Trùng tu, tôn tạo và khai thác các công trình di tích tại TP.HCM: Kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư

VHO - Đó là ý kiến của đại diện các Sở, ngành TP và người dân tại chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” do HĐND TP phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM thực hiện, với chủ đề “Đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và khai thác các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP.HCM” diễn ra vừa qua.

Trùng tu, tôn tạo và khai thác các công trình di tích tại TP.HCM: Kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Anh 1

Nhiều di tích lịch sử - văn hóa tại TP.HCM cần được trùng tu, tôn tạo, tuy nhiên nguồn ngân sách nhà nước có hạn. Trong ảnh: Di tích lịch sử quốc gia Khu Trại giam Bệnh viện Chợ Quán đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: HUY CHƯƠNG

Bố trí gần 1.400 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo hơn trăm công trình di tích

Theo ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, thời gian qua, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP đã góp phần rất lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thành phố, hiện các di tích trên địa bàn ngày càng xuống cấp, cần sự quan tâm đầu tư để tôn tạo, phục dụng…

Ông Huỳnh Thanh Hùng nhấn mạnh, các cấp lãnh đạo thành phố luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích lịch sử, di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị; và xác định đây là việc cần làm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trương Kim Quân, Phó trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VHTT TP.HCM cho hay: “Trong 5 năm qua, thành phố, các quận huyện, các tổ chức xã hội và người dân đã tu bổ hơn 50 di tích. Các di tích được tu bổ xong đã bảo tồn các yếu tố nguyên gốc và giá trị chân xác của di tích văn hóa, tạo được cảnh quan, môi trường hài hòa trong quá trình đô thị hóa, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn tài nguyên cho du lịch thành phố trong giai đoạn này cũng như thời gian tới”.

Ông Quân cho biết tháng 3.2021, Sở VHTT TP.HCM phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức đã khảo sát các di tích và ban hành kế hoạch về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025, có 113 di tích cần tu bổ, tôn tạo.

Đến nay, HĐND TP đã phê duyệt và bố trí vốn 328 tỉ đồng cho các dự án đang triển khai thi công và bố trí thêm khoảng 1.054 tỉ đồng cho các dự án chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. “Mặc dù vậy, thực tế cho thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh, áp lực về kinh tế, sự thay đổi về mật độ dân cư... khiến các khu vực bảo vệ di tích bị xâm phạm dẫn đến việc thi công các di tích, nhất là những di tích khảo cổ, còn trở ngại bởi phụ thuộc nhiều vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Quân nói.

Tài nguyên du lịch từ di sản văn hóa

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Sở đã có thống kê, đánh giá các tiềm năng về sản phẩm khai thác du lịch, cho thấy hiện TP.HCM có 266 tài nguyên sản phẩm du lịch, trong đó tài nguyên trong lĩnh vực văn hóa là 233, đặc biệt là 185 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật có thể khai thác phục vụ du lịch.

Theo đó, TP.HCM hiện có khoảng 15 di tích trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước như Hội trường Thống Nhất, địa đạo Củ Chi, căn cứ Chiến khu Rừng Sác, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, chợ Bình Tây, các hội quán người Hoa tại quận 5… và gần đây nhất là chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND - UBND TP đã được triển khai.

Cùng với đó, TP hiện có khoảng 30 chương trình du lịch tổ chức gắn với các di sản, di tích văn hóa lịch sử. Trong đó, có nhiều chương trình đang được khai thác hiệu quả như tham quan các di tích của Biệt động Sài Gòn, chương trình “Trăm năm tìm lại dấu xưa”…

Các Sở, ban, ngành từng bước biến các địa điểm di tích thành những không gian văn hóa sinh động. Trong đó tiêu biểu như di tích Ngã Ba Giồng ngoài việc cung cấp các thông tin lịch sử còn cho du khách trải nghiệm cách trồng trầu và hiểu thêm về văn hóa trầu cau. Học sinh khi tham quan di tích được tham gia các cuộc thi tìm hiểu về di tích. Cùng với Lễ hội Khai hạ - Cầu an ở Lăng Ông trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa quận 5 và Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ gắn liền với di tích Lăng Ông Thủy Tướng… luôn thu hút lượng lớn người dân và du khách. Đây cũng chính là ba Lễ hội truyền thống của người dân TP.HCM được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trùng tu, tôn tạo và khai thác các công trình di tích tại TP.HCM: Kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Anh 2

Kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Theo ông Lê Như Hải Long, Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Sở KH&ĐT TP.HCM, toàn TP hiện có 185 di tích đã được xếp hạng, trong đó có hai di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp thành phố. Hầu hết các di tích này đều có nhu cầu cần tu bổ, tôn tạo. “Như vậy thì vốn đầu tư công để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP là rất lớn, hiện TP.HCM cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu tu bổ, tôn tạo. Và để đáp ứng nhu cầu vốn cho các công trình di tích này, hiện Sở KH&ĐT đang phối hợp với các Sở, ngành rà soát các dự án, ưu tiên bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, trong đó có một số di tích lịch sử văn hóa”.

Theo đại diện các Sở, ngành, Nhà nước có quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tuy nhiên nguồn kinh phí thì có hạn. Ông Huỳnh Thanh Hùng đề xuất thành phố đầu tư thêm ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để hoạt động bảo tồn di tích hoạt động hiệu quả hơn.

Trước thực trạng di tích hiện nay, ông Trương Kim Quân bày tỏ thêm, Sở VHTT TP.HCM cần sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đồng thời đơn vị này đang tiến hành số hóa các di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng, đẩy mạnh liên kết các điểm di tích với nhau; ứng dụng rộng rãi công nghệ để giới thiệu di tích đến công chúng.

“Trước đây, việc kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có quy định đối với các công trình văn hóa - thể thao. Tuy nhiên Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đây là cơ chế chính sách tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho công tác huy động vốn từ nguồn xã hội hóa để đầu tư và tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hóa”, ông Lê Như Hải Long cho biết.

Theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, ông Huỳnh Thanh Hùng đề nghị các Sở, ngành thành phố có quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước để ngăn chặn kịp thời tình trạng di tích xuống cấp hoặc bị lấn chiếm, xâm hại. Cạnh đó, tiếp tục rà soát, lập hồ sơ khoa học cho các di tích, để từ đó có các giải pháp quản lý đồng bộ, bảo quản di tích.

“Sở VHTT, Sở KH&ĐT sớm rà soát tham mưu UBND TP xây dựng danh mục dự án, công trình văn hóa của thành phố dự kiến kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm tiếp tục phát huy nguồn lực xã hội trong đầu tư tu bổ các di tích. Các đơn vị cần quan tâm khai thác các di tích đúng mục đích, nhằm phát huy tiềm năng, giá trị trong thời gian tới, trong đó lưu ý khai thác các giá trị tài nguyên du lịch về di tích lịch sử văn hóa gắn với lễ hội truyền thống để làm sao tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo thêm cơ sở cho việc hội nhập và phát triển”, ông Huỳnh Thanh Hùng nhấn mạnh. 

 Sở VHTT, Sở KH&ĐT sớm rà soát tham mưu UBND TP xây dựng danh mục dự án, công trình văn hóa của thành phố dự kiến kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm tiếp tục phát huy nguồn lực xã hội trong đầu tư tu bổ các di tích.

(Ông HUỲNH THANH HÙNG, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM)

 Trước đây, việc kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có quy định đối với các công trình văn hóa - thể thao. Tuy nhiên Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đây là cơ chế chính sách tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho công tác huy động vốn từ nguồn xã hội hóa để đầu tư và tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hóa.

(Ông LÊ NHƯ HẢI LONG, Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Sở KH&ĐT TP.HCM)

THUỲ TRANG

Ý kiến bạn đọc