Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035:
Tạo đột phá trong phát triển văn hóa
VHO - Sức mạnh “nội sinh” hình thành từ bên trong con người, dân tộc mà ở đó văn hóa hình thành và phát triển. Trong suốt lịch sử tồn tại, sức mạnh nội sinh của văn hóa sẽ gặp gỡ, tiếp xúc và giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa khác để từ đó học hỏi, và tiếp nhận bổ sung thêm nguồn sức mạnh ngoại sinh.
Bản lĩnh nội sinh của văn hóa có mạnh thì khi giao lưu hội nhập mới tiếp nhận được cái ngoại sinh một cách chọn lọc, để cái ngoại sinh thâm nhập theo hướng hỗ trợ phát triển chứ không lấn át, làm suy yếu cái nội sinh. Không có sức mạnh nội sinh, người Việt Nam không thể vượt qua biết bao khó khăn thử thách, chống chọi với biết bao cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang để giữ gìn độc lập dân tộc.
Văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh
Chính nhờ có sức mạnh nội sinh của văn hóa mà “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh đã giành được bốn huy chương vàng tại SEA Games 32, trong đó hai huy chương 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ cách nhau 20 phút, thời gian chỉ đủ cho cô uống nước. Sức mạnh nội sinh của văn hóa cũng là điều mà cựu vận động viên wushu Nguyễn Thúy Hiền cảm nhận trong giây phút “khi cờ Tổ quốc và Quốc ca Việt Nam vang lên, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi khổ luyện, vết đau chấn thương đều tan biến, lúc đó chỉ còn lại niềm hạnh phúc và tự hào”.
Không có sức mạnh nội sinh của văn hóa sẽ không thể có chiến thắng mà Đặng Thái Sơn giành được trong cuộc thi piano ở Ba Lan năm 1980, khi mà trước đó, chàng thanh niên này chưa bao giờ biểu diễn độc tấu, biểu diễn với dàn nhạc. Sơn đến Warszawa hoàn toàn đơn độc, không người quen, không gia đình, không thầy bạn, không tiền bạc, không tiếng tăm; với hồ sơ dự thi chỉ có hai dòng “sinh ở Việt Nam năm 1958” và “đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky”. Nhớ lại cuộc thi lịch sử, Đặng Thái Sơn hiểu rằng “hồi đó tôi đã đi thi bằng tinh thần Việt Nam. Lên sân khấu tôi có cảm giác tự dưng mình có một sức mạnh gì đó ở đằng sau làm cho mình đánh đàn một cách đầy tự tin”. Nếu trong lịch sử, nền văn hóa đã từng đạt đến đỉnh cao thì việc chấn hưng sẽ kéo theo sự phục hưng văn hóa. Sự phục hưng văn hóa châu Âu thế kỷ XIV-XVII không chỉ khôi phục sự huy hoàng của văn hóa Hy - La cổ đại và tạo nên sự phát triển vượt bậc về mọi mặt cho xã hội châu Âu thời đó, mà còn trở thành nền tảng và động lực thúc đẩy sự phát triển và định hình một số giá trị cốt lõi cho văn hóa châu Âu hiện đại sau này.
Ở Việt Nam, cuộc chấn hưng văn hóa lần thứ nhất diễn ra vào thời Lý - Trần đã phục hưng sức mạnh nội sinh hình thành từ thời Đông Sơn và phát triển nó bằng việc bổ sung sức mạnh ngoại sinh của văn hóa tam giáo Nho - Phật - Đạo. Cuộc chấn hưng văn hóa lần thứ hai khởi đầu từ phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động năm 1906-1908 tạo nên một cuộc đổi mới, tiếp nhận chọn lọc sức mạnh ngoại sinh của văn minh phương Tây để khai mở dân trí, chấn hưng dân khí, làm thay đổi cách suy nghĩ và hành động, góp phần nâng cao mức sống dân sinh. Cuộc chấn hưng văn hóa lần thứ hai kết thúc bằng phong trào cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kết tinh trong “Đề cương Văn hóa Việt Nam”.
Hiện nay chúng ta đang tiến hành cuộc chấn hưng văn hóa lần thứ ba trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khơi mào bằng công cuộc Đổi mới. Để chấn hưng và phát triển văn hóa, việc cần làm trước hết là khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, sau in trong sách của tác giả với tựa đề Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Kết luận số 42-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu nhiệm vụ “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”. Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng Chương trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
“Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” do Bộ VHTTDL xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.11.2024 với tổng nguồn vốn hơn 122.000 tỉ đồng là nhằm cụ thể hóa và hiện thực hóa nhiệm vụ này.
Tập trung vào các nội dung ưu tiên
Nhìn từ tổng thể, so với mục tiêu tạo nguồn sức mạnh nội sinh để đất nước cất cánh và quy mô 10 nội dung thành phần với 9 nhóm mục tiêu cụ thể cần đạt của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, thì con số này không phải là nhiều.
Song, nếu đặt trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế; có nhiều chương trình, dự án khác nhau đang cùng triển khai thì con số 122 nghìn tỉ quả là không nhỏ; từng đồng đều là tiền thuế của dân, không thể vung tay mà không cân nhắc. Nhất là khi nhìn lại trong những năm qua, đã có không ít chương trình nghìn tỉ rất cần, rất hay nhưng không đạt được mục tiêu, chìm vào quên lãng, không có ai chịu trách nhiệm hay từ chức. Ai cũng biết nhiệm vụ của các Bộ là quản lý nhà nước, song tại diễn đàn Quốc hội vào chiều 10.8.2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã thừa nhận rằng, thời gian qua, Bộ VHTTDL mới “chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật”. Do một thời gian dài chưa để tâm đến nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã để nhiều khoảng trống trong tham mưu ban hành chính sách. Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết một số lĩnh vực văn hóa hiện chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh như nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ. Một số lĩnh vực thậm chí còn chưa có văn bản điều chỉnh như văn học, quản lý hoạt động trò chơi...
Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng cho biết, 122 nghìn tỉ đồng được dự kiến đầu tư trong 11 năm cho tất cả các địa phương trên toàn quốc và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ về các địa phương, Bộ, ngành,… Bộ VHTTDL chỉ tham gia quản lý nhà nước. Lời giải thích này có thể giúp yên tâm là sẽ tránh được tiêu cực ở cấp Trung ương, nhưng năng lực và trình độ quản lý văn hóa ở cấp địa phương, cấp cơ sở hiện nay khiến vẫn còn đó mối lo về nguy cơ lãng phí và tiêu cực…
Chấn hưng và phát triển văn hóa là việc quan trọng và cấp thiết, không thể không làm. Tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương vào chiều ngày 29.10.2024 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tích cực nghiên cứu đề xuất với Đảng các chủ trương về văn hóa, đảm bảo để văn hóa thật sự trở thành ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp ngày càng nhiều cho văn minh nhân loại. Để làm được như vậy, thiết nghĩ, cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa; đồng thời chú trọng đầu tư hoàn thiện các giá trị con người để bảo đảm cho sự phát triển văn hóa phải mang tính bền vững.
Chấn hưng và phát triển văn hóa là việc quan trọng và cấp thiết, không thể không làm. Tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương vào chiều ngày 29.10.2024 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tích cực nghiên cứu đề xuất với Đảng các chủ trương về văn hóa, đảm bảo để văn hóa thật sự trở thành ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp ngày càng nhiều cho văn minh nhân loại.
Để làm được như vậy thiết nghĩ, cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa...