Sách - Niềm đam mê nghệ thuật
VHO - Ngày 22.4, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm về Sách - Niềm đam mê nghệ thuật, thu hút đông đảo sinh viên tham dự. Hoạt động thuộc khuôn khổ “Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2022 - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM” diễn ra trong hai ngày 21-22.4.
Tọa đàm về sách thu hút đông đảo sinh viên tham gia
Ban tổ chức cho biết, “Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2022 - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM” với mục đích khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động còn nhằm phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và sinh viên.
Nhiều sách hay về mỹ thuật được trưng bày để phục vụ sinh viên
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã chia sẻ với sinh viên những câu chuyện, kỷ niệm gắn bó với sách từ thuở là một sinh viên, đến một thủ thư của thư viện, một giảng viên cũng như trong vị trí lãnh đạo hiện nay. Khẳng định giá trị của sách, PGS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, sách không chỉ là kho tàng kiến thức vô tận, mà còn là một thông điệp, một nhu cầu trong đời sống hiện nay để chúng ta bước ra thế giới. “Chúng ta đang chọn con đường sáng tác mỹ thuật, nghệ thuật, nếu chúng ta không trau dồi kiến thức thường xuyên thì đến một lúc nào đó các sáng tác của chúng ta sẽ giậm chân tại chỗ bởi nguồn tri thức, năng lượng trong mỗi người không phát triển, bị cạn kiệt dần… Sách chính là yếu tố đầu tiên trong việc nạp năng lượng, bởi không phải ai cũng có thời gian đi nhiều, gặp gỡ nhiều người để chiêm nghiệm, học hỏi và phát triển bản thân, do đó mà chúng ta cần phải đọc, đọc mọi lúc, mọi nơi có thể”, ông Minh nhắn nhủ sinh viên.
Trước đó, ngày 21.4, các sinh viên cũng đã được giao lưu, nghe những chia sẻ của NGND - Họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM về ý nghĩa của việc đọc sách, sáng tác mỹ thuật… trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường cho biết sẽ duy trì việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong thời gian tới.
Dịp này, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM ra mắt cuốn sách Giáo trình phương pháp luận sáng tác nghệ thuật (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) do tác giả Nguyễn Văn Minh biên soạn.
Bìa cuốn sách Giáo trình phương pháp luận sáng tác nghệ thuật
Sách nhằm cung cấp cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ những kiến thức khoa học, hệ thống về phương pháp sáng tác nghệ thuật. Sách là một trong số ít ấn phẩm về phương pháp luận sáng tác nghệ thuật dành riêng cho văn học, nghệ thuật nói chung và ngành mỹ thuật nói riêng. Cuốn sách là công trình có ý nghĩa dành cho sinh viên và giảng viên các trường đào tạo về văn học, nghệ thuật một phương tiện hữu hiệu trong quá trình đi sâu vào sáng tạo nghệ thuật.
Giáo trình được biên soạn gồm 4 chương: Tổng quan về phương pháp luận sáng tác nghệ thuật (chương 1); Quy trình sáng tác nghệ thuật (chương 2); Một số khuynh hướng sáng tác trong lịch sử nghệ thuật thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam (chương 3); Vấn đề sáng tác nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay (chương 4).
Hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được Nhà trường tổ chức hằng năm kể từ năm nay
Nội dung giáo trình tiếp cận những vấn đề cơ bản về quan điểm sáng tác, hệ thống giá trị thẩm mỹ, định hướng nhận thức của người nghệ sĩ, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật và sự vận dụng các phương thức biểu hiện thông qua giai đoạn của quy trình sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật: Cuộc sống thực tế, người nghệ sĩ, tác phẩm, công chúng thưởng thức và vai trò của lý luận phê bình; qua đó, nhận định, đánh giá những thành công và hạn chế trong việc vận dụng các phương pháp sáng tác nghệ thuật ở nước ta và vấn đề sáng tác nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay…
THÙY TRANG