“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 2): Nghịch lý "thiếu và thừa"

VHO- Không chỉ có những công nhân làm ăn xa xứ mà ngay cả những người dân địa phương tại khu vực vùng đệm xung quanh các KCN hiện cũng phải chịu chung cảnh thiếu vắng không gian văn hóa, thể thao.

“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 2): Nghịch lý

 Thiếu không gian hoạt động ngoài trời, trò chơi của con em công nhân các KCN phần lớn gắn chặt với chiếc điện thoại

 Rời KCN Tân Bình, chúng tôi tìm đến khu vực xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng (Bình Dương), vốn dĩ là một xã vùng xa của huyện Bàu Bàng nhưng nhờ vị trí nằm giáp ranh với huyện Bắc Tân Uyên, sát cạnh KCN Tân Bình nên nơi đây đã sầm uất khác thường nhờ một lượng lớn công nhân KCN tìm đến thuê trọ.

“Tội nhất là mấy đứa nhỏ”

Tại bảng chỉ dẫn ở lối vào KCN Tân Bình, chúng tôi nhận thấy có một khu vực được quy hoạch là nhà ở công nhân và tái định cư nhưng thực tế thì cụm nhà ở công nhân này đến nay sau hàng chục năm KCN này đi vào hoạt động vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Mặc dù tập trung đông dân cư là thế nhưng hạ tầng để phục vụ đời sống văn hóa, tập luyện thể dục thể thao tại khu vực này gần như không có gì. Chập tối, trên con đường DT741B đang thi công lầy lội, chúng tôi gặp chị Hoàng Chuyên đang chở con đến khu vực vui chơi giải trí Ngọc Vy mới “đổ bộ” đến khu vực này hơn một tuần trước để chơi mấy trò chơi nhà phao, xe lửa, nhà banh… Chị Chuyên cho biết, khu vực này gần như không có gì để trẻ con có thể vui chơi nên từ khi đoàn vui chơi giải trí mang mấy trò chơi này về đây, con trai chị hầu như ngày nào cũng đòi mẹ cho ra đây chơi… Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải, người quản lý khu vui chơi Ngọc Vy cho hay, “cái mô hình giải trí này nếu đánh điểm tại những khu vực gần khu trung tâm thì cầm chắc thua lỗ, nhưng những điểm xa như này cũng có thể kiếm chút lãi vì người dân ít có cái gì để giải trí. Ở đây mình không bán vé, ai

 vào chơi trò gì thì trả tiền rồi chơi. Phần lớn khách đến đây chơi là cha mẹ làm công nhân khu công nghiệp dẫn theo con cái đến chạy nhảy”.

Rời khu vực KCN Tân Bình, chúng tôi tìm đến nơi tái định cư KCN Visip II Bình Dương do Công ty Liên Doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore làm chủ đầu tư có quy mô cả giai đoạn 1 và giai đoạn mở rộng lên tới 2.045 ha. Với giá thuê trung bình khoảng 80 USD/m2, đến nay VSIP II đã lấp đầy khoảng 98% diện tích KCN, thu hút được 128 dự án đến từ hơn 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo việc làm cho 23.800 lao động với tổng số vốn đầu tư 1,3 tỉ USD. Do có tích hợp cả khu vực nhà ở nên KCN này được đầu tư một số tiện ích vui chơi, giải trí, thể dục thể thao như hồ bơi Suncasa, công viên, sân golf 27 lỗ Twin Doves, hồ sinh thái công viên trung tâm và một công viên nhạc nước cũng đang trong quá trình xây dựng tại công viên The Sun Park. Tuy nhiên, theo nhiều công nhân tại khu vực này, với thu nhập của họ hiện nay rất khó để bước vào sử dụng các tiện ích khá cao cấp đó. Do đó, bản thân nếu muốn dạo chơi, giải trí, tham gia chợ đêm thì thường đến công viên The Sun Park, nơi có chợ đêm The Sun Container Night maket để giải trí vào dịp cuối tuần.

Thấy một gia đình công nhân vừa xong bữa tối muộn, chúng tôi tạt vào bắt chuyện. Qua câu chuyện, người vợ cho biết hai vợ chồng họ đang làm công nhân may tại một nhà máy trong KCN. Mấy tháng nay, đơn hàng ít nên doanh nghiệp gần như chỉ trả lương tháng cho 4 ngày trong tuần, 2 ngày còn lại công nhân được nghỉ luân phiên nhưng hưởng lương 180 ngàn đồng/ngày như một giải pháp để giữ chân công nhân và hi vọng sớm có đơn hàng mới.

Qua những câu chuyện của họ, chúng tôi cảm nhận được dường như họ cũng không mấy mặn mà gì với các tiện ích khá sang trọng đã được đầu tư tại khu vực nhà ở nằm trong KCN Visip II. Đang nói chuyện thì cháu Huy Hoàng, con trai của hai vợ chồng họ chỉ chừng 3 tuổi dán chặt hai mắt vào màn hình chiếc điện thoại. Chị vợ phân trần: “Cũng tội mấy đứa nhỏ, vì ngoài điện thoại, tối đến cũng không biết cho con chơi cái gì được. Đi làm về, cơm nước con cái xong là muộn lắm rồi. Công viên thì ở cách đây 6-7 cây số nên cuối tuần mới chở con đến chơi, chứ ngày thường thì có đến đó cũng không có gì”.

“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 2): Nghịch lý

 Thanh thiếu niên và công nhân khu công nghiệp Visip II tại chợ đêm The Sun Container Night Market

Nhà văn hóa làm chức năng… hội trường

Không chỉ các KCN ở nhiều tỉnh mà ngay tại KCN Hiệp Phước tọa lạc trên địa bàn huyện Nhà Bè (TP. HCM) đã xây dựng được một Trung tâm sinh hoạt công nhân, nhưng hoạt động sinh hoạt văn hóa tại đây cũng rất èo uột. Nói chuyện với chúng tôi, anh Đức, người đang trông nom vừa làm công việc bảo vệ, vừa làm công tác quản lý tại Trung tâm này cho biết: “Thời gian trước dịch thì trung tâm này là một điểm sáng về hoạt động văn hóa cho công nhân. Ban Quản lý KCN phối hợp với Liên đoàn lao động huyện Nhà Bè, Công đoàn cơ sở các công ty tổ chức nhiều hoạt động”.

Anh Đức còn cho hay, có những sự kiện còn mời được cả ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng về phục vụ ca nhạc cho công nhân làm việc trong KCN và người dân địa phương… Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay thì mọi hoạt động đều gần như tê liệt. Một phần là do doanh nghiệp sau thời gian hoạt động sản xuất cầm chừng do dịch, họ tập trung đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ít mặn mà đầu tư và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cải thiện sức khỏe cho người lao động. Mặt khác, việc kinh doanh khó khăn nên các DN cũng tiết giảm chi phí, không hưởng ứng việc vận động để tạo nguồn kinh phí, quà tặng cho công nhân dẫn đến việc trung tâm hiện nay gần như ít hoạt động. Hiện tại chỉ còn Co.op food đang thuê một gian tầng trệt để mở cửa hàng phục vụ nhu cầu công nhân KCN và buổi tối có một số hoạt động trò chơi như đu quay, thú nhún để phục vụ con em công nhân và người dân trên địa bàn.

Thực trạng các khu trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cấp xã, huyện hiện chỉ duy trì chức năng như một hội trường để các hội nhóm tại địa phương mượn chỗ sử dụng hội họp vài lần một năm là rất phổ biến. Có thể thấy điểm chung của các trung tâm, nhà văn hóa này là có quỹ đất, khuôn viên rất hạn chế. Ở cấp xã chỉ chừng vài trăm, rộng hơn thì chỉ đến 1.000m2. Các nhà văn hóa cấp huyện, nếu có rộng thì cũng chỉ tới một vài ha đất. Mặc dù diện tích nhỏ hẹp, nhiều nơi đang bỏ quỹ đất hoang hóa vì chẳng biết phải làm gì cho hết. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhà Bè cho biết, cái khó để có thể tạo ra một địa điểm văn hóa thu hút đông đảo người dân có nhu cầu tham gia chính là phải gắn liền với khu vực đông dân cư, tập trung đông người và quan trọng là mức sống của cộng đồng đó tương đối ổn dịnh. Đối với công nhân các KCN hiện nay, nơi ăn chốn ở của họ phụ thuộc vào các dãy nhà trọ tự phát ở vùng ven KCN nên rất khó để đầu tư các mô hình văn hóa.

Ngay cả trụ sở của Liên đoàn Lao động huyện Nhà Bè hiện nay cũng đồng thời là nhà văn hóa huyện Nhà Bè mà vẫn còn 3.000-4.000m2 đất đang phải bỏ trống vì làm cái gì thì cũng khó có thể tạo ra được sức hút. 

SONG HÀ

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc