“Choáng” với văn hóa tham gia giao thông (Bài cuối): Góc nhìn từ người thực thi công vụ

VHO_ Phơi mình giữa đường dù nắng hay mưa; tuần tra kiểm soát bất kể ngày hay đêm; khi có vụ việc, sự cố là có mặt ngay tại hiện trường…, lực lượng cảnh sát giao thông đang nỗ lực chung tay cùng các cơ quan chức năng tạo một môi trường giao thông lành mạnh, giúp người dân thuận tiện và tham gia giao thông an toàn. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ.

“Choáng” với văn hóa tham gia giao thông (Bài cuối): Góc nhìn từ người thực thi công vụ - Anh 1

Mặc dù luôn có CSGT túc trực nhưng để người dân tự ý thức tham gia giao thông không phải điều dễ dàng

Đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi thuộc địa bàn quận Thanh Xuân nhiều năm nay luôn là điểm nóng về giao thông. Sáng sớm, chiều tối hay buổi trưa luôn tấp nập người tham gia giao thông. Lưu lượng người qua các nút giao tại đây luôn quá tải. Bất cứ vào giờ nào, cảnh chen lấn của các phương tiện, người tham gia giao thông đi ngược chiều, đi lên vỉa hè là điều không hiếm gặp. Tại những nút giao đó, lực lượng cảnh sát giao thông căng mình điều tiết giao thông.

Mới đầu tháng 3 mà những giọt mồ hôi đã thấm đẫm lưng áo các cán bộ, chiến sĩ. Không chỉ ở nơi này mà những nơi khác trên địa bàn thành phố, chiếc còi không rời khỏi miệng của lực lượng cảnh sát giao thông, công an, trật tự phường, gậy chỉ huy giao thông không rời tay vào những giờ cao điểm. Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết, đã phối hợp với Sở GTVT, Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông để tổ chức giao thông nhằm tháo gỡ và điều chỉnh những khó khăn, vướng mắc trong điều tiết, phân luồng giao thông mà mục tiêu quan trọng nhất là làm tốt hơn cho người dân. Chức năng của cảnh sát giao thông là vừa xử lý vừa tham mưu, vừa hướng dẫn phân luồng, vừa tổ chức giao thông và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực giao thông, giải quyết tai nạn giao thông. Ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông làm tổn hại đến kinh tế và trật tự xã hội, do đó phải làm sao thuận lợi và tốt nhất cho người dân.

Tuy nhiên, tại quận Thanh Xuân và Hà Đông có mật độ dân số đông, khoảng hơn 120 tòa chung cư cao tầng, do đó áp lực giao thông là rất lớn. Hạ tầng giao thông cũng đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính vì thế, để người dân tuân thủ luật giao thông và tự giác chấp hành cũng cần có sự đồng bộ về quy hoạch cũng như hạ tầng giao thông. Mặc dù ngành giao thông TP Hà Nội và lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức phân luồng, đặt biển báo để người dân đi lại hợp lý, tuy nhiên, ý thức của nhiều người dân vẫn chưa chấp hành tốt. Theo thông tin của Đội Cảnh sát giao thông số 7, chỉ tính từ 16.2 đến ngày 9.3 đã có 1.033 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý. Trong đó, sai phần đường là 63 trường hợp, vượt đèn đỏ là 57 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 100 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm là 221 trường hợp, sử dụng rượu bia là 221 trường hợp… Cũng theo trung tá Nguyễn Đức Thắng, đó chỉ là những trường hợp vi phạm bị xử lý, còn những lúc cao điểm, giờ tan tầm, cảnh sát giao thông phải điều tiết giao thông thì người tham gia giao thông vi phạm còn hơn nhiều. Có những lúc đường rất vắng nhưng có những người vẫn đi ngược chiều vì… thói quen.

Do đó, nếu chỉ đổ lỗi cho hạ tầng giao thông hay tổ chức giao thông chưa tốt, chưa thuận lợi cho người dân thì cũng chưa đúng. Nhiều năm qua, các chương trình giáo dục giao thông học đường cũng đã được triển khai. Học sinh cũng đã được học và dần có ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu người lớn không làm gương thì việc xây dựng văn hóa giao thông cũng khồng thể đạt hiệu quả cao. Dẫn chứng về việc này, trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết, đa số những trường hợp vi phạm thông nhiều nhất là ở độ tuổi từ 18-35. Đây là độ tuổi sinh viên, người đã đi làm. Chứng kiến tại nút giao Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến mới có thể thấy rõ về những trường hợp này. Do sợ muộn giờ làm, tham gia giao thông theo kiểu điền vào chỗ trống, họ leo lên vỉa hè, tạt đầu ô tô, đi sai phần đường là những hình ảnh dễ nhận thấy. Không hiếm gặp cảnh bố mẹ đèo con đi học, luồn lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…

Để xây dựng văn hóa giao thông, bên cạnh những vấn đề về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, thực thi công vụ…, thì ý thức tự thân của mỗi người là hết sức quan trọng. Nhiều người cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ học đường, từ những bậc học nhỏ cho đến lớn. Tuy nhiên, không thể phát triển văn hóa giao thông khi mà trẻ được học còn người lớn, những bậc làm cha mẹ thì vẫn vi phạm và ý thức tham gia giao thông chưa cao. Đã có những quy định xử phạt đủ tính răn đe, kể cả gửi thông báo về cơ quan, địa phương, trường học..., tuy nhiên, theo trung tá Nguyễn Đức Thắng, việc xử lý các vi phạm giao thông gồm cả lý và tình, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục. “Chúng tôi mong muốn người dân chia sẻ và cùng chung tay để xây dựng văn hóa giao thông, để ra đường ai cũng nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, cũng như sẻ chia với lực lượng thực thi công vụ. Có như thế, những vụ việc tai nạn giao thông cũng giảm đi, và tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng sẽ giảm theo.”, trung tá Thắng cho biết thêm.

Văn hóa giao thông là vấn đề đã được đặt ra hơn chục năm nay, những việc giáo dục, xử phạt mang tính răn đe, hạ tầng giao thông… không phải là chuyện mới. Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, tìm ra giải pháp mang tính đột phá, thiết thực và tạo điều kiện cho người dân, từ đó người dân tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cũng cần phải nâng cao hơn. Thời gian qua, sức mạnh của mạng xã hội, thông qua các hình ảnh, clip được đưa lên truyền thông cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo thói quen tham gia giao thông có văn hóa. Theo một số chuyên gia, việc áp dụng công nghệ trong giám sát, tổ chức giao thông, xử lý vi phạm và sự lan tỏa của mạng xã hội có thể tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong ứng xử của cả người tham gia giao thông, các đơn vị tổ chức giao thông cũng như những người thi hành công vụ. 

 Chúng tôi mong muốn người dân chia sẻ và cùng chung tay để xây dựng văn hóa giao thông, để ra đường ai cũng nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông cũng như sẻ chia với lực lượng thực thi công vụ. Có như thế, các vụ việc tai nạn giao thông cũng giảm đi, và tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng sẽ giảm theo.

(Trung tá NGUYỄN ĐỨC THẮNG, Đội trưởng đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội)

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc