Diễn đàn "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”

VHO - Chiều 29.9, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong khuôn khổ Gala báo chí lần thứ 5 năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”.

Diễn đàn

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cùng sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí các địa phương.

Diễn đàn Tổng Biên tập là hoạt động thường niên, được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Diễn đàn Tổng biên tập năm 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách-Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí-Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách. Phiên thứ hai có chủ đề: Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách. Tại Diễn đàn các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thống nhất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Diễn đàn

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc

Phát biểu chào mừng Diễn đàn,  Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh, Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Phát huy và kế thừa các giá trị truyền thống, trải qua các thời kỳ, các thế hệ quân và dân Quảng Ninh không ngừng đoàn kết, phấn đấu, xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển của cả nước; với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ từ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không thúc đẩy kết nối vùng với khu vực, quốc tế; là cái nôi của những ý tưởng đổi mới, phát triển bền vững với 7 năm liền giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số.

Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vị thế và uy tín của Quảng Ninh ngày càng được nâng cao; trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.

Để có được các kết quả đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, sự đồng thuận của nhân dân mà còn nhờ sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền, làm nhịp cầu nối giữa “ý Đảng với lòng dân”. Quyền chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, các ý kiến tham luận, chia sẻ, kinh nghiệm của các đại biểu tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác truyền thông chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Diễn đàn

Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.

“Trong mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt, hiệu lực hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh,” ông Nguyễn Đức Lợi nói.

Báo chí chính thống xem là lực lượng chủ công, là "cánh tay nối dài" trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách. Tuy nhiên, thực tế rằng công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc cho rằng: Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí.

Thời gian qua, nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thống nhất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

NGUYỄN QUÂN

Ý kiến bạn đọc