Thu phí tham quan di tích lịch sử- danh thắng Yên Tử: Trong phạm vi được phép

VH- Xung quanh việc thu phí tham quan di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử theo Nghị quyết được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua vào cuối năm 2017, dư luận đến nay vẫn tiếp tục có những ý kiến tranh luận trái chiều.

Thu phí tham quan di tích lịch sử- danh thắng Yên Tử: Trong phạm vi được phép - Anh 1

 Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh)

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1.3.2018, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, Quảng Ninh đã thực hiện thu phí đúng căn cứ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc thu phí tham quan sẽ tạo nguồn kinh phí tái đầu tư, tu bổ, tôn tạo các hạng mục của di tích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hàng triệu lượt du khách về tham quan, chiêm bái mỗi năm.

 Không có “phí chồng phí”

Nghị quyết đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua vào tháng 12.2017 với tâm điểm là nội dung thu phí tham quan di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Theo đó, từ 1.1.2018, phí tham quan được thu với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Các trường hợp được miễn phí gồm: trẻ em dưới 1,2m (hoặc dưới 7 tuổi), người khuyết tật, tăng ni, cư sĩ phật tử hoặc đại biểu Phật giáo. Các trường hợp được giảm 50% vé tham quan là những người được hưởng “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa” theo Quyết định 170/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết cũng thể hiện rõ, 80% số tiền thu phí từ việc bán vé tham quan sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước, 20% trích lại cho BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử làm công tác chuyên môn.

Mặc dù thông qua từ cuối năm 2017 và được công bố rộng rãi trên truyền thông nhưng phải đến ngày khai hội Yên Tử (10 tháng Giêng), việc thu phí tham quan quần thể di tích lịch sử - danh thắng mới khiến cho không ít du khách cảm thấy bất ngờ, bởi đã 10 năm nay, du khách đến Yên Tử không phải mua vé tham quan.

Thu phí tham quan di tích lịch sử- danh thắng Yên Tử: Trong phạm vi được phép - Anh 2

 Vé tham quan di tích Yên Tử

Qua khảo sát của Báo Văn Hóa, nhiều du khách cho rằng việc thu phí tham quan danh thắng để có nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích là hợp lý. Tuy nhiên, cần có cách thu phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, tránh tình trạng ùn tắc.

Cũng không ít ý kiến bày tỏ bức xúc khi hiện tại, di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã có khá nhiều loại phí như phí cáp treo, phí xe điện, phí trông giữ phương tiện..., nay lại thêm phí tham quan.

Lo ngại tình trạng “phí chồng phí” cũng là tâm trạng của nhiều du khách đến Yên Tử năm nay. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Văn Hóa, những ý kiến tranh luận trái chiều xuất phát từ việc dư luận chưa hiểu đúng về tính chất cũng như đặc thù của các hoạt động dịch vụ được khai thác từ các hạng mục, công trình trong phạm vi di tích Yên Tử. Cụ thể, các loại phí dịch vụ như cáp treo, xe điện, trông giữ phương tiện… do Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm thu theo sự tự nguyện của du khách; hoàn toàn độc lập với phí tham quan di tích - danh thắng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua.

Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, không chỉ Yên Tử mà tại một số di tích khác, việc thu phí đã được các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện theo Luật Phí và Lệ phí cũng như tuân thủ đúng các Nghị định, Thông tư liên quan của Bộ Tài chính. Mục đích của việc thu phí tại Yên Tử là nhằm tạo nguồn kinh phí sử dụng cho việc tái đầu tư, tu bổ, tôn tạo các hạng mục thuộc phạm vi, ranh giới của khu di tích lịch sử và danh thắng này. Từ năm 2009 đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều dự án quan trọng ở Khu di tích Yên Tử như mở đường 2 làn xe từ Dốc Đỏ vào Yên Tử, đường điện chiếu sáng, trùng tu tôn tạo chùa Suối Tắm, kè đá chống sạt lở chùa Hoa Yên, dự án mở rộng đường giao thông Yên Tử... với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Trước đó, đề xuất thu phí tham quan Khu di tích Yên Tử cũng được đưa ra từ Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh từ tháng 12.2016. Tuy nhiên ở thời điểm đó, nhiều công trình tại danh thắng Yên Tử vẫn trong giai đoạn xây dựng nên HĐND tỉnh Quảng Ninh chưa xem xét thu phí.

 ​ Việc thu phí tham quan Yên Tử ước tính mỗi năm sẽ tạo nguồn thu khoảng 40 tỉ đồng nhằm phục vụ đầu tư, quản lý và phát huy gitrị di tch danh thắng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách hành hương. Mặc dù thông tin về việc thu phí tham quan di tích lch sử và danh thắng Yên Tử đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải đến thời điểm sau khai hội, dư luận mới tỏ ra bất ngờ. Lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu phải công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến việc thu phí để tạo sự đồng thuận trong dư luận.

Trong phạm vi cho phép

Đây không phải lần đầu tiên việc thu phí tham quan di tích danh thắng Yên Tử được triển khai. Từ năm 2007 về trước, du khách đến Yên Tử đã phải nộp lệ phí tham quan.

Khẳng định việc thu phí và mục đích thu phí là đúng căn cứ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trao đổi với Báo Văn Hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy vẫn lưu ý tỉnh Quảng Ninh về quá trình và cách thức triển khai. Trước hết, BQL di tích, đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên bán vé phải có trách nhiệm giải thích rõ cho du khách về việc bán vé, tránh gây những bức xúc, hiểu lầm. Mặt khác, để khắc phục tình trạng ùn tắc trong thời gian cao điểm, phải tính đến phương án mở thêm các quầy bán vé để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách về di tích hành hương, chiêm bái.

Trước một số ý kiến bày tỏ tâm trạng không thoải mái khi về đất Phật hành hương, tham gia hoạt động lễ hội đầu năm nhưng phải đóng phí tham quan, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu, BQL di tích, BTC lễ hội, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thông tin, giải thích rõ ràng để nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ về phạm vi, ranh giới của di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cũng như hoạt động thu phí được tiến hành trong phạm vi đó.

Thu phí tham quan di tích lịch sử- danh thắng Yên Tử: Trong phạm vi được phép - Anh 3

 Phòng bán vé tham quan Yên Tử mùa này luôn quá tải

Thu phí tham quan di tích lịch sử- danh thắng Yên Tử: Trong phạm vi được phép - Anh 4

 Thu phí tại quần thể danh thắng Yên Tử

“Phải giải thích để du khách hiểu rằng phí tham quan không phải là lệ phí tham gia hoạt động lễ hội, hay để được vào chùa lễ Phật như cách hiểu của nhiều du khách đến Yên Tử trong những ngày qua. Quyết định 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18.2.2013 phê duyệt đề án mở rộng và phát triển di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh đã có những quy định rõ ràng về phạm vi ranh giới của di tích lịch sử và danh thắng này.

Theo đó, di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gồm nhiều hạng mục công trình như các chùa, quần thể kiến trúc, đường hành hương, không gian di tích, cảnh quan và cả những phế tích… Du khách đóng phí tham quan để tham gia các hoạt động được tổ chức trong không gian di tích - danh thắng chứ không riêng hoạt động lễ hội hay chiêm bái, thực hành tín ngưỡng”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Đề án mở rộng và phát triển di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt theo Quyết định 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2.2013 đã xác định căn cứ pháp lý trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đề án cũng được xác định làm căn cứ cho việc lập các kế hoạch triển khai, các quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực quan trọng, các dự án thành phần (công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý…), các chương trình bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích hợp lý và hiệu quả. Theo phân loại khu vực bảo vệ di tích của đề án, khu vực bảo vệ I (213,5 ha) gồm toàn bộ không gian di tích và cảnh quan xung quanh tại khu trung tâm và các điểm di tích trong khu vực nghiên cứu, gồm các điểm di tích chính dọc trục Bắc Nam: Chùa Giải Oan, Hòn Ngọc, Vườn Tháp, khu Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, am Thiền Định, chùa Một Mái, khu Mộ Tháp, am Lò Rèn, tượng An Kỳ Sinh, bia Phật, chùa Đồng, đường hành hương; các điểm phế tích trên tuyến Đông Tây gồm: am Diêm, am Dược, am Hoa, am Ngọa Vân; các điểm thắng cảnh gắn với di tích: Thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, Cổng Trời, đường Tùng, rừng Trúc, đỉnh núi Yên Tử...

“Nhân dân và du khách cần được hiểu đúng và đầy đủ về phạm vi ranh giới của di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cũng như mục đích của việc thu phí để tái đầu tư, tu bổ tôn tạo các hạng mục trong phạm vi di tích này, qua đó để tránh tạo nên sự hiểu lầm về tình trạng “phí chồng phí” hay kinh doanh cả với các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý.

 ​“Thu phí tham quan Yên Tử” nhìn từ góc độ pháp luật

Việc thu phí tham quan Yên Tử (Quảng Ninh) có hợp lý, đúng pháp luật hay không? Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Thùy Dương - Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú cho biết:

Theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phí tham quan danh lam thắng cảnh không được quy định mức “cứng” cố định mà do địa phương tự quyết dựa trên các tiêu chí sau:

“+ Mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến tham quan.

+ Đối với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn.

+ Giảm phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng theo các quy định sau:

Người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa”. Trường hợp khó xác định là người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg thì chỉ cần có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.

Người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Người cao tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.

+ Miễn phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật”.

Như vậy, theo quy định trên HĐND tỉnh Quảng Ninh được tự quyết mức phí thu đối với khách tham quan Yên Tử. Tuy nhiên, khi danh thắng hòa lẫn cùng những điểm di tích liên quan tới tín ngưỡng như Yên Tử, câu chuyện phí thắng cảnh lại trở thành việc thu phí đối với những người có nguyện vọng đến chùa. Thiết nghĩ, HĐND tỉnh Quảng Ninh nên xem xét ý kiến dư luận và cân nhắc lại mức phí sao cho phù hợp bởi lượng khách du lịch đến Yên Tử đầu năm rất lớn, cân nhắc một mức phí thấp hơn, vừa hợp lý vừa hợp ý nhân dân mà vẫn đảm bảo tốt kinh phí bảo tồn và tu bổ danh lam thắng cảnh.

H.Hương

Phương Anh

 

Ý kiến bạn đọc