Đừng xem là chuyện nhỏ
VHO - Chuyện nhà vệ sinh công cộng tại những đô thị, điểm du lịch, công viên... đáp ứng yêu cầu sạch, đẹp có còn là chuyện nhỏ? Tùy vào suy nghĩ của mỗi người sẽ đưa ra câu trả lời khác nhau, nhưng cần biết là, từ năm 2013, Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 19.11 hằng năm là ngày Nhà vệ sinh thế giới. Năm nay, ngày Nhà vệ sinh thế giới chuyển đi ba thông điệp chính: Nhà vệ sinh là nơi bình yên; Nhà vệ sinh là nơi bảo vệ sức khỏe và Nhà vệ sinh là nền tảng cho tiến bộ xã hội. Như vậy, nhà vệ sinh công cộng không còn phải là chuyện nhỏ, không đáng phải quan tâm nữa
Trong số này, chúng tôi trở lại vấn đề nhà vệ sinh công cộng ở những quận nội thành trên địa bàn Hà Nội với tựa: Thà...”nín nhịn” còn hơn nhằm tiếp tục gióng lên cái thực trạng vốn đầy ám ảnh của người dân và du khách. Có một thực tế mà người viết chú ý là, ở những khu, tuyến điểm du lịch nằm ở một số địa bàn trung tâm Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng được cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm với yêu cầu phải đảm bảo vệ sinh, đảm bảo văn minh, an toàn, đồng thời phải xem đó như một phần của thước đo “sự hài lòng” của du khách thập phương.
Chính vì thế, những nhà vệ sinh công cộng đặt tại các khu, điểm, tuyến có đông khách du lịch qua lại từng bước được cải thiện từ hình dáng bên ngoài cho đến nội thất bên trong, phần nào đó được gọi “Nhà vệ sinh là nơi bình yên”. Nhưng nếu chỉ “khu trú” ở những điểm như vậy, chỉ mới quan tâm tại một số nơi đông khách du lịch qua lại thì liệu đã hợp lý và đảm bảo cho “nền tảng cho tiến bộ xã hội”.
Thực tế nhỡn tiền cho thấy, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở trong khu công viên cho đến trên vỉa hè của những tuyến đường, phố đông đúc người, phương tiện đều không được đơn vị quản lý vận hành, bảo trì, dọn dẹp dành sự quan tâm, chú ý cao. Nói cách khác họ xem như là đồ “công cộng”. Vì thế, có nơi bị quán cóc bủa vây. Có nơi bị xe vệ sinh “rào chắn”. Nhiều nhà vệ sinh công cộng ở trong tình trạng khóa chặt cửa với lý do không để cho bọn hút chích có cơ hội làm bừa. Rồi tình trạng xuống cấp như cửa nhà vệ sinh bị hỏng hóc; thiết bị ở bên trong bỗng dưng mất đi; mùi hôi thối bủa vây không thể nào chịu nổi. Thậm chí người ta còn tận dụng nhà vệ sinh công cộng để cất giấu đồ đạc.
Với thực trạng như thế, thử hỏi có ai dám bước vào nhà vệ sinh công cộng để giải quyết nhu cầu cá nhân, mặc dù lúc đó đã rất chi bí bách? Chắc rằng ít ai dám bước qua “cánh cửa” hôi mù, xuống cấp ấy, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Còn những ai can đảm bước vào thì “một đi không dám trở lại”.
Trước những thực tế rất nhức mắt đó, cơ quan chức năng và đơn vị liên quan có trách nhiệm của Hà Nội cần tiến hành kiểm tra, đánh giá và có giải pháp khắc phục, nâng cấp để nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội thật sự là nơi an toàn, bình yên, và là nơi bảo vệ sức khỏe, để đáp ứng phần nào sự đòi hỏi chung của nhu cầu xã hội theo hướng: “Vệ sinh là quyền con người. Quyền này bảo vệ phẩm giá cho tất cả mọi người và đặc biệt có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Đầu tư vào nhà vệ sinh và quản lý hiệu quả là nền tảng cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn”.