Chợ Đình: Phiên chợ Tết độc đáo ở Nam Định
VHO - Chợ Đình (hay còn gọi là Chợ cầu may, Chợ nghĩa, Chợ tình) thuộc thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Điều đặc biệt là Chợ chỉ được tổ chức vào một ngày duy nhất trong năm, đó là vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Phiên chợ có ý nghĩa họp để cầu mong một năm may mắn, bình an, tài lộc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nam nữ se duyên, bạn bè được gặp mặt cầu chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm.
Chợ Đình ở thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh (Nam Định) chỉ diễn ra một ngày duy nhất vào mùng 2 Tết âm lịch hằng năm
Tương truyền, Chợ Đình đã có từ nhiều đời trước, xuất phát từ tục thờ thần Hoàng Quý Triều Đại Vương là em trai của Tản Viên Sơn Thần. Theo truyền thuyết, có lần Thần đi kinh lý qua cửa Thần Phù, thấy người dân tổng Văn Lãng thường chịu cảnh lũ lụt, mùa màng thất bát, bèn dạy cho cách trị thủy, sau đó dân làng lập đền thờ và cứ đến mồng 2 Tết hằng năm lại tổ chức rước Thần từ đền Nam Lạng ra đình làng để mở hội chợ đầu năm ở ngay khu đất trống trước đình cầu mong Thần ban cho may mắn.
Phiên chợ cầu may xưa được tổ chức từ đầu canh ba. Từ các ngả đường trong làng người dân gọi nhau í ới, nói cười rôm rả, chuẩn bị hàng hóa, quần áo chỉnh tề, đèn đuốc sáng rực rồi xếp thành hàng ngũ chỉnh tề, cùng nhau tổ chức rước Thần từ đền ra đình làng.
Đúng canh năm, sau khi thực hiện các nghi lễ kính cáo với Thần, phiên chợ khai xuân được mở. Người mua, người bán trong phiên chợ đa phần là người trong thôn nên mọi hoạt động mua bán diễn ra hết sức cởi mở, thân tình. Vừa trao đổi hàng hóa, mọi người vừa trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới và kể cho nhau nghe những đổi thay của việc nhà, việc cửa, việc xóm, việc làng trong một năm qua. Tên chợ, hoạt động được duy trì gắn với đời sống tinh thần của nhân dân nối tiếp từ năm này sang năm khác.
Phiên chợ là dịp để mọi người du Xuân ngày Tết
Ngày nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, phiên chợ mỗi năm trở nên đông vui, tấp nập hơn, tình làng, nghĩa xóm luôn đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, nhiều cặp vợ chồng nên duyên từ đây có cuộc sống ấm no nay trở về đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nói về phiên chợ không chỉ tổ chức riêng cho dân trong làng, trong xã mà còn có nhiều người dân các xã lân cận và khách thập phương truyền tai nhau về bản sắc văn hoá mang tính riêng biệt đầy sức hấp dẫn của phiên chợ, rồi sau đó, cùng nhau du xuân, thưởng thức món ngon và mua sản vật nông nghiệp cầu mong bản thân cùng những người trong gia đình gặp nhiều may mắn.
Hàng hóa trong chợ rất đa dạng, ngoài các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương còn có rất nhiều các mặt hàng của nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng tham gia.
Cả người mua và người bán đều vui vẻ cười nói đầu năm
Trước đó, ngay từ ngày mùng 1 Tết người dân đã chuẩn bị sản vật, trang phục, tấp nập chở hàng đến chợ. Nửa đêm về sáng, các hộ bán thực phẩm như thịt trâu, thịt bò, người căng treo lều bạt chờ khách đến mở hàng, người chuẩn bị muối, táo, rau củ quả... Từ tờ mờ sáng, từ các ngả đường mọi người đã theo nhau ra chợ. Thời điểm đông nhất là từ 8 đến 10 giờ sáng khi khách thập phương đã đến chợ. Tất cả cùng hòa nhập vào không gian cười nói vui vẻ, trao đổi bán, mua hàng, hỏi han nhau, cầu chúc nhau, để cầu may mắn cho cả năm.
Anh Trịnh Duy Phương ở xã Liêm Hải cho biết, phiên chợ hàng năm anh đều có mặt, được chứng kiến tận mắt phiên nào cũng diễn ra rất đông vui, tấp nập, người dân không chỉ đến đây mua hàng hoá mà chủ yếu là cầu may, gặp người quen, lạ, cầu chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp, nam nữ chạm vào nhau đã thấy vui, vì vậy cả gia đình đã có mặt từ lúc 8h sáng sau đó đi chúc tết người thân.
Chị Vũ Minh Hằng ở xã Trung Đông cũng cho biết, năm nào chị cũng đến đây để mua muối dùng và cầu may làm ăn phát đạt, đậm đà cả năm. Anh Nguyễn Thành Nam ở xã Nam Phong, huyện Nam Trực, kể rằng, nhờ phiên chợ này mà cách đây 15 năm thời còn thanh niên, nghe truyền tai nhau, nam nữ chưa có gia đình đến đây chỉ cần chạm vào nhau sẽ nên duyên, vậy mà khi đến đây, anh đã gặp chị, sau đó nên duyên thực sự, có con cái, gia đình hạnh phúc, cuộc sống ấm no.
Nghệ thuật thư pháp tại phiên chợ được nhiều người yêu thích
Bà Ninh Thị Lá, người thôn Nam Lạng cho hay, năm nào bà cũng có mặt sớm để bán muối, chỉ một thúng thôi, có người mua 5, 7, 10 nghìn đồng, họ mua một ít để cầu may, cũng có người còn lì xì, mừng tuổi bà, vì vậy cả người bán và người mua đều vui vẻ, tổng kết buổi chợ tính cũng được cả triệu bạc.
Gian hàng muối của bà Ninh Thị Lá được nhiều người mua để cầu may
Chợ là tập tục, nét đẹp văn hóa độc đáo trong ngày đầu Xuân của địa phương, có người đến đây chỉ mua nắm, muối, có người mua thịt trâu, bò, bó rau cần, quả táo, có người mua cái kiềng bếp, cái cào rơm...
Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, ngày nay xã đã quy hoạch chợ chỉnh trang, sạch sẽ; hàng năm đứng ra tổ chức những hoạt động văn hóa mới như: đu quay, văn nghệ, viết thư pháp, thi đánh cờ tướng, nặn tò he, khôi phục lại một số trò chơi dân gian “bịt mắt bắt vịt”, “leo cầu ngô”, để làm phong phú, sinh động thêm hoạt động của chợ.
Chợ Đình, chợ cầu may, chợ nghĩa, chợ tình thôn Nam Lạng được người dân địa phương đặt cái tên rất trìu mến, chợ là nét đẹp văn hóa thôn quê, mang đậm bản sắc sinh hoạt, tập tục, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Nơi đây thực sự trở thành một điểm hẹn văn hóa chợ nghĩa, chợ tình.
QUANG VINH