Sửa Luật Quảng cáo:
Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực quảng cáo
VHO - Trước những cơ hội và thách thức đan xen của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có nhiều chính sách phát triển Công nghiệp văn hóa (CNVH) nói chung và ngành quảng cáo nói riêng. Xu thế hội nhập cũng đang đặt ra yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa lĩnh vực quảng cáo đầy tiềm năng.
Là mũi nhọn trong 12 CNVH, hoạt động quảng cáo những năm qua luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành CNVH, từ đó gia tăng sức mạnh mềm văn hóa. Với nhiều lợi thế và tiềm năng, quảng cáo được xem như “mỏ vàng” của CNVH.
Đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2018- 2022, giá trị sản xuất của lĩnh vực quảng cáo có xu hướng tăng theo từng năm, bình quân tăng 6,28%/năm; giá trị gia tăng bình quân tăng 6,31/năm%.
Hiện cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật số cũng đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động quảng cáo (trên mạng xã hội, qua thiết bị di động, hiển thị tự nhiên…) tại thị trường quảng cáo Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quảng bá thương hiệu trên các kênh kỹ thuật số.
Ngành công nghiệp quảng cáo đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và phát triển mạnh mẽ, góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh, quảng cáo đã dần trở thành thiết yếu trong cuộc sống. Từ những quảng cáo tự phát nhỏ lẻ, nay đã phát triển thành một ngành công nghiệp có quy mô rộng lớn, gắn kết các lĩnh vực, là đòn bẩy cho sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam.
“Trên thế giới, lịch sử quảng cáo đã có hàng trăm năm được coi là ngành kinh tế khi mang lại những lợi ích to lớn cho mỗi quốc gia. Quảng cáo Việt Nam đến nay đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một ngành nghề chính thức, tạo sự lan tỏa trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước”, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam chia sẻ.
Theo thống kê, sau gần 10 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thị trường công nghiệp văn hóa trong nước có những bước tiến mới. Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp quảng cáo đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và phát triển mạnh mẽ, đã xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng để hội nhập với kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Trong hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động quảng cáo đang được thể hiện ngày càng phong phú, đa dạng, dưới nhiều hình thức, phương tiện chuyển tải khác nhau.
Theo Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỉ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, nhưng lại xếp thứ 2/11 quốc gia với tốc độ tăng trưởng 12,7%, chỉ sau Malaysia (18,9%). Nguồn thu của các cơ quan báo chí, truyền hình phần lớn từ quảng cáo. Các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, giải trí, hội nghị, hội thảo cũng đều nhận được nguồn thu lớn từ việc xã hội hóa dưới hình thức quảng cáo, tài trợ…
Cùng với những cơ hội, hoạt động quảng cáo hiện nay cũng đang đứng trước vô số thách thức, đặc biệt là những thách thức mới về công nghệ. Trong những lần cách mạng công nghiệp, khi các công cụ sản xuất và các phương thức, quan hệ sản xuất mới được hình thành, truyền thông và quảng cáo cũng đã phải thay đổi theo từng nhịp bước của thời đại.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, ngoài những thách thức chung, ngành quảng cáo nhìn từ góc độ phát triển CNVH tại Việt Nam còn đối mặt với những thách thức mang tính đặc thù. Trong đó, công tác phổ biến, nâng cao nhận thức về việc triển khai, phát triển các ngành CNVH nói chung, trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng chưa sâu rộng và chưa thật sự quyết liệt; phần lớn các kế hoạch còn nặng về lý thuyết, thiếu chỉ tiêu phấn đấu trong từng giai đoạn, thiếu giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu trong các ngành công nghiệp văn hóa còn yếu, dẫn đến khó có căn cứ cho việc hoạch định kế hoạch phát triển.
“Hầu hết doanh nghiệp trong nước quảng cáo theo bản năng và trào lưu mà thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường, dẫn đến lãng phí nguồn tiền chi cho chiến dịch mà còn có thể không đem lại kết quả như mong đợi”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, xu thế chuyển đổi số sẽ định hình ngành quảng cáo trong vòng 5 năm tới, hay được gọi là quảng cáo số lên ngôi. Các xu thế chính trong làn sóng chuyển đổi số ngành quảng cáo là: Trí tuệ nhân tạo (AI); Big Data; Điện toán đám mây; Thực tế ảo (VR)…
Finance Online cho rằng, các loại hình quảng cáo được trang này dự kiến sẽ trở thành xu hướng trong tương lai là: Quảng cáo video; Video phát trực tiếp; Video dạng ngắn; Quảng cáo kết hợp KOLs, Influencers; Tạo kênh để quảng bá thương hiệu; Quảng cáo xoay vòng; Quảng cáo có tính viral…
Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển, việc xây dựng và sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cấp thiết.
Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng cho rằng, ngành quảng cáo trong giai đoạn tới có thể chia thành ba loại hình chính: Quảng cáo ngoài nhà; Quảng cáo báo chí, truyền hình, thông tin điện tử; Quảng cáo số (trên nền tảng mạng xã hội).
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo, hội nhập với thế giới góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nói riêng, việc sớm ban hành Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung sẽ là cơ sở pháp lý để phát triển ngành quảng cáo, một trong 12 ngành CNVH.