Sự cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Bài 1): Động lực phát triển văn hóa
VHO- Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ VHTTDL đang tích cực xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Bằng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của những giai đoạn trước, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đã được tu bổ, tôn tạo và trở nên khang trang như hiện nay Ảnh: T.DŨNG
Phát biểu tại Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cùng với những kết quả đạt được, ngành VHTTDL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho phát triển văn hóa, một trong số đó là sự gián đoạn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Đề xuất của Bộ trưởng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được ghi nhận, đánh giá cao. Mới đây, tại cuộc làm việc với Bộ VHTTDL, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Bộ VHTTDL cần nỗ lực cao nhất để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Chương trình quan trọng này, tạo nguồn lực cho văn hoá phát triển.
“Liều thuốc” hồi sinh
Đội ngũ cán bộ làm văn hoá ở nhiều tỉnh, thành vẫn không thôi đau đáu bởi sự gián đoạn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trong những năm qua. Nhiều lãnh đạo Sở VH thời điểm hơn chục năm về trước vẫn luôn nhắc về vai trò quan trọng, sự cần thiết và tính hiệu quả của Chương trình đối với hầu hết các tỉnh, thành; đặc biệt với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn.
Nhờ được sự đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo kịp thời, di tích đền Vua Đinh, Vua Lê ở Ninh Bình trở thành điểm thu hút khách trong, ngoài nước
Đó là khi các di tích xuống cấp trầm trọng; di sản phi vật thể mai một và có nguy cơ thất truyền; nhà văn hoá, địa điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng xập xệ, không thể hoạt động… thì chính kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá được xem như “liều thuốc” hồi sinh. Ở nhiều nơi, nguồn kinh phí này được xem như “vốn mồi” góp phần tích cực “cứu” các di sản văn hoá, tạo nguồn lực xây dựng, phát triển thiết chế văn hoá phục vụ cộng đồng… Nhìn lại những giai đoạn trước, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá thực sự là nguồn lực hỗ trợ, tạo xung lực cho sự hồi sinh và phát triển của nhiều công trình, giá trị văn hoá. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 đã triển khai mục tiêu hỗ trợ tu bổ 300 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, 1200-1500 di tích quốc gia được hỗ trợ chống xuống cấp, thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ trình UNESCO… Chương trình được thực hiện với mục tiêu nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể; nâng cao tính bền vững, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống di sản này. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho hàng chục di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho cả trăm di tích. Nguồn vốn từ Chương trình cũng tạo nguồn lực tổng kiểm kê giá trị văn hóa phi vật thể trên cả nước, xây dựng bản đồ phân bố giá trị văn hóa phi vật thể. Từ đây, đã có hàng trăm dự án sưu tầm bảo tồn lưu giữ văn hóa phi vật thể, hoàn chỉnh ngân hàng dữ liệu về loại hình văn hóa này…
Đơn cử, tại Ninh Bình, từ năm 2012- 2014 tổng kinh phí thực hiện dự án chống xuống cấp và tôn tạo di tích là 55,010 tỉ đồng, thực hiện 11 dự án tu bổ tôn tạo và 13 dự án tu bổ chống xuống cấp. Nhờ được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị kịp thời nhiều di tích đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc thù phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như Khu di tích Cố đô Hoa Lư, đền Văn Giáp, đình Trùng Thượng… Tại Thái Nguyên, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đã góp phần quan trọng trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Tính đến tháng 6.2014, số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tại Thái Nguyên là 11 dự án, có 1 dự án chuyển tiếp là di tích chùa Ha, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển có 4 dự án với tổng số vốn là 15,180 tỉ đồng; nguồn vốn sự nghiệp có 8 dự án với tổng số vốn 9,502 tỉ đồng.
Chương trình được ban hành sẽ tạo nguồn lực quan trọng để các địa phương đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
Đánh giá hiệu quả từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá qua nhiều năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đầu tư cho văn hóa trong các giai đoạn trước 2016 được thực hiện chủ yếu thông qua Kế hoạch đầu tư công, trung hạn ở cấp Trung ương và địa phương; đồng thời bổ sung thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã bố trí 1.920 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển và 453 tỉ đồng vốn sự nghiệp. Trong đó, hỗ trợ tu bổ cấp thiết 400 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia với kinh phí 245 tỉ đồng. Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân bổ cho 17 dự án. “Đây sẽ là “vốn mồi” góp phần tích cực phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Tuy nhiên, với hệ thống đồ sộ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh thì mức đầu tư hỗ trợ từ các Chương trình nêu trên chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế và đặc biệt, cần có sự chung tay của toàn xã hội...”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Cũng tại Hội nghị “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu nhấn mạnh: “Để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
Đó là một trong những giải pháp đồng bộ
Đầu tư cho văn hóa đã và đang được khẳng định là một trong những trọng trách của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Tuy nhiên, để có được sự đầu tư hiệu quả, nhất thiết phải có những giải pháp đồng bộ mà Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá là một giải pháp quan trọng. Đề xuất của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc tiếp tục quan tâm, ủng hộ để sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao.
Tại cuộc làm việc với Bộ VHTTDL vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Bộ VHTTDL cần nỗ lực cao nhất để có thể sớm trình ban hành Chương trình quan trọng này, tạo nguồn lực dồi dào cho văn hoá phát triển. TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, nguyên Giám đốc Sở VHTT Lào Cai, nhiều năm có thâm niên ở vị trí lãnh đạo ngành văn hoá chia sẻ, hơn khi nào hết, để thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hoá, thực hiện ý kiến phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021: “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”, việc các Bộ, ngành chức năng sớm trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết. Nhiều năm làm Giám đốc Sở ở tỉnh miền núi, ông thấu hiểu những khó khăn để duy trì, vận hành hoạt động của các thiết chế văn hoá; bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn, đặc biệt về nguồn vốn, kinh phí.
Hoạt động của đội chiếu bóng lưu động góp phần thu hẹp khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân ở vùng sâu, vùng xa
“Đối với các tỉnh đồng bằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đã quý, nhưng đối với đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng xa thì hiệu quả của nguồn vốn đầu tư qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá có giá trị không thể đong đếm…”, TS Trần Hữu Sơn nói. Ông nhớ lại những ngày tháng nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá mà các đội Thông tin và Chiếu bóng lưu động đã có thể lấp khoảng trống đời sống văn hoá tinh thần cho người dân ở địa bàn xa xôi, vùng đặc biệt khó khăn mà trước đây không hề có phương tiện, máy móc. Chương trình đưa sách về cơ sở cũng bắc cầu nối đưa văn hoá đọc đến những điểm đọc hẻo lánh, tạo nên ngày hội cho học sinh vùng dân tộc. Đặc biệt, đối với chương trình xây dựng Nhà văn hoá thôn, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá thực sự phát huy hiệu quả, tạo chất xúc tác để từ đó người dân nâng cao nhận thức, tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng thiết chế, mua sắm trang thiết bị và vận hành hoạt động. “Đặc biệt, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hoá phi vật thể, tôi đã từng tận mắt chứng kiến rất nhiều di tích xuống cấp trầm trọng, gần như đã “chết” và nhờ có Chương trình mục tiêu đầu tư mà được hồi sinh. Đối với lĩnh vực di sản văn hoá, kinh phí đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo vô cùng lớn, nếu không có sự đầu tư từ nhiều phía, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá thì rất nhiều di tích giá trị sẽ tiếp tục xuống cấp nặng nề. Chưa kể, từ nguồn vốn mồi của chương trình, sẽ có nhiều “Mạnh Thường Quân”, doanh nghiệp và cả cộng đồng cùng chung tay vào cuộc…”, TS Sơn cho hay.
Trăn trở này cũng không chỉ gói ghém ở những địa bàn miền núi, vùng xa mà ngay tại nhiều tỉnh, thành lớn, để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, bảo tồn các di tích trên địa bàn thì nguồn tiền đầu tư cũng như… muối bỏ bể. Ninh Bình là địa phương thuận lợi bởi có sự quan tâm đầu tư lớn cho văn hoá từ lãnh đạo tỉnh, tuy nhiên không nằm ngoài trăn trở này. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình chia sẻ, các nhà văn hóa cấp thôn, xóm, phố, tổ dân phố chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ khi xây dựng, còn lại chủ yếu từ nguồn xã hội hóa huy động nhân dân đóng góp. Khó khăn kinh phí nên quá trình đầu tư, các trang thiết bị không được đồng bộ, nhiều trang thiết bị xuống cấp. Hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; kinh phí tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn bỏ ngỏ...
Trước thực tế này, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là vô cùng cần thiết, để văn hóa là một trong các trụ cột phát triển bền vững đất nước.
Bộ VHTTDL quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá Tại buổi làm việc mới đây với Bộ VHTTDL, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ cần nỗ lực cao nhất để sớm trình ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá như đề xuất tại Hội thảo Văn hoá 2022. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, toàn ngành sẽ nỗ lực, cố gắng với tinh thần quyết tâm cao nhất, tăng cường sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mối quan hệ với các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển văn hoá, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của đất nước. |
PHƯƠNG ANH
(Còn nữa)