Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch" lần thứ Hai:
Tiếp tục thể hiện sức hút mạnh mẽ
VHO - Sáng 15.7 tại trụ sở Bộ VHTTDL, BTC Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai đã khai mạc vòng chấm sơ khảo. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC dự và phát biểu chỉ đạo công tác chấm giải.
Cùng tham dự khai mạc vòng chấm sơ khảo có bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng sơ khảo; Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC Giải; Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Phan Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cùng các uỷ viên Hội đồng sơ khảo, phóng viên các cơ quan báo chí…
Nâng cao tính chuyên môn
Tại chương trình, Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC Giải đã công bố quyết định thành lập và Quy chế làm việc của Hội đồng sơ khảo. Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, thực hiện Quyết định số 2450/QĐ-BVHTTDL ngày 5.10.2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch”, BTC đã ban hành thể lệ Giải lần thứ Hai. Trưởng BTC Giải đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Sơ khảo Giải, cùng quy chế chấm và làm việc của Hội đồng sơ khảo.
Phát biểu chỉ đạo công tác chấm Giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ VHTTDL vui mừng khi nhận thấy kể từ thành công của kỳ giải đầu tiên, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của nhiều cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên theo dõi các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Minh chứng là tại Giải lần này, đã có 920 tác phẩm dự giải.
Thứ trưởng cho rằng, kết quả bước đầu đã mang đến sự phấn khởi. Số lượng các tác phẩm gửi về đã cho thấy lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Nhìn chung, các tác phẩm đã phản ánh rõ nẽt những nghị quyết, chính sách; những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng quyết tâm của toàn ngành trong phát triển các lĩnh vực. Những đóng góp của ngành VHTTDL trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên những chất liệu phong phú, “đa sắc” để các nhà báo tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng. Thay mặt BTC, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên dành cho Giải.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, với quy chế năm nay, BTC đã có những nghiên cứu, sửa đổi để đảm bảo khoa học, chuyên nghiệp; tạo sự đồng đều giữa các loại hình báo chí cũng như tác phẩm tham dự ở các lĩnh vực. Nhân dịp này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn công tác chấm giải sẽ đảm bảo sự công tâm, khách quan, chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy chế, thể lệ để chấm chọn được những tác phẩm xứng đáng và tiến hành trao giải.
Thứ trưởng giao Báo Văn Hóa, cơ quan thường trực Giải tập trung nguồn lực, hỗ trợ Hội đồng sơ khảo, chung khảo hoàn thành công tác chấm giải theo đúng tiến độ, đề cao tính chuyên môn. Công tác tuyên truyền trước, trong và sau sự kiện cần được đẩy mạnh để tạo sức lan tỏa cho Giải; góp phần khẳng định vị thế, vai trò của ngành VHTTDL trong đời sống xã hội.
Thành công của một giải báo chí ngành
Báo cáo công tác thu nhận tác phẩm và chấm sơ khảo Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai, ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cho hay, ngày 22.5.2024, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải lần thứ Hai đã ký Quyết định số 1375/QĐ-BTCGBC ban hành Thể lệ Giải. Kể từ ngày phát động, giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
Tác phẩm tham dự Giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 15.6.2024. BTC sẽ trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho mỗi loại hình báo chí. Ngoài ra, sẽ có 3 giải đồng hạng cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự giải, đạt kết quả cao.
“Đến hết ngày nhận tác phẩm dự thi 20.6.2024, BTC đã nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”, ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh.
Từ 920 tác phẩm gửi về, Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và loại các tác phẩm vi phạm thể lệ Giải. Kết quả, có 894 tác phẩm hợp lệ. Trong đó, loại hình báo in có 258 tác phẩm; báo điện tử 235 tác phẩm; phát thanh 92 tác phẩm; truyền hình 222 tác phẩm và báo ảnh 87 tác phẩm. Hội đồng sơ khảo được thành lập gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh. Thời gian hoàn thành chấm sơ khảo dự kiến trước ngày 24.7.
Dự kiến, số lượng tác phẩm lựa chọn vào vòng chung khảo theo loại hình như sau: báo in 25 tác phẩm; báo điện tử 25 tác phẩm; phát thanh 22 tác phẩm; truyền hình 25 tác phẩm; ảnh báo chí 20 tác phẩm.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng sơ khảo cho hay dù thời gian gấp rút và số lượng tác phẩm dự thi năm nay khá nhiều nhưng với kinh nghiệm, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao nhất, Hội đồng sơ khảo sẽ làm việc nghiêm túc, đảm bảo công tác chấm giải diễn ra khách quan, minh bạch, theo đúng các quy định.
Tại buổi khai mạc chấm sơ khảo, các thành viên Hội đồng sơ khảo đã thảo luận, cho ý kiến về công tác chấm giải. Nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Phú Thọ cho hay, số lượng tác phẩm dự thi năm nay tiếp tục là bất ngờ với các thành viên của Hội đồng. “Quy chế giải thưởng năm nay cũng có một số thay đổi, nêu rõ các tiêu chí chấm Giải, là căn cứ để các thành viên Hội đồng thực hiện công tác chấm bài. Sau quá trình làm việc, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng được lựa chọn, trao giải”, nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Chinh chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Vũ Huyến đặc biệt nhấn mạnh, bên cạnh đảm bảo tuân thủ quy chế, thể lệ của Giải, Hội đồng sơ khảo sau khi kết thúc chấm cần có báo cáo cụ thể với Hội đồng chung khảo; giúp công tác chấm giải diễn ra thuận lợi, thể hiện tính chuyên nghiệp và đảm bảo chuyên môn. Ngoài ra, công tác truyền thông cho những tác phẩm chất lượng dự Giải cần có sự đổi mới. Cụ thể, nhiếp ảnh gia Vũ Huyến đề xuất có thể tổ chức sự kiện để giới thiệu những tác phẩm đoạt Giải, có chất lượng đến các em sinh viên tại các cơ sở đào tạo báo chí. Từ đó, giúp các em học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên môn, tạo sức lan tỏa những tác phẩm báo chí viết về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) nêu rõ, Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai đã góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước. Với mục đích nâng tầm chất lượng cho Giải, nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh lưu ý, công tác chấm chọn và trao giải cần chú trọng tính cân bằng giữa các loại hình, đề tài, lĩnh vực.
Cùng với đó, nhà báo Nguyễn Hà Nam, nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập (Đài Truyền hình Việt Nam) mong muốn BTC sẽ tạo thêm điều kiện cho các tác giả là người nước ngoài, tác phẩm tiếng nước ngoài viết về văn hóa Việt Nam tham dự.
Với nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập (Đài Tiếng nói Việt Nam), ông đánh giá năm nay số lượng tác phẩm phát thanh dự Giải đã có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, BTC cần tiếp tục có những giải pháp để thu hút thêm sự tham gia của các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí ở địa phương cũng như thu hẹp khoảng cách giữa báo chí Trung ương và địa phương.