Ra mắt sách mỹ thuật và triển lãm "Vết căn nguyên"

VHO - Tối 26.3, tại TP.HCM đã ra mắt sách mỹ thuật Vết căn nguyên và khai mạc triển lãm các tác phẩm cùng chủ đề của tác giả Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Ra mắt sách mỹ thuật và triển lãm

Tác giả tặng sách cho khách tham quan

Sách mỹ thuật Vết căn nguyên (NXB Mỹ thuật, ngôn ngữ Việt - Anh) gồm hơn 100 tranh, các bài thơ, bài chia sẻ và những chiêm nghiệm của tác giả về con người, cuộc sống cũng như thế giới xung quanh. Cùng với đó, sách còn có nhiều bài viết phân tích chuyên môn, nhận xét về tác giả, tác phẩm của các nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nhà báo, văn nghệ sĩ… Triển lãm “Vết căn nguyên” giới thiệu đến công chúng 28 tranh được trích ra từ sách.

Triển lãm tranh diễn ra từ ngày 26.3 đến 3.4.2022, tại phòng trưng bày Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh).

Ra mắt sách mỹ thuật và triển lãm

Triển lãm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ

Huỳnh Lê Nhật Tấn cho biết: “Mùa Đông 2012, khởi đầu cho chủ đề “Vết căn nguyên”, tôi vẽ bức tranh mang tên Ngược chiều kéo dài miên man, từng mảng màu ẩm ướt. Ở tâm trạng sầu não, tôi thấy nỗi đau va chạm cuộc đời… Nếu ai đó hỏi vì sao vẽ, phải bỏ mọi thứ để vẽ. Tôi sẽ nói rằng, vẽ để bắt đầu bằng một Vết, để đi tìm từ đâu có Vết đó. Vì nghệ thuật là phù du tan biến, vật chất trao đổi mọi thứ. Thì, nghệ thuật cũng vậy, phát minh bằng sáng tạo nuôi hạt giống tâm hồn. Nghệ thuật hội họa có mặt từ một đứa trẻ, vắng mặt nó nền văn minh nhân loại điêu tàn, hội họa vòng luân hồi tiếp nối”. 

Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi: “Thế giới sáng tạo của Huỳnh Lê Nhật Tấn là hai chiều ngược của tâm thức, giữa thơ và nhạc. Thơ đến với anh từ khá sớm, trong mỗi bài, qua năm tháng, nó chuyển động dần dần từ các ý tưởng rõ ràng cho đến các bài thơ mang hơi hướng siêu thực. Hội họa đến với anh muộn hơn, chừng 10 năm trở lại đây, nơi anh còn chú trọng nhiều đến việc diễn ý, gởi gắm các tình huống hiện sinh và phi lý thông qua các ký hiệu, biểu hiện. Đến những bức tranh gần đây, vẽ sau thời Covid-19, cũng đã bắt đầu có chất siêu thực”.

Ra mắt sách mỹ thuật và triển lãm

Các bạn trẻ xem tranh tại triển lãm

Họa sĩ Phan Thiết nhận định: “Tôi xem, tôi ngẫm về tranh Nhật Tấn và thấy rất rõ ràng trong hình thức biểu đạt của nó một ngôn ngữ diễn biến khôn lường, bất ngờ và liên tục. Màu sắc của bố cục, của hình hài, của hình tượng thật quằn quại, thật mạnh mẽ, nhưng cũng thật tĩnh lặng, cô đơn cùng cực, yêu người đến tột cùng… Và tôi thấy Tấn dường như không có kỹ năng nào đáng kể để bộc lộ vẻ đẹp, mà chỉ đau đáu tâm trạng suy tưởng để tuôn chảy ra, như gào khóc thành dòng lệ, như cắt cứa mình thành dòng máu. Tấn với hoài niệm, với hiện tại, và với cả tương lai… hình như không có bóng dáng của hy vọng”. Còn theo Lê Huỳnh Lâm, “Tranh của Tấn có chiều hướng trừu tượng, siêu thực biểu hiện. Các tác phẩm của anh gây ấn tượng cho người xem và hứa hẹn một sức sống phía đằng sau tác phẩm”. 

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc