Tăng cường hiệu quả công tác xây dựng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sáng 4.7 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” do Cục Bản quyền tác giả thực hiện.

Tăng cường hiệu quả công tác xây dựng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan - ảnh 1
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, hoàn thiện pháp luật là một quá trình liên tục và lâu dài. Văn bản pháp lý riêng biệt đầu tiên quy định về quyền tác giả là Nghị định số 142/HĐBT ra đời năm 1986; tiếp đến là Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả được thông qua năm 1994. Sau đó, Bộ luật dân sự năm 1995, được sửa đổi, bổ sung năm 2005 cũng có một phần quy định về các quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019 và gần đây nhất là vào năm 2022. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Hiện nay, Cục Bản quyền tác giả vẫn đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật có liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan.

Cũng theo Cục trưởng Trần Hoàng, sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, sự hội nhập mạnh mẽ về kinh tế của đất nước, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ số và Internet đã và đang mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tiếp cận, sáng tạo, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào.

Trong bối cảnh đó, Cục Bản quyền tác giả đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Đó là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT), có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 17.2.2022 và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 1.7.2022.

Ông Trần Hoàng thông tin thêm, hiện Cục Bản quyền tác giả được Bộ VHTTDL giao thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan”.

Đề tài nhằm hệ thống các cơ sở lý luận và thực tiễn về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan; đánh giá thực trạng quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Tăng cường hiệu quả công tác xây dựng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan - ảnh 2

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh trình bày báo cáo đề dẫn

Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú ý và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế.

Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

“Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất”, bà Phạm Thị Kim Oanh nêu rõ.

Trong hội nhập quốc tế, đến nay, Việt Nam đã tham gia 8/9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 22 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển. Đồng thời, cũng đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.

Trong dài hạn, bà Phạm Thị Kim Oanh cho hay, cần nhận diện các vấn đề thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tiến bộ; khuyến khích sáng tạo; bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao, giúp các quyền tác giả, quyền liên quan được bảo vệ và thực thi hiệu quả.

Trong đó, có thể xem xét tách phần quyền tác giả, quyền liên quan ra khỏi Luật Sở hữu trí tuệ để xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam đang tích cực hội nhập vào một sân chơi toàn cầu nhằm tạo dựng một môi trường lành mạnh cho hoạt động sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức.

Tăng cường hiệu quả công tác xây dựng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan - ảnh 3
Toàn cảnh Hội thảo

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển theo xu thế của thời đại là hội nhập quốc tế, dần hình thành một nền kinh tế tri thức, trong đó gắn liền với tri thức phải kể đến các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa có triển vọng lớn. Thúc đẩy các ngành này phát triển là hướng đi tích cực, tất yếu của thời đại, tạo giá trị gia tăng, tiến tới phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay; pháp luật về một số đối tượng được bảo hộ (tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng, điện ảnh, âm nhạc); giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; quản lý và thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trên môi trường số; kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn; một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn; đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam…