Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí ở các địa phương bị bão lũ

HÀ PHƯƠNG

VHO - Nhiều đơn vị thông báo hủy, hoãn các sự kiện văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí ở các tỉnh, thành bị bão lũ để tập trung cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả lụt, bão. Trong đó, nhiều hoạt động lớn do các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tổ chức đã thông báo tạm dừng.

Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí ở các địa phương bị bão lũ - ảnh 1
Ngày 11.9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo Bộ cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Ảnh: Trần Huấn

Đầu tiên là thông báo từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương về việc hoãn tổ chức LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14, trước đó dự kiến khai mạc vào tối 6.9, tụy nhiên đơn vị chủ động tạm hoãn do siêu bão Yagi thời điểm đó đang diễn biến mạnh.

Lễ hội Trung thu năm 2024 do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với tính Ninh Bình tổ chức, dự kiến khai mạc ngày 13.9 tại Khu Thủy đình, Phố cổ Hoa Lư, Ninh Bình đã được thông báo tạm dừng.

Cùng với đó, Bộ VHTTDL cũng đã ra văn bản về việc lùi thời gian Lễ Khai mạc “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” Đợt 1. Trước đó, ngày 9.9, Bộ VHTTDL có văn bản về việc tạm dừng tổ chức "Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024" Đợt 1.

Ngày 11.9, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản về việc hoãn tổ chức Hội nghị, tọa đàm về truyền thông chính sách trong xây dựng pháp luật.

Cùng ngày 11.9, UBND tỉnh Tuyên Quang có văn bản số 4098 về việc dừng tổ chức Liên hoan Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024.

Các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan và Lễ hội như chương trình "Điện ảnh với Xứ Tuyên", Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024, Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” và Lễ hội bia Hà Nội năm 2024…) cũng tạm dừng.

Ngày 12.9,  Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thông báo, do tình hình bão lũ tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang có những diễn biến phức tạp, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tạm dừng tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2024 vào hai ngày 14-15.9.2024.

BTC Lễ hội Trà Đường Hoa huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cũng chính thức thông báo sẽ lùi thời gian tổ chức Lễ hội này sang tháng 10 (thời gian cụ thể thông báo sau), thay vì như dự kiến ban đầu vào ngày 14 - 15.9.

Nhằm đồng cảm, chia sẻ với những đau thương, mất mát, khó khăn của đồng bào miền Bắc do bão lũ, tỉnh Thừa Thiên Huế tạm hoãn tất cả chương trình lễ hội, sự kiện dự kiến tổ chức dịp này.

Theo đó, Hội Đèn lồng Quốc tế Huế 2024, Lễ hội Rước đèn lồng đường phố, Lễ hội áo dài “Linh Phụng”, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến tổ chức từ ngày 16 - 19.9 sẽ tạm hoãn. Thời gian tổ chức trở lại sẽ được thông báo sau.

Hướng về đồng bào nơi vùng lũ, Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) tạm ngưng các hoạt động vui chơi, giải trí dịp Trung thu 2024. Không thể trực tiếp góp sức góp công, Tập thể lái đò Khu du lịch sinh thái Tràng An gửi 300 triệu đồng chia sẻ với đồng bào.

Chương trình giao lưu "Sử Việt - Từ những cuộc đời” của NXB Kim Đồng vốn được lên kế hoạch diễn ra vào sáng 15.9, nay được thông báo lùi lại một tuần, tức ngày 22.9.

Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí ở các địa phương bị bão lũ - ảnh 2
LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 hoãn tổ chức vì siêu bão

Trước đó, tại  công văn gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thông báo Lệnh Báo động lũ và báo cáo khắc phục hậu quả do bão số 3, Bộ VHTTDL nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL về ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; căn cứ Lệnh Báo động lũ số 54/L-BCH ngày 10.9.2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện một số nội dung.

Thứ nhất, tiếp tục kiểm tra, rà soát, có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch và cơ sở vật chất do đơn vị quản lý; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ.

Thứ hai, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ về tình hình ứng phó với lũ, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, báo cáo tổng hợp bằng văn bản những công trình, hạng mục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, kèm theo dự toán khắc phục thiệt hại về Bộ VHTTDL (qua Văn phòng Bộ) xem xét, quyết định.

Thứ tư, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trụ sở đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm chủ động theo dõi sát diễn biến của lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các thông báo của chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan để có các biện pháp kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh, sinh viên; phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai các phương án đối phó với lũ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để di dời hiện vật, tài liệu quan trọng đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục hậu quả và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.