Triển lãm Dự án thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại
VHO - Ngày 15.7, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc thuộc Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện đa dạng nhằm truyền tải giá trị văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội.
Dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Trịnh Thị Thủy; Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo đó, sự kiện gồm các hoạt động như: Triển lãm “Dự án Thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại” tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam; lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc; trải nghiệm nghệ thuật viết chữ thư pháp.
Trong đó, triển lãm “Dự án Thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại” được đồng tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc từ 15.7.2024 - 09.8.2024, trong khuôn khổ “Dự án hợp tác chương trình tham quan Trung tâm Văn hóa tại nước ngoài” do Ban Dự án Văn hóa Quốc tế trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc thực hiện.
Đây là Triển lãm được tổ chức lần thứ 4 nhưng là lần đầu tiên tại Việt Nam với chủ đề “Hangeul - chữ viết tiếng Hàn" với mục đích giúp công chúng có cái nhìn trực quan hơn về giá trị của Hangeul - chữ viết tiếng Hàn thông qua việc hợp tác với các nghệ sĩ đang hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm làm nổi bật giá trị của Hangeul như một nội dung nghệ thuật và công nghiệp, từ đó giới thiệu giá trị của văn hóa Hangeul trên toàn cầu.
Triển lãm giới thiệu 11 tác phẩm nghệ thuật với đa dạng các loại hình từ hình họa, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thời trang và các video miêu tả hành trình biến đổi của Hangeul. Trong đó bao gồm các video giới thiệu nguyên lý và triết lý sáng tạo Hangeul, tác phẩm “Hangeul” của tác giả Lee Hwayoung một trong những tác phẩm tiêu biểu khẳng định lại một lần nữa rằng Hangeul thời cận đại chính là cánh cửa mở ra thế giới mới; cùng với đó là tác phẩm “Jitae Chilgi" - bức sơn mài trên giấy truyền thống chứa đựng những nét đặc sắc, riêng có của nét chữ Hangeul...
Sau khi triển lãm tại Việt Nam kết thúc, sự kiện này sẽ tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Philippines bắt đầu từ tháng 9.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc diễn ra tại ễ khai mạc Triển lãm “Dự án Thí nghiệm Hangeul - Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại” với các nội dung chính: Thúc đẩy các chương trình hợp tác và trao đổi lẫn nhau về tài liệu và ấn phẩm học thuật; phối hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm quảng bá văn hóa của hai bên (đặc biệt là văn hóa chữ viết và di sản tư liệu, ...); trao đổi chuyên môn và phát triển các kỹ năng nghiệp vụ (đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản); trao đổi chuyên gia nhằm xúc tiến các hoạt động hợp tác và phát triển năng lực chuyên môn của hai bên và thúc đẩy các dự án hợp tác.
Bên cạnh đó, đến với triển lãm, công chúng Việt Nam sẽ được trải nghiệm nghệ thuật viết chữ thư pháp, do Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia tổ chức.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng cho biết, những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và các đối tác Hàn Quốc diễn ra rất tốt đẹp trên lĩnh vực thư viện nói riêng và văn hóa nói chung. Tiêu biểu là các chương trình hợp tác xây dựng Thư viện Văn hóa thiếu nhi, Không gian chia sẻ S-hub, các sự kiện giao lưu văn hóa diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, hợp tác đào tạo cán bộ thư viện Việt Nam về nghiệp vụ và ngôn ngữ tiếng Hàn tại Hàn Quốc.
“Thư viện Quốc gia Việt Nam vui mừng và vinh dự phối hợp cùng Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Triển lãm “Dự án thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại”.
Triển lãm giúp đông đảo công chúng và bạn đọc, đặc biệt là những người yêu thích văn hóa Hàn Quốc có cái nhìn trực quan về giá trị, vẻ đẹp và tính linh hoạt của Hangeul - chữ viết tiếng Hàn, đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hangeul trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng hiện đại”, ông Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dũng, việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc là dấu mốc quan trọng để khởi đầu cho việc xúc tiến hiệu quả khung hợp tác cơ bản giữa hai cơ quan trong việc thúc đẩy và phát triển văn hóa chữ viết và ngôn ngữ, đồng thời, thúc đẩy sự hiểu biết và trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia.
Ông Kim II-hwan, Giám đốc Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, việc ký kết hợp tác giữa Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc và Thư viện Quốc gia Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn làm nền tảng vững chắc để củng cố và thúc đẩy sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên trên đa dạng các hoạt động bao gồm: Trao đổi lẫn nhau về tài liệu và ấn phẩm học thuật, phối hợp tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, trao đổi chuyên môn và phát triển các kỹ năng nghiệp vụ, mở rộng giao lưu nhân dân.