Tái bản những danh tác Việt: Tiếp cận trọn vẹn tinh túy một thời

VHO- Nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam đã được các nhà làm sách lần lượt tái bản dưới hình thức “bình mới rượu cũ”. Cuộc “cách tân” này không chỉ giúp độc giả có cơ hội thưởng thức lại những danh tác từng một thời làm mê đắm lòng người mà còn góp phần định vị giá trị tác phẩm, qua đó cho cái nhìn sâu hơn về bức tranh văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Tái bản những danh tác Việt: Tiếp cận trọn vẹn tinh túy một thời - Anh 1

 Một số tác phẩm trong bộ sách Việt Nam danh tác Ảnh: INTERNET

 Theo đó, bộ sách Việt Nam danh tác của Công ty Nhã Nam vừa có thêm 4 tác phẩm mới trong đầu năm 2021, gồm: Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Lạnh lùng của Nhất Linh, Gánh hàng hoa của Nhất Linh - Khái Hưng và Sợi tóc của Thạch Lam.

Mới mẻ và hấp dẫn

Từng được tái bản rất nhiều lần, nhưng trong năm vừa qua, Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn có một ấn bản đặc biệt. Công ty sách Đông A đã tiếp cận nguyên tác Số đỏ theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII năm 1938. Đây là bản Số đỏ đầu tiên được in đầy đủ, cũng là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống. Việc giới thiệu bản in này vừa có ý nghĩa với giới sưu tầm, vừa cần thiết cho những người nghiên cứu về tác phẩm cũng như phong cách sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc”.

Ngoài ra, gần đây một loạt tác phẩm của các tác giả miền Nam đã được tán bản. Năm 2019, Nxb Trẻ in lại một số tiểu thuyết đặc sắc của Bà Tùng Long như: Bên hồ Thanh Thủy, Đời con gái, Một vụ án tình, Những ai gieo gió, Bóng người xưa… Trong số này có tác phẩm đã xuất bản, có tác phẩm được in dài kỳ trên các báo Sài Gòn xưa và cũng có cả tác phẩm mới được công bố lần đầu. Các tác phẩm viết về vùng đất và con người Nam Bộ được nhà văn Sơn Nam bắt đầu viết từ nửa sau của thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI cũng được làng sách chú trọng khai thác.

Không đơn thuần là tái bản lại những danh tác Việt, các đơn vị xuất bản còn đầu tư “làm mới” cho các tác phẩm nhằm mang đến cho độc giả những ấn phẩm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn và hiện đại hơn. Cụ thể, trong Việt Nam danh tác, các tác phẩm được thiết kế theo một format chung, sử dụng lại họa tiết trên bìa hoặc tranh minh họa cũ, nhưng mang hơi thở hiện đại để phù hợp với thế hệ độc giả mới. Sách được tuyển chọn và in lại dựa trên ấn bản toàn vẹn nhất, thường là bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất.

Bản sách Số đỏ của Vũ Trọng Phụng sử dụng lại hình vẽ trong tranh dân gian Đông Hồ và đã được tô màu. Bìa sách được vẽ thêm quả bóng, gợi nhớ đến hình ảnh Xuân Tóc Đỏ đánh bóng quần trong truyện. Sách có 20 tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong, được vẽ tay hoàn toàn với hai tông màu đen và hồng, in bìa cứng với chất liệu giấy cao cấp. Tên sách cũng được cách điệu bằng màu sắc hài hòa với màu vẽ của tranh gốc. Ngoài bản in phổ thông, sách còn có bản đặc biệt in bìa da thủ công với số lượng có hạn dành cho độc giả sưu tầm.

Còn bộ sách của Bà Tùng Long được họa sĩ Nguyễn Minh Hải vẽ lại hoàn toàn bìa mới với phong cách đồng nhất và mang đậm nét đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ. Tương tự, bộ sách của nhà văn Sơn Nam cũng được Nguyễn Minh Hải vẽ mới bìa, lấy chất liệu từ phong cảnh, tập quán, lối sống của các tỉnh, thành phương Nam.

Khẳng định giá trị một thời

Có thể thấy, hiện nay nhiều nhà làm sách cũng đang có xu hướng tìm về tác phẩm nguyên bản. Bởi tái bản không chỉ nhằm thưởng thức lại tác phẩm văn chương thuần túy mà còn góp phần định vị giá trị tác phẩm, qua đó cho cái nhìn kỹ hơn về bức tranh văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Việt Nam danh tác từ khi ra mắt năm 2014 đến nay đã phát hành 48 tác phẩm của gần 30 nhà văn, nhà thơ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX. Đây đều là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, được tuyển chọn và in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn nhất. Biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ, người phụ trách biên tập bộ sách lý giải: “Ở đó có thể lưu lại cái non nớt, ngây ngô trong cách viết mà sau này tác giả còn trau chuốt, chỉnh sửa nhiều, nhưng chính điều đó hàm chứa bối cảnh lịch sử, cho đường dẫn để hiểu sâu hơn về tác phẩm, tác giả”.

Trong một cuộc tọa đàm về văn chương thời gần đây, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, một tác phẩm từ khi viết ra, qua nhiều lần tái bản sẽ khó nguyên vẹn, có thể do sai sót in ấn, kiểm duyệt hoặc do tác giả sửa chữa. Những sai lệch về văn bản đôi khi khiến cách hiểu về tác phẩm trở nên khuyết thiếu, thậm chí sai lạc. Dù vậy, khoan hãy bàn đến sự thành bại, hay dở, nhưng nhất thiết phải nhấn mạnh rằng, đã đến lúc cần tìm hiểu văn chương đến nơi đến chốn. Sự trở lại các bản in sách đầu tiên là cách tiếp cận trọn vẹn tinh túy một thời. “Giả sử không có sự trở lại này thì nhiều tác phẩm luôn bị đánh giá thiếu công bằng, mất đi cơ hội đến với độc giả hiện đại. Nhiều trong số danh tác Việt được phát hành lại thuộc dòng văn học lãng mạn của tầng lớp tiểu tư sản thế kỷ XX. Trong thời gian dài, cái nhìn định kiến phủ ập lên dòng văn học đó, khiến nó không có điều kiện quay trở lại, hòa vào đời sống văn học nói chung”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với nhà phê bình Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, chính sự trở lại của các tác phẩm văn chương này đã hỗ trợ kết tinh giá trị cho chính nó. Cuộc hồi sinh này vừa để giới thiệu lại tác phẩm mà một bộ phận công chúng đã không còn biết đến nó nữa, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy đa dạng các chiều kích văn chương. 

 THU MINH

Ý kiến bạn đọc