Rộn ràng "làng" sách thiếu nhi

VHO- “Trường Sa, một chủ đề đặc biệt và có phần xa lạ với các độc giả nhí, tuy nhiên chúng tôi mong muốn rằng, qua câu chuyện này, các con sẽ hiểu hơn về chủ quyền biển đảo của dân tộc, hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của nơi đây và thêm yêu đất nước mình”, đại diện NXB Lionbooks, đơn vị hàng đầu trong mảng sách dành cho “tuổi thần tiên” chia sẻ tại buổi ra mắt sách Trường Sa! Biển ấy là của mình, bộ sách tiếp theo thuộc series “triệu bản” Em yêu Việt Nam mình.

Rộn ràng

Những cuốn sách thiếu nhi ra đời thời gian gần đây không chỉ đơn thuần để giải trí cho các em mà còn đậm tính giáo dục

 Văn học thiếu nhi đang có những khoảng trống khó bù lấp; sách cho thiếu nhi ngoại át nội… là những nhận định về dòng sách thiếu nhi lâu nay, song thời gian gần đây, mảng sách này đang dần lạc quan hơn, bởi đã có nhiều tín hiệu mới đầy khởi sắc. Hầu hết các đơn vị xuất bản đều đang không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo sức hút đối với các độc giả nhí.

Đa dạng màu sắc

Trường Sa! Biển ấy là của mình là bộ sách khởi đầu cho năm 2023 của Lionbooks. Điểm đến tiếp theo trong chuỗi hành trình sẽ là đảo Sinh Tồn - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Được tiếp cận một cách giản dị, đáng yêu về chủ quyền đất nước, bộ sách sẽ giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về cuộc sống tuy còn thiếu thốn nhưng đầy ắp những niềm vui khi được hòa mình cùng thiên nhiên, sự lạc quan, vui vẻ của cuộc sống nơi biển đảo. Đặc biệt, sách còn được trình bày dưới dạng song ngữ Việt - Anh với mong muốn các bạn nhỏ chưa thực sự sõi tiếng Việt có thể hiểu rõ nội dung, tinh thần của cuốn sách, từ đó khơi dậy tình yêu với Việt Nam mình đặc biệt với quần đảo Trường Sa.

Bùi Tiểu Quyên, một cây viết nhiều năm kinh nghiệm và có rất nhiều tác phẩm xuất sắc dành cho cả người lớn và thiếu nhi, cũng là người chắp bút cho Trường Sa! Biển ấy là của mình, chia sẻ: “Tôi mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Và điều này cần có sự tham gia của họa sĩ cũng như đơn vị xuất bản có cùng tâm huyết như mình. Mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ”.

Là đơn vị hàng đầu trong mảng sách thiếu nhi, đại diện NXB Lionbooks cho biết, trong thời đại thông tin bùng nổ, các đơn vị xuất bản phải luôn nỗ lực tiếp cận độc giả bằng nhiều cách. Bên cạnh tìm kiếm, đặt hàng những tác giả viết hay, nhiều ý tưởng mới, các đơn vị còn phải hướng tới tiêu chí làm sách đẹp, như dòng artbook (sách tranh), pop-up (sách 3D, dựng hình), sách đa phương tiện (sách chuyển động, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc)… Đặc biệt, phần nhìn đẹp phải đi đôi với nội dung hấp dẫn, điều này đòi hỏi tác giả phải hóa thân vào nhân vật, mang tâm hồn của bạn đọc nhỏ tuổi để tạo được sự rung cảm, đồng điệu.

Cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong làng sách thiếu nhi, NXB Kim Đồng cũng vừa ra mắt độc giả tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con của nhà thơ Lê Minh Quốc. Như lời của tác giả, sách “dành cho mọi lứa tuổi”, với các bạn đọc nhỏ, cuốn sách sẽ như một lời tâm sự từ tận đáy lòng các bậc phụ huynh, đấng sinh thành của mình; người chưa làm cha làm mẹ sẽ hình dung một ngày gia nhập “hội bỉm sữa” sẽ thế nào đây; các bậc phụ huynh thì dễ dàng đồng cảm với những “nhịp thở” của con mà tác giả kể lại, người làm con thì sẽ thêm một lần nghiệm lại những gì mình đã nhận được từ mẹ cha.

Vẫn còn những “khoảng trống”

Có thể thấy, những cuốn sách thiếu nhi ra đời thời gian gần đây không chỉ đơn thuần để giải trí cho các em mà còn đậm tính giáo dục. Đặc biệt, dòng sách này đã và đang được rất nhiều NXB quan tâm, cũng như liên tục cho ra đời những cuốn sách mới. Sôi động, phong phú ngay khi bước vào mùa, đây chính là dấu hiệu đáng mừng của sách thiếu nhi Việt Nam. Thế nhưng, song song với niềm vui ấy, những nỗi lo về đội ngũ, chất liệu, chất lượng sáng tác… vẫn còn đó.

Chính vì thế, trong khuôn khổ Trại thực tế sáng tác, vào sáng 11.3 vừa qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay?” để bàn luận về vấn đề sáng tác, sự tiếp cận như thế nào để văn học thiếu nhi phù hợp với thời điểm hiện tại hơn. Mở đầu buổi tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã khẳng định văn học thiếu nhi xưa nay là một dòng chảy thầm lặng, bền vững: “Vậy thì, chất liệu nào để viết cho văn học thiếu nhi hôm nay? Có phải chúng ta nên suy xét và tìm ra cách tiếp cận phù hợp hơn cho trẻ em thời 4.0?”.

Nhà văn Võ Thu Hương, một trong những người theo đuổi dòng văn học thiếu nhi gây được nhiều ấn tượng trong thời gian qua chia sẻ: “Mỗi tác giả viết văn học thiếu nhi đều có một thế mạnh riêng, chúng ta không nên chạy theo các xu hướng quá, khía cạnh nào ta đang khai thác tốt thì hãy cứ theo đuổi. Võ Thu Hương cũng tán đồng ý kiến với nhà văn Hồ Huy Sơn: “Đồng thoại là lối mở, là chìa khóa để cho các bạn muốn bắt đầu vào con đường văn học thiếu nhi”.

Có gần 50 năm viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Quốc Toàn cho biết: “Chất liệu ngay trong nhà mình, hình ảnh mẫu là con, là cháu mình. Và để biến chuyển thành những chất liệu văn học, thì cần phải có hư cấu, có kỹ thuật, có sự chắc tay trong việc xây dựng những chất liệu trong nhà mình thành tác phẩm”. Chính vì thế, điều quyết định ở đây là người sáng tác phải biết sàng lọc chất liệu, loại bỏ những nhàm chán và giữ lấy chi tiết độc đáo. Chủ động thay đổi góc nhìn, đặt nhân vật vào không gian nghệ thuật mà nhà văn tạo ra, hoặc nhà văn phải “thoát xác” hóa thân thành nhiều nhân vật để khai thác, thì từ đó mới có thể làm đa dạng cho mảng văn học thiếu nhi. Cũng tại buổi tọa đàm, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhấn mạnh: “Chất liệu ngay chính tâm hồn của người sáng tác. Tác phẩm phải có đời sống lâu dài. Ngôn từ phải trong trẻo để chuyển tải nội dung, vừa là hiện thực nhưng phải vượt qua hiện thực”.

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc