Giành lại vỉa hè Hà Nội: Như chưa hề có cuộc ra quân …

VHO - Hơn một năm sau khi Hà Nội đồng loạt ra quân rầm rộ giành lại vỉa hè, đến nay tình trạng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm diễn ra “như chưa hề có cuộc ra quân".

Giành lại vỉa hè Hà Nội: Như chưa hề có cuộc ra quân … - Anh 1

 Bàn ghế bày tràn vỉa hè

Sau một thời gian tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn nơi cư trú, học tập, làm việc, tháng 3.2023, các quận nội thành của TP Hà Nội đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Theo đó, Hà Nội sẽ kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Thời điểm đó, lãnh đạo từ thành phố đến các quận, huyện đều thể hiện quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè với phương châm “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, sau hơn một năm kể từ ngày rầm rộ ra quân giành lại vỉa hè, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, vỉa hè vẫn bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, đỗ xe. Trên nhiều tuyến phố ở những quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình…, tình trạng chiếm dụng, “xẻ thịt” vỉa hè lại tái diễn như chưa có cuộc ra quân.

Một người dân tại phố Trần Nguyên Đán cho biết, khi mới ra quân thì lực lượng chức năng liên tục trong ngày đi nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Rồi tần suất lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở, xử lý cũng giảm dần theo thời gian. Chính vì vắng bóng lực lượng chức năng đi lập lại trật tự đô thị như thế nên người dân lại tràn ra lấn chiếm vỉa hè. Cửa hàng, quán xá bày biện bàn ghế la liệt trên vỉa hè, chắn ngang vỉa hè, xe máy, ô tô đỗ xuống cả lòng đường. Bị chiếm mất không gian, người đi bộ đành đi xuống lòng đường dù biết nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có những tuyến phố, cửa hàng ăn còn biến vỉa hè thành “nhà bếp”, chỗ bày sạp hàng. Thậm chí, nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm chỉ cách trụ sở công an phường vài trăm mét.

“Năm 2023, Ban chỉ đạo 197 của TP Hà Nội và Ban chỉ đạo 197 của các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc trong việc lập lại trật tự đô thị. Bước đầu là tuyên truyền tới người dân về trật tự đô thị với việc vào cuộc của hệ thống chính trị của các cấp. Công tác tuyên truyền đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên, nhiều người dân ý thức vẫn còn kém, cố tình vi phạm”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thừa nhận những khó khăn trong việc lập lại trật tự đô thị trong cuộc họp báo của TP Hà Nội vừa mới diễn ra cuối tháng 3 vừa qua. Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội vào tháng 12.2023, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ xe ảnh hưởng đến an ninh, trật tự lại là vấn đề “nóng’ được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ việc quản lý, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Về vấn đề này, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp. Trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng công an, mà là của tất cả các Sở, ngành, chính quyền các cấp.

Giành lại vỉa hè Hà Nội: Như chưa hề có cuộc ra quân … - Anh 2

 Xe máy chiếm trọn vỉa hè tại phố Giảng Võ và chỉ cách trụ sở Công an phường vài trăm mét

Theo ông Nguyễn Hải Trung, sau mỗi đợt ra quân, tình hình có cải thiện nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Nguyên nhân là bởi, vỉa hè là nguồn thu nhập chính gắn với một bộ phận không nhỏ của người dân kinh doanh trên hè phố. Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ phương tiện rất lớn trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nên việc dừng đỗ thường không đúng nơi quy định. Để giải quyết vấn đề này, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cũng như tính toán việc quản lý khai thác vỉa hè bảo đảm hài hòa giữa bài toán kinh tế và trật tự đô thị. Còn nhớ, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè. Vào năm 2017, Hà Nội cũng đã ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ và đã đạt được những kết quả khả quan. Thế nhưng, ngay sau đó một thời gian, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn. Việc ra quân thì rầm rộ, kết quả ban đầu khá tốt nhưng càng về sau càng đuối, không duy trì được sự quyết tâm, khiến người dân “nhờn” với các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại.

Cảnh nhếch nhác, và thậm chí biến nhiều đoạn vỉa hè, lòng đường thành nơi “của riêng” tại vô số tuyến phố lớn, nhỏ đã khiến không ít du khách khi đến Hà Nội và ngay cả chính người dân không khỏi buồn lòng, ca thán. Khi mới ra quân đòi lại vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, làm cho cảnh quan đô thị trở nên khang trang, văn minh theo hướng “xanh, sạch, đẹp” thì rầm rộ, trống giăng, cờ mờ; lực lượng chức năng kiểm tra liên tục, bắt bớ, xử phạt không ngớt, nhưng rồi càng về sau, tình hình không khác gì “đuôi chuột”, nhỏ giọt rồi tắt lịm. Chả lẽ đúng như người dân đã nhận định, “khó như cuộc chiến giành lại vỉa hè”. Nói như vậy, để thấy rằng, nếu không kiên trì, thường xuyên, liên tục với các biện pháp “mạnh dần đều”, khắc phục cho được tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí “thu phí” bảo kê vỉa hè; đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp phường, quận…, thì còn lâu mới đi đến lập lại trật tự đô thị, cụ thể vỉa hè là giành cho người đi bộ. 

 Sau mỗi đợt ra quân, tình hình có cải thiện nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Nguyên nhân là bởi, vỉa hè là nguồn thu nhập chính gắn với một bộ phận không nhỏ của người dân kinh doanh trên hè phố. Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ phương tiện rất lớn trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nên việc dừng đỗ thường không đúng nơi quy định.

Để giải quyết vấn đề này, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cũng như tính toán việc quản lý khai thác vỉa hè bảo đảm hài hòa giữa bài toán kinh tế và trật tự đô thị.

 

QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc