Tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia:

Tuân theo quy định của Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 24.5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự thảo luật này.

 Tuân theo quy định của Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa - ảnh 1
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Theo đó dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Về đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ông Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa dự thảo Luật với các luật có quy định về lưu trữ.

 Tuân theo quy định của Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) góp ý cho dự thảo Luật

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định của pháp luật hiện hành về lưu trữ và nhận thấy, một số luật hiện hành có quy định đặc thù về lưu trữ liên quan đến chế độ bảo quản, thời hạn lưu trữ, cấp bản sao; nếu bãi bỏ quy định về lưu trữ tại các luật này để thực hiện thống nhất theo quy định Luật Lưu trữ thì sẽ không phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động lưu trữ của một số Bộ, ngành và khó bảo đảm tính khả thi.

Do vậy, để bảo đảm hoạt động lưu trữ tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam phù hợp với nguyên tắc của hoạt động lưu trữ theo quy định của Luật Lưu trữ, đồng thời cũng phù hợp với hoạt động lưu trữ tài liệu của một số ngành, lĩnh vực đặc thù, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một điều về áp dụng Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan như thể hiện tại Điều 3 của dự thảo Luật.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt để tránh trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia; bổ sung quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia bảo đảm thống nhất với Luật Di sản văn hóa.

 Tuân theo quy định của Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa - ảnh 3
Toàn cảnh phiên họp

"Uỷ ban Thường vụ xin báo cáo như sau: Trên cơ sở kế thừa một số quy định về tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Luật Lưu trữ hiện hành (Điều 26), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng nội hàm của từng tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, bảo đảm tính toàn diện và phù hợp với tính chất của tài liệu lưu trữ.

Theo đó, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt phải đáp ứng một trong các tiêu chí về nội dung quy định tại khoản 2 và một trong các tiêu chí về hình thức, xuất xứ quy định tại khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật; phân định rành mạch với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia (phải đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 41a của Luật Di sản văn hóa", Tổng thư ký Quốc hội cho biết.

 Tuân theo quy định của Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa - ảnh 4
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) góp ý cho dự thảo Luật

Đối với ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia, bảo đảm thống nhất với Luật Di sản văn hóa, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tài liệu lưu trữ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lưu trữ nên việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, trong đó có hoạt động bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trước hết phải tuân thủ quy định của Luật Lưu trữ; trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ, còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa.

 Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định về quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt với các quy định tương ứng về bảo vật quốc gia trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để chỉnh lý Điều 3 của dự thảo Luật, theo đó bổ sung khoản 2 vào Điều 3 của dự thảo Luật với nội dung “Trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan. Trường hợp mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.