằng tốt nghiệp phổ thông từ năm 2003-2009” đối chiếu (cuốn sổ ghi danh sách những học sinh đủ tiêu chuẩn, gửi Sở GD&ĐT để cấp Bằng tốt nghiệp). Kết quả, bà Ngọc khẳng định: “Không có tên học sinh Nguyễn Thị Luân trong danh sách đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cấp Bằng tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp của Nguyễn Thị Luân là không có thật. Bà Luân không học ở trung tâm này”. Bà Ngọc phân tích thêm thông tin không chính xác do bà Luân cung cấp: Nguyên tắc tuyển dụng của Trung tâm là học sinh phải có đủ ba yếu tố, gồm: Học bạ THCS; Giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp THCS; Giấy khai sinh. Trung tâm thường xuyên học một năm/một lớp, không có chuyện học hai năm ba lớp. Và, từ năm 2014 trở về trước, Bằng tốt nghiệp được ghi là “Bằng tốt nghiệp bổ túc hệ vừa học vừa làm”. Năm 2014 đến nay mới thay đổi, tên của Bằng là “Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Tấm bằng của bà Luân tốt nghiệp năm 2009 nhưng tên bằng ghi là “tốt nghiệp trung học phổ thông” là không đúng.
Tại trụ sở Ban Tổ chức huyện uỷ Quỳnh Lưu, chúng tôi đề cập cụ thể câu chuyện cán bộ xã dùng bằng giả để tiến thân. Ông Kiều Văn Thanh, Trưởng ban tổ chức huyện uỷ nói: “Cảm ơn thông tin của báo chí. Huyện sẽ xem xét, xử lý”.
VŨ TOÀN