Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam

VHO- Chiều 25.10, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương tổ chức Hội thảo báo cáo tổng kết Dự án chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong. Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 1

Quang cảnh Hội thảo

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, chuyên gia chủ trì chỉnh lý, không gian văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi phát triển theo trục Bắc – Nam, Đông – Tây, phân bố rộng từ huyện Bình Sơn đến thị xã Đức Phổ, từ huyện Trà Bồng đến đảo Lý Sơn, phân chia thành 2 đặc trưng chính: văn hóa Sa Huỳnh miền núi và văn hóa Sa Huỳnh ven biển, hải đảo. Trong chương trình giải phóng vùng lòng hồ thủy lợi Nước Trong, Sở VHTTDL phối hợp với một số chuyên gia khảo cổ học đã khai quật các di tích Trà Veo 2, Trà Veo 3, thôn Tre 1, thôn Tre 2 và thôn Tre 4 ở 2 huyện Trà Bồng và Sơn Hà. Tại đây, đã phát hiện được các di tích cư trú, di tích mộ táng, thu được các di vật như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh và đồ gốm. Trong đợt khai quật năm 2009-2012, 54 mộ táng đã được bó thạch cao, vận chuyển và bảo quản tại kho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 2

TS Đoàn Ngọc Khôi thuyết minh quá trình chỉnh lý và phục dựng, bảo quản khai quật khảo cổ 

Qua kết quả chỉnh lý có 21 mộ táng được chỉnh lý và phục dựng, bảo quản (10 mộ vò, 11 mộ quan tài gốm); phục dựng 77 đồ gốm tùy táng bao gồm nồi, bình, bát, hũ; 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm...

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 3

Mộ vò được khai quật ở lòng hồ Nước Trong

Văn hóa Sa Huỳnh vùng núi lòng hồ Nước Trong nổi bật là sự tồn tại của một cộng đồng người chế tạo và sử dụng công cụ bằng sắt như rìu, liềm, vằng, thuổng; chế tạo đồ gốm như nồi, bình vai gãy, bát bồng chân cao, trang trí văn khắc vạch hình chữ S; sử dụng đồ trang sức như khuyên tai ba mấu, ống chuỗi hình bằng thủy tinh, mã não và kim loại quý.

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 4

Văn hóa Sa Huỳnh vùng núi lòng hồ Nước Trong nổi bật là sự tồn tại của một cộng đồng người chế tạo

Phân tích di vật gốm, đồ đá, kim loại,...cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh vùng lòng hồ Nước Trong  phát triển nông nghiệp dùng cuốc, trồng lúa, biết đến luyện kim, đúc đồng và chế tạo đồ sắt, kéo dài từ 3.500 năm trước đến một vài thế kỷ sau Công nguyên. Những hạt lúa đã tìm thấy ở Lung Leng có niên đại 3.000 năm trước, ở trong mộ, trong mảnh gốm vùng lòng hồ Nước Trong. Đây là sản phẩm của nông nghiệp Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 5

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng di chỉ khảo cổ học Nước Trong phát hiện những ngôi mộ cực kỳ độc đáo mà trước đây chưa từng thấy

PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, di chỉ khảo cổ học Nước Trong đã phát hiện được những ngôi mộ cực kỳ độc đáo mà trước đây chưa từng thấy: mộ chum nhưng lại có nồi gốm úp vào thân, hoa văn của mộ cũng có nhiều loại độc đáo. “Tôi thấy cần chọn một địa điểm xứng tầm với phát hiện này, để không phải cho các nhà nghiên cứu trong nước, cho người Việt Nam xem mà cá bạn bè quốc tế. Địa điểm đó chính là Nhà trưng bày hiện vật Sa Huỳnh hiện nay, nằm sát bên hồ Nước Trong. Chúng ta chỉ giữ lại khung nhà, còn toàn bộ nội thất bên trong phải thay đổi đúng với tiêu chuẩn của một bảo tàng hiện đại. Áp dụng các hình ảnh 3D, để khách tham quan có thể xem chi tiết từng mộ, vị trí khai quật, các hiện vật bên trong cùng các thông số cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh.

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 6

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng cần xây dựng đề cương trưng bày, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ánh sáng, kệ và bảo quản cổ vật

Còn theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Hội Khảo cổ học Việt Nam, những mộ táng vùng lòng hồ Nước Trong là những trang sử liệu bằng vật thật với giá trị lịch sử văn hóa nổi bật trong tiền sử Việt Nam, xứng đáng được trưng bày trong một bảo tàng chuyên ngành. Ở Việt Nam, các nền văn hóa lớn đều được các nhà văn hóa xây dựng bảo tàng chuyên ngành, như Bảo tàng văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng văn hóa Óc Eo,... Quảng Ngãi đã có một bảo tàng chuyên ngành Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh ở cạnh đầm An Khê, có thể đưa những di tích mộ táng này vào trưng bày ở đây. “Để có một bảo tàng chuyên ngành đúng tầm văn hóa Sa Huỳnh, cần xây dựng đề cương trưng bày, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ánh sáng, kệ và bảo quản cổ vật. Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, làm tốt việc bảo quản, giới thiệu văn hóa Sa Huỳnh và từng bước biến nơi đây thành một trung tâm nghiên cứu – du lịch văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam và khu vực”, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử nêu ý kiến.

Văn hóa Sa Huỳnh ở miền tây Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam - Anh 7

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học cần xác định, đánh giá chính xác nguồn gốc, giá trị và tính khoa học của các di vật khảo cổ học tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong. Sở VHTTDL tỉnh tiếp thu, nghiên cứu, khẩn trương xây dựng phương án chỉnh lý trong giai đoạn tiếp theo, bảo quản số lượng hiện vật còn lại chưa được chỉnh lý. Chú trọng các giải pháp bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị các hiện vật khai quật khảo cổ, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc