Tăng cường khả năng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam: Xây dựng lòng tin để sẵn sàng chia sẻ quyền lợi
VHO- Xã hội ngày càng phát triển thì tài liệu, sách báo, tác phẩm VHNT được xuất bản cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Trong khi người bình thường có thể dễ dàng tiếp cận các tác phẩm thì người khuyết tật chữ in chỉ có thể đọc khi tài liệu, sách báo được chuyển đổi sang định dạng phù hợp. Dù Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng “khát sách” dành cho người khuyết tật chữ in vẫn diễn ra.
Sách giáo khoa chữ nổi hiện đang rất khan hiếm Ảnh: TRƯỜNG HÙNG
Những con số báo động
Báo cáo nghiên cứu về Thực trạng tiếp cận xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in ở Việt Nam do Hội Người mù Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện năm 2022-2023, khảo sát trên 217 người khuyết tật chữ in (chủ yếu là khuyết tật nhìn), thì 62,1% số người được khảo sát cho rằng sách, tài liệu khoa học tự nhiên dưới định dạng dễ tiếp cận rất khan hiếm hoặc không có; 44,5% đánh giá sách giáo khoa, tài liệu học tập dưới định dạng dễ tiếp cận cũng rất khan hiếm hoặc không có, dù đây là những xuất bản phẩm cơ bản.
Theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc, đại diện UNDP, có tới hơn 90% người khuyết tật chữ in sống tại các nước đang phát triển, nơi chỉ có dưới 1% số ấn phẩm được chuyển sang các định dạng chữ nổi, chữ phóng to hoặc sách nói. Tình trạng này đang đi ngược lại tinh thần và nghĩa vụ quy định trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD).
Lý giải về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học Lao động - Xã hội cho hay, Việt Nam chưa có chính sách liên kết các nguồn cung xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận cũng như chính sách tạo ra chuỗi liên kết thư viện. Những chính sách này sẽ giúp giảm lãng phí nguồn lực chuyển đổi, phân phối và trợ giúp người khuyết tật chữ in dễ tiếp cận hơn với các nguồn xuất bản phẩm ở định dạng phù hợp. “Chúng ta chưa có quy định pháp lý mang tính ràng buộc các NXB phải có trách nhiệm dành ra một tỷ lệ nhất định xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in. Không những vậy, chúng ta cũng chưa có phương án hỗ trợ tài chính cho các NXB để tạo ra các bản sao xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận với người khuyết tật chữ in. Cùng với đó, chưa có nhiều chủ thể sẵn sàng chia sẻ quyền lợi để thực hiện một số ngoại lệ mà Hiệp ước Marrakesh đề cập. Vì khó đủ đường nên không có nhiều NXB mặn mà với dạng sách này”, TS Nguyễn Trung Hải nêu.
Chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật chữ in
Rất cần những cái “gật đầu”
Nhiều chuyên gia cho hay, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh đã góp phần gỡ bỏ rào cản trong việc tạo ra các tác phẩm ở định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in. Trong đó, Hiệp ước yêu cầu các nước thành viên cho phép các đối tượng thụ hưởng và tổ chức ủy quyền thực hiện hành vi tạo ra, phân phối các bản sao dễ tiếp cận trong nước; truyền đạt tác phẩm tới công chúng; xuất, nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận mà không cần xin phép chủ thể quyền tác giả.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là sẽ có không ít kẻ xấu lợi dụng những ngoại lệ này để thực hiện hành vi vi phạm bản quyền. Do đó, cần xây dựng, triển khai các giải pháp bảo vệ lợi ích của chủ thể quyền. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế để các tổ chức ủy quyền hoạt động bền vững và tự chủ là yếu tố quan trọng, then chốt trong việc triển khai hiệu quả Hiệp ước tại Việt Nam. TS Nguyễn Trung Hải cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, đẩy mạnh cơ chế cấp quyền và thực hiện các hoạt động bảo trợ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nghe, đọc, xem các xuất bản phẩm với mục đích phi lợi nhuận dành cho người khuyết tật chữ in; điều chỉnh luật doanh nghiệp nhằm khuyến khích, mở rộng thị trường xuất bản phẩm dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ngay sau khi Việt Nam tham gia CRPD, công tác chăm lo cho người khuyết tật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng đời sống tinh thần của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận, hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, việc làm. Vì vậy, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để giảm tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật. Trong đó, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; đề xuất việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường. Hồ sơ đề xuất gia nhập Hiệp ước đã được Chính phủ chấp thuận, trình Chủ tịch nước xem xét, phê duyệt. Hiệp ước đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6.3.2023.
Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Bộ VHTTDL đã tham mưu, đề xuất bổ sung Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua năm 2022. Kể từ ngày 1.1.2023, Luật đã chính thức có hiệu lực thi hành; tạo hành lang pháp lý giúp tăng cơ hội tiếp cận tri thức, tác phẩm VHNT cho người mù. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là chưa nhiều chủ thể quyền sẵn sàng chia sẻ quyền lợi để giúp có thêm các tác phẩm ở định dạng dễ tiếp cận cho người khiếm thị. Do đó, việc cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam đề xuất về phía các NXB, các đơn vị cần tăng cường vận động, thương thuyết bên sở hữu quyền tác giả đồng ý cung cấp với mục đích phi lợi nhuận một số lượng nhất định tác phẩm dưới định dạng phù hợp và dành một tỷ lệ lợi nhuận nhất định cho mục đích chuyển đổi định dạng xuất bản dành cho người khuyết tật chữ in.
ĐÌNH TOÁN