Tạo cơ chế để ngành bảo tàng hội nhập với nền kinh tế thị trường

VHO- Khó khăn lớn nhất của ngành bảo tàng hiện nay là xã hội chưa quan tâm đến di sản, đặc biệt là di sản văn hóa. Bên cạnh đó, ngành bảo tàng chưa được tạo cơ chế để hội nhập với nền kinh tế thị trường nên còn trì trệ. Do đó cần có sự điều chỉnh về các quy định, văn bản quy phạm pháp luật để ngành Bảo tàng vừa bảo tồn, phát huy các giá trị, vừa phát triển tương xứng.

Tạo cơ chế để ngành bảo tàng hội nhập với nền kinh tế thị trường - Anh 1

Đại biểu Quốc hội, GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ

Đầu tư quá ít

Công bằng mà nói, số người hiểu được ý nghĩa của bảo tồn, bảo tàng, có ý thức giữ gìn di sản hiện nay không nhiều. Bởi văn hóa và di sản văn hóa vẫn thuộc về thượng tầng kiến trúc, trong khi đời sống của người dân Việt Nam còn khó khăn, người dân còn phải lo cho cuộc sống, cho những vấn đề thiết yếu.

Chính vì thế, có nhiều nơi không đặt giá trị di sản ở vị trí xứng tầm, không biết giữ gìn, bảo vệ các tài liệu, hiện vật quý giá của cha ông. Tôi được biết, có gia đình để nhiều tài liệu, hiện vật rất quý dưới gầm giường hoặc trên những giá sách siêu vẹo, cũ kỹ không xứng tầm với giá trị của hiện vật; nếu để ở giá sách to cũng không có đủ điều kiện bảo quản một cách khoa học như đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm… Chẳng hạn, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (đi vào hoạt động từ năm 2016 tại tỉnh Hòa Bình), ở khu vực trưng bày điều hòa nhiệt độ chạy 24/24, kể cả ngoài hành lang, ánh sáng được điều chỉnh đúng chuẩn để không làm mờ mực…

Một trong những khó khăn của ngành Bảo tàng nhà nước là sự đầu tư còn quá ít. Ví dụ quy định mỗi buổi tặng hiện vật chừng này tiền thì chỉ được chi từng đó, nhưng với bảo tàng tư nhân thì khác, khi nhận hiện vật, có giáo sư được chi vài chục triệu, nhưng có giáo sư chi 100 triệu cũng không đủ, bởi khối tài liệu, hiện vật đồ sộ, giá trị mà vị đó đã đóng góp cho xã hội.

Phải thẳng thắn rằng, ngành Bảo tàng nhà nước còn trì trệ, một phần vì các quy định, văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, chưa sát với thực tế, chưa tạo điều kiện cho hoạt động của ngành di sản, bảo tàng đi lên. Có một vài bảo tàng, lần đầu tiên khi tôi đến Hà Nội tôi đã đến thăm, nhưng cả chục năm sau tôi đi lại dường như không có sự phát triển, không có nhiều sự thay đổi, cả về hiện vật lẫn khung cảnh, vẫn là vẻ tĩnh mịch, lặng lẽ, ít người.

Lương cho nhân viên, cán bộ thu thập hiện vật còn quá ít, khó tương xứng với đóng góp của họ. Chẳng hạn, khi đến làm việc với các nhà khoa học, cán bộ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam không chỉ đi một lần mà có khi phải đi lại tới một chục lần, thậm chí vài chục lần. Bởi các nhà khoa học có nhiều tài liệu quý, ban đầu họ chưa tin tưởng, muốn giữ lại thì phải đến thuyết phục nhiều lần. Hay có những bản thảo viết tay bị mờ, giấy mục, rách, nhân viên phải quay lại để hỏi. Để thực hiện như thế thì phải có cơ chế để họ làm việc vì mất nhiều công sức, nhiều thời gian. Còn ở bảo tàng nhà nước thì không thể có điều kiện đi lại và cơ chế tài chính chi phí cho việc này.

Bên cạnh đó, cách tổ chức làm việc của các bảo tàng hiện nay đang nặng về hành chính, làm công ăn lương, mà lương lại thấp so với ngành nghề khác. Nếu có ai đó muốn tạo sự đột phá cũng khó khăn, không được ủng hộ bởi cơ chế, luật pháp không cho phép.

Tạo cơ chế để ngành bảo tàng hội nhập với nền kinh tế thị trường - Anh 2

 Tác phm Em Thúy ca danh ha Trn Văn Cn đưc lưu gi và trưng bày ti Bo tàng M thut Việt Nam

Ngành Bảo tàng hội nhập nền kinh tế thị trường thế nào?

Trong khi sự đầu tư của ngân sách cho ngành Bảo tàng còn ít, thì hoàn toàn có thể xã hội hóa để tăng thêm thu nhập.

Sự vận hành, hoạt động của ngành Bảo tồn, bảo tàng nói chung chưa thực sự gắn với nền kinh tế thị trường đang rất sôi động. Hoạt động bảo tồn, bảo tàng rất quan trọng, cần phải giữ nguyên giá trị di sản, văn hóa nhưng không có nghĩa là không thể đổi mới. Ví dụ tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nếu ai đó muốn nghiên cứu về một vấn đề nào đó, họ có thể mượn tài liệu và thuê phòng ở lại để nghiên cứu 2-3 ngày hoặc 10 ngày. Nhưng bảo tàng nhà nước thì không tổ chức như vậy được.

Cũng cần phải nghĩ đến việc đưa bảo tàng ra khỏi nội đô, tạo khuôn viên rộng lớn hơn. Các khu bảo tồn, bảo tàng đồng thời phải là một nơi dịch vụ cao cấp. Tôi đi dự hội nghị quốc tế tại nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp, Argentina…, thông thường hội nghị họp trong hội trường, nhưng hết hội nghị, các đại biểu được đưa đến bảo tàng và dành thời gian khoảng 1 tiếng để tham quan, sau đó ra sân tham dự đại tiệc. Tại sao Việt Nam không cho phép các bảo tàng làm như vậy? Tâm lý của khách nước ngoài đến Việt Nam là dành thời gian để tham quan cái gì đó, vừa quảng bá cho hình ảnh đất nước, và tăng chiều sâu cho hoạt động bảo tàng.

Hơn nữa, bảo tàng Việt Nam cần kết nối với các bảo tàng trên thế giới để thông qua đó các nhà quản lý được quyền cung cấp những thông tin của bảo tàng trên thế giới và từ đó thu tiền dịch vụ.

 Bên cạnh đó, bảo tàng là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật quý, giá trị như thế rất nhiều người thích, sẵn sàng bỏ tiền để mua. Vậy thì bảo tàng hoàn toàn có thể làm các bản sao chép, photo hoặc bán đấu giá một số bản gốc được phép. Cần khuyến khích họ làm để vừa đóng góp thêm ngân sách cho nhà nước, vừa có thêm tiền cho công tác bảo tồn, thu nhập cho nhân viên.

Để bảo tàng không bị gò bó trong khuôn khổ

Chức năng của bảo tàng trước hết là phải làm tốt công tác giáo dục truyền thống để người dân có ý thức hơn trong công tác sưu tầm, gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Nhưng chắc chắn việc này cần thời gian, quan trọng là phải làm thường xuyên. Đồng thời phải đảm bảo đời sống cho đội ngũ chuyên môn. Nếu không có mức lương tốt thì làm sao tuyển chọn được người giỏi, người có năng lực. Đừng để trở thành nơi ai đó chưa xin được việc tốt thì vào bảo tàng làm tạm…

Phải điều chỉnh, sửa lại các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; đảm bảo nhân dân phải có ý thức bảo vệ, gìn giữ phát huy di sản. Hiện nay, Việt Nam đã có luật nhưng còn có những bất cập, chưa tạo được cơ chế để bảo tàng gắn kết với kinh tế thị trường.

Tại sao những ngành khác được phát triển theo cơ chế thị trường, còn ngành bảo tàng lại không? Đã đến lúc ngành bảo tàng phải phát triển, hội nhập với nền kinh tế thị trường. Khi có cơ chế thì cho phép và khuyến khích các bảo tàng bán những bản sao hiện vật. Chẳng hạn như đôi dép Bác Hồ, sau khi được Hội đồng quốc gia đánh giá, thì đưa vào sản xuất và bán cho du khách, cho các cơ sở, trường học… Một minh chứng rõ ràng nhất là Khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đối diện nhau trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Một bên có hoạt động văn hóa lành mạnh là cho chữ, bán chữ luôn thu hút được đông đảo người dân đến, còn một bên thì không nhộn nhịp bằng. Nếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn những họa sĩ uy tín chép tranh quý, hiếm trưng bày trong bảo tàng, sau đó đóng dấu Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia và bán những tranh chép này, chắc chắn sẽ giá trị và được đảm bảo hơn so với tranh chép bên ngoài thị trường. Hoặc tại các bảo tàng khác, mô hình trống đồng, máy bay… được chế tác nguyên mẫu bởi các nghệ nhân, được đóng dấu năm sản xuất của bảo tàng thì phải khác với những mẫu trống đồng đang bán ngoài thị trường…

Đây chính là một hình thức xã hội hóa bảo tàng. Không phải chưa có ai nghĩ đến việc này mà không có cơ chế để các bảo tàng thực hiện. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, các nhà hoạch định chính sách cần có sự thảo luận để sửa đổi, điều chỉnh các văn bản pháp luật hiện hành.  

 Sự vận hành, hoạt động của ngành Bảo tồn, bảo tàng nói chung chưa thực sự gắn với nền kinh tế thị trường đang rất sôi động. Hoạt động bảo tồn, bảo tàng rất quan trọng, cần phải giữ nguyên giá trị di sản, văn hóa nhưng không có nghĩa là không thể đổi mới.

(GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ)

 

 Đại biểu Quốc hội, GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ

Ý kiến bạn đọc