TP.HCM: Tập trung đầu tư cho ngành văn hóa ngang bằng với kinh tế
VHO - Ngày 22.2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình họp mặt văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024 với sự tham gia của hơn 100 văn nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật TP. Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ và lắng nghe các ý kiến chia sẻ của văn nghệ sĩ tiêu biểu
Các văn nghệ sĩ bày tỏ cám ơn buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa, ấm áp đầu năm giữa lãnh đạo TP.HCM với văn nghệ sĩ TP. Tại đây, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã bày tỏ tâm tư, góp ý kiến nhằm phát triển văn học, nghệ thuật tại TP.HCM. Lãnh đạo TP.HCM tiếp thu ý kiến và lắng nghe, ghi nhận những chia sẻ, hiến kế của văn nghệ sĩ về giải pháp phát triển văn hóa - nghệ thuật trong thời gian tới.
Đạo diễn, Nhà văn Xuân Phượng (95 tuổi) chia sẻ 3 kỷ niệm khó quên trong đời nghệ sĩ, khi bà còn là phóng viên chiến trường được gặp gỡ Bác Hồ, và nhiều nhà hoạt động cách mạng, từ đó bà luôn ý thức phải sống sao cho xứng đáng với những cống hiến của những con người kiệt xuất mà bà may mắn được diện kiến, để những tác phẩm của bà, phải mang giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc.
Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ tại buổi họp mặt
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bày tỏ tin tưởng Nghị quyết 98 của Quốc hội là cơ hội để TP.HCM tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cho các văn nghệ sĩ nhiều cảm xúc và sáng tạo mới. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho rằng, muốn sản phẩm văn hóa đến được với công chúng thì cần có nguồn kinh phí. Từ đó, ông đặt vấn đề phải đưa văn hóa ngang tầm với kinh tế, đưa giá trị tinh thần ngang tầm với sự phát triển của kinh tế hay định lượng của văn hóa vừa mang tính tinh thần, vừa mang tính vật chất.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đề xuất TP cần chú trọng đầu tư về mặt thiết chế văn hóa, quan tâm đến hai đơn vị đào tạo của trung ương đang đóng trên địa bàn TP, đó là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và Nhạc viện TP.HCM.
“Nhân sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam, ngoài việc trao giải thưởng cho các tác phẩm mới thì lãnh đạo TP nên có sự tôn vinh đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật đã định hình trong lòng người dân 50 năm qua, động viên tinh thần các văn nghệ sĩ đương đại và các văn nghệ sĩ không còn nữa”, ông nói.
Nghệ sĩ Hồng Ánh
Đại diện cho lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh cho rằng, TP.HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước nhưng vẫn còn thiếu một trung tâm phức hợp có quy mô để tổ chức các chương trình xứng tầm với khu vực và những sự kiện quốc tế. Trung tâm phức hợp này là nơi tổ chức chiếu phim, các cuộc triển lãm liên quan đến văn học nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế, thúc đẩy giao lưu với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, diễn viên Hồng Ánh cũng đề xuất TP quan tâm phát triển công nghệ điện ảnh.
Ở lĩnh vực sân khấu, nghệ sĩ Quốc Thảo, Giám đốc Sân khấu kịch Quốc Thảo đề xuất TP.HCM quan tâm nhiều hơn đến các sân khấu xã hội hóa; có quỹ về sân khấu để phát triển các tác phẩm hay…
Các đại biểu chia sẻ, hiến kế với lãnh đạo Thành phố
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn văn nghệ sĩ đã luôn hướng về TP thông qua các tác phẩm và các ý kiến góp ý cho lãnh đạo TP. Nhờ các góp ý này mà lãnh đạo TP có quyết định để xây dựng TP đúng hướng hơn, ngày càng quan tâm đầu tư cho văn hóa xã hội nhiều hơn, và đời sống tinh thần người dân được nâng lên ngang tầm với đời sống vật chất.
“Qua phát biểu của các văn nghệ sĩ, thấy trách nhiệm của chính quyền TP rất lớn trong phát triển văn hóa xã hội đối với sự phát triển chung của TP. Lãnh đạo TP hoàn toàn tin tưởng tình cảm, năng lực của văn nghệ sĩ, vấn đề là TP có đủ tạo ra cảm hứng để văn nghệ sĩ sáng tạo, chúng tôi nhận trách nhiệm này.
Lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe, tiếp thu và tổ chức thực hiện đạt kết quả ngay khi có thể. Chính quyền TP phải tiếp tục tạo ra môi trường gồm cảm hứng, sự đầu tư để sáng tác văn học nghệ thuật được phát triển hơn”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Lãnh đạo TP.HCM chụp ảnh lưu niệm cùng văn nghệ sĩ tại buổi họp mặt
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, TP đang tập trung đầu tư cho ngành văn hóa ngang bằng với kinh tế, tuy nhiên chưa đạt được mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình quyết định đầu tư thì cũng tính đến sự đầu tư ngày càng lớn hơn cho lĩnh vực văn hóa, đầu tư cho cơ sở vật chất thiết chế, đào tạo nhân lực.
Đồng thời, chính sách phát triển văn hóa, không chỉ là đầu tư của ngân sách, các đơn vị công lập mà có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia quá trình sáng tạo, trong quá trình phát triển văn hóa. TP tập trung thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội để có nhiều cơ chế huy động các lực lượng xã hội tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật.
KHÁNH HÀ; ảnh: DŨNG PHƯƠNG