Về đề xuất cải táng 52 hiện vật di chỉ khảo cổ Hòa Diêm (Khánh Hòa):

Xin đừng làm thế!

NAM PHONG

VHO - Hiện Bảo tàng Khánh Hòa đang lưu giữ 52 hiện vật di cốt người không hoàn chỉnh, và đã được nghiên cứu, chỉnh lý qua các đợt khai quật tại di chỉ khảo cổ học quốc gia Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Động, TP Cam Ranh). Nhưng mới đây, Sở VHTT Khánh Hòa có văn bản đồng ý cho cải táng 52 hiện vật này.

Xin đừng làm thế! - ảnh 1

52 hiện vật di cốt đang được Bảo tàng Khánh Hòa bảo quản trong các chum sành

 Động thái đó khiến giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa và các nhà khảo cổ phản ứng, vì cho rằng, như thế chẳng khác nào hủy hoại di vật, hiện vật.

Một di chỉ khảo cổ nhiều giá trị

Di tích khảo cổ quốc gia Hòa Diêm thuộc thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), cách TP Nha Trang khoảng 65 km về phía Nam. Di chỉ được phát hiện vào tháng 2.1998, do đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học khảo sát các di tích thuộc văn hóa Chămpa ở ba tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Những năm sau đó (từ 1999-2011), Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội và Đại học Waseda (Nhật Bản) tiến hành thám sát, khai quật, nghiên cứu di chỉ.

Số lượng các hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật tại địa điểm Hòa Diêm rất phong phú và đa dạng, bao gồm hiện vật bằng đá, kim loại, gốm, đất nung, đồ bằng xương, sừng, vỏ nhuyễn thể, đồ thủy tinh, di cốt người, động vật, đặc biệt là “mộ chum” và những đồ gốm tùy táng của cư dân tiền, sơ sử có niên đại được xác định từ thế kỷ V - IV trước công nguyên đến thế kỷ I - II sau công nguyên. Đây là những hiện vật đặc biệt có giá trị về mặt khoa học, thẩm mỹ, chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời tiền, sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân sinh sống ở đây. Di tích còn thể hiện rõ không gian văn hóa Cồn Bàu rất đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ.

Theo các nhà khoa học, kết quả khai quật đã chứng minh di tích khảo cổ học Hòa Diêm chứa đựng những giá trị tiêu biểu, nổi bật về khoa học, lịch sử và thẩm mỹ, thể hiện mối liên hệ rất gần gũi với biển Đông và nét đặc trưng của không gian văn hóa biển đảo ở khu vực Nam Trung Bộ. Địa điểm khảo cổ Hòa Diêm là một hiện tượng hết sức độc đáo vì chưa phát hiện một di tích nào khác ở Việt Nam sản xuất đồ gốm tương tự như đồ gốm đã tìm thấy ở Hòa Diêm. Những hiện vật được khai quật ở di chỉ này đã phần nào hé mở những thông tin quan trọng về cuộc sống cũng như nghi thức mai táng và thành phần nhân chủng của cư dân cổ Hòa Diêm, là tiền đề quan trọng cho những nghiên cứu khoa học tiếp theo trong thời gian tới.

Di cốt hư hỏng cần được cải táng?

Một di chỉ khảo cổ với nhiều giá trị như vậy nhưng đáng tiếc là suốt hơn 20 năm qua, từ khi phát hiện và khai quật, các hiện vật này gần như không được trưng bày, giới thiệu đến du khách, ngoài một vài lần giới thiệu trong các hội nghị, hội thảo. Qua công tác kiểm kê hiện vật năm 2022, hiện Bảo tàng Khánh Hòa đang lưu giữ 52 hiện vật di cốt không hoàn chỉnh đã được nghiên cứu, chỉnh lý qua các đợt khai quật.

Tuy nhiên, theo Bảo tàng Khánh Hòa, do trải qua thời gian dài bảo quản trong điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật thiếu thốn (chủ yếu bảo quản trong thùng tôn) và do khí hậu gần biển, lâu ngày các di cốt đã bị mục, vỡ nhiều nên không còn đảm bảo cho việc bảo quản, nghiên cứu, trưng bày. Với tình hình thực tế như vậy, căn cứ các quy định liên quan và ý kiến tư vấn của Hội đồng Khoa học của Bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng công lập xét thấy 52 di cốt nêu trên không còn phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của một bảo tàng tổng hợp tỉnh; hiện vật đã bị mục, vỡ, hư hỏng không còn khả năng phục hồi, cũng như đảm bảo môi trường làm việc tại đơn vị và khu vực xung quanh. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Hội đồng Khoa học, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa báo cáo, đề xuất Giám đốc Sở VHTT phê duyệt, đồng ý cho phép thực hiện việc cải táng 52 di cốt nêu trên tại khu vực của di chỉ khảo cổ Hòa Diêm. Diện tích cải táng khoảng 20-25m2 nằm trong phần diện tích đã được khai quật trước đây.

Sau khi nghiên cứu, ngày 17.7 vừa qua, Sở VHTT Khánh Hòa đã có văn bản số 2060/SVHTT-QLVHGĐ đồng ý với đề xuất của Bảo tàng tỉnh về việc sắp xếp, cải táng hiện vật (di cốt) khai quật tại di chỉ khảo cổ Hòa Diêm hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng; đề nghị Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện. Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa cho biết, sau khi về tiếp nhận công tác quản lý bảo tàng, ông đã cho rà soát lại toàn bộ các hiện vật đang lưu giữ tại đây và phát hiện 5 hòm tôn đựng di cốt được khai quật tại di chỉ Hòa Diêm. Tuy nhiên, sau khi mở các hòm tôn này thì hầu hết các di cốt đã mục nát, không đáp ứng việc bảo quản, nghiên cứu, trưng bày… Ông Phong sau đó đã cho mua 5 chiếc chum để đảm bảo việc bảo quản (những di cốt này được khai quật trong các mộ chum) và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những cán bộ quản lý trước đây, đi đến thống nhất phương án nên cải táng những di cốt này ngay chính vị trí đã được khai quật. “Các mẫu di cốt này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, tổ chức hội thảo công bố, in sách và hiện giờ đã hư hỏng. Vì vậy, Bảo tàng đã làm văn bản trình lãnh đạo Sở xem xét, có ý kiến. Bên cạnh yếu tố tâm linh, nếu các mẫu di cốt này được cải táng ngay tại di chỉ Hòa Diêm, đồng thời xây dựng nơi đây thành điểm tham quan, thu hút du khách, phát triển du lịch cho địa phương thì rất đáng quý”, ông Phong chia sẻ thêm.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa cho biết, hiện vụ việc đang tạm dừng và Sở đã cho thu hồi văn bản số 2060/SVHTT-QLVHGĐ. Lý do ông Nhuận đưa ra là vì văn bản này ban hành sai, không đúng quy định. “Đây là di chỉ khảo cổ đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia, nên việc cải táng các hiện vật liên quan đến di tích này phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Bộ VHTTDL. Vì vậy, Sở sẽ có văn bản gửi Bộ VHTTDL và chờ ý kiến trả lời của Bộ để tiếp tục triển khai, xử lý”. “52 hiện vật này chủ yếu là di cốt không đầy đủ. Trong suốt thời gian dài công tác bảo quản không được quan tâm đúng mực, chủ yếu bảo quản trong thùng tôn; theo thời gian, khí hậu khắc nghiệt đã khiến cho hiện vật xuống cấp; bên cạnh đó, vấn đề tâm linh cũng cần được quan tâm, nên lãnh đạo Sở nhất trí việc đề xuất cải táng đúng vị trí cũ các hiện vật này. Tuy nhiên, việc cải táng, cách thức như thế nào để phát huy giá trị của di tích cần phải chờ ý kiến trả lời, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL thì Sở mới có phương án triển khai”, ông Nhuận cho biết thêm.