Kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):

Tự hào truyền thống, tỏa sáng tương lai

PGS.TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU (Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

VHO - Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, liên quan đến vận mệnh, đến sự hưng vong của đất nước. Chính vì vậy, từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa.

Tự hào truyền thống, tỏa sáng tương lai - ảnh 1
Tập thể cán bộ, giảng viên Viện Văn hóa và Phát triển

Trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngôi trường cao cấp nhất của Đảng, có một đơn vị là Viện Văn hóa và Phát triển, với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực trọng yếu - văn hóa.

Những dấu mốc lịch sử

Cách đây 40 năm, ngày 19 tháng 8 năm 1984, Giám đốc Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã ký Quyết định chuyển Tổ Bộ môn Văn hóa xã hội chủ nghĩa trực thuộc khoa Triết học sang trực thuộc Giám đốc. Đây là dấu mốc đặc biệt, đánh dấu sự ra đời của một đơn vị thuộc Trường Đảng, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá VI (1987) về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn hc, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn hc, nghệ thuật và văn hóa lên một bước mới, năm 1989, Giám đốc Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã ký Quyết định thành lập Khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa. Sau đó, các khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa cũng được thành lập ở các Phân viện thuộc hệ thống Trường Đảng (nay là các Học viện Chính trị khu vực).

Cùng với sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, ngày 02.8.2005, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ký Quyết định chuyển Khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa thành Viện Văn hóa và Phát triển.

Từng bước xây dựng đội ngũ

Những ngày đầu thành lập, đơn vị chỉ có 4 cán bộ, giảng viên; đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên của Viện đã có sự phát triển cả về lượng và chất. Các thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện có 3 giáo sư, 9 phó giáo sư, 18 tiến sĩ. Cán bộ, giảng viên trong Viện không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà còn phát huy vai trò đối với xã hội, đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Cán bộ là gốc của mọi công việc”, quán triệt tinh thần ấy, trong những năm qua, Viện tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên theo định hướng giỏi về chuyên ngành, sắc về lý luận, sâu về thực tiễn, thành thạo về ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cùng kỹ năng, phương pháp làm việc, cán bộ, giảng viên trong Viện còn tích cực rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, giữ gìn hình ảnh người cán bộ trường Đảng, cán bộ của Viện Văn hóa và Phát triển. Những tên tuổi như PGS. TS Tạ Văn Thành, GS.TS Trần Văn Bính, GS.TS Hoàng Vinh, PGS.TS Phạm Duy Đức, PGS.TS Lê Quý Đức… đã in sâu vào tâm trí các thế hệ học viên bởi tri thức uyên bác và nhân cách sáng ngời của những nhà giáo Trường Đảng.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Viện Văn hóa và Phát triển được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy bộ môn Văn hóa và Phát triển cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị và Cử nhân chính trị. Bên cạnh đó, Viện còn tham gia đào tạo sau đại học với các mã ngành Tiến sĩ Mỹ học, Tiến sĩ Văn hóa học, Thạc sĩ Văn hóa học và Thạc sĩ Quản lý văn hóa. Học viên của Viện sau khi tốt nghiệp đã phát huy tốt vai trò của mình trên các vị trí công tác, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, có người lại tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên mọi miền Tổ quốc.

Ngoài ra, Viện Văn hóa và Phát triển còn phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Học viện tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, văn hóa và phát triển, văn học nghệ thuật cho đội ngũ giảng viên của hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường quản lý cán bộ của các Bộ, ngành và đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới, Viện đã tập trung xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo, giáo trình, giáo án theo hướng đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, thể hiện bản sắc Trường Đảng, đồng thời đảm bảo tính hiện đại và hội nhập.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Công tác nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Viện. Thời gian qua, Viện đã hoàn thành nhiều đề tài, đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện. Bên cạnh đó, Viện cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp nghiên cứu khoa học với các địa phương; hợp tác với một số tổ chức quốc tế, trường đại học nước ngoài trong nghiên cứu khoa học. Các đề tài của Viện tập trung vào những chủ đề như: Khẳng định giá trị và bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về lĩnh vực văn hóa; Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội; Nghiên cứu, tổng kết những thành tựu lý luận của Đảng về văn hóa trong thời kỳ đổi mới; Nghiên cứu về các lĩnh vực văn hóa, đời sống thực tiễn văn hóa nước nhà; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ... Viện cũng đã tổ chức, tham mưu tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều Hội thảo khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp Viện; tích cực chắt lọc kết quả của quá trình giảng dạy và nghiên cứu, xây dựng các báo cáo kiến nghị trình các cấp có thẩm quyền. Các công trình nghiên cứu của tập thể, cá nhân trong Viện được công bố ở các nhà xuất bản, các tạp chí có uy tín.

Từ 2022 đến nay, Viện phát hành Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển. Tạp chí đã dần khẳng định được vị thế của một diễn đàn khoa học có uy tín, công bố các nghiên cứu, trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa, con người. Năm 2024, Tạp chí đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào hệ thống các tạp chí khoa học được tính điểm ở lĩnh vực văn hóa.

Nỗ lực xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh

Chi bộ Viện Văn hóa và Phát triển nhiều năm đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, nữ công được tổ chức nghiêm túc, sôi nổi. Sự tiếp nối và gắn kết giữa các thế hệ cán bộ là một điểm sáng trong truyền thống của Viện, củng cố tinh thần đoàn kết, đồng tâm, phát huy trí tuệ của mỗi cán bộ đã và đang công tác tại Viện cống hiến cho sự nghiệp chung. Sự chăm lo, khuyến khích, tạo điều kiện của tập thể lãnh đạo Viện, của Công đoàn, của tập thể đối với mỗi cá nhân đã tạo nên một môi trường làm việc nhân văn, kỷ cương, sáng tạo và hiệu quả. Viện thực sự trở thành “điểm tựa tinh thần”, “tổ ấm” cho mỗi cán bộ trong công việc và trong cuộc sống.

Với những thành tựu đã đạt được, Viện Văn hóa và Phát triển đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1999), Huân chương Lao động hạng Hai (2004), Huân chương Lao động hạng Nhất (2009), Huân chương Độc lập hạng Ba (2014), Bằng khen của Đảng ủy Khối (2023). Nhiều cán bộ của Viện đã được nhận Huân chương Lao động, được phong tặng các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Giám đốc Học viện... Nhiều đồng chí đã được trao tặng Huân chương, Kỷ niệm chương của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển của Học viện, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, Kỷ niệm chương về công tác tư tưởng, văn hóa…

Bốn mươi năm qua, Viện Văn hóa và Phát triển đã từng bước xây dựng và trưởng thành, khẳng định được vị thế, uy tín của một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, với tư cách là một đơn vị trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của Trường Đảng Trung ương, phát huy truyền thống 40 năm phấn đấu và trưởng thành, trong thời gian tới, Viện Văn hóa và Phát triển nhất định sẽ có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện, cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.