Hà Nội:
Sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện
VHO - Ngày 22.11, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện.
Theo đó, để triển khai thực hiện Luật Thư viện trong công tác của hệ thống thư viện công cộng Hà Nội, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND Thành phố, Sở VHTT, Thư viện Hà Nội đã bám sát nội dung Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của thư viện công cộng tới toàn hệ thống.
Nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo của Sở VHTT Hà Nội chỉ rõ, về hoạt động phát triển thư viện, Thư viện Hà Nội đã kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện; phát triển tài nguyên thông tin, xây dựng và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Nguồn kinh phí bổ sung sách hàng năm của Thư viện Thành phố tăng 19% so với trước khi Luật được ban hành. Số lượng tài nguyên thông tin bổ sung từ khi thi hành Luật Thư viện là 13.152 tên sách, bình quân tăng khoảng 20 nghìn bản/năm; 395 loại báo, tạp chí; 59.274 trang sách chữ nổi Brai; 558 đĩa CD…
Thư viện Hà Nội thường xuyên nắm bắt nhu cầu tra cứu, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin của bạn đọc để xây dựng chính sách bổ sung thành phần vốn tài liệu đảm bảo số lượng, chất lượng nội dung, hình thức phù hợp với từng lứa tuổi và đối tượng bạn đọc.
29/29 thư viện cấp huyện xử lý tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ thư viện cấp huyện. Đa số các thư viện cấp huyện hiện duy trì song song 2 hệ thống tra cứu thông tin truyền thống và hiện đại.
Thư viện cấp xã, phòng đọc cơ sở xử lý tài liệu theo hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, phòng đọc sách cơ sở. Phục vụ bạn đọc tra cứu thông qua danh mục sách có tại thư viện.
Trong phát triển văn hóa đọc, Thư viện Hà Nội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong người dân Thủ đô; tạo môi trường học tập suốt đời, góp phần xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí và phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Với chính sách miễn phí sử dụng thư viện của Thành phố cùng với việc nâng cấp tổ hợp không gian văn hóa mở, hiện đại, sáng tạo; nâng cao kỹ năng phục vụ bạn đọc của thủ thư từ kỹ năng cứng về chuyên môn nghiệp vụ, đến kỹ năng mềm về ứng xử… Thư viện Hà Nội đã đáp ứng phục vụ bạn đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển mình từ thư viện truyền thống sang hiện đại; mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút ngày càng đông bạn đọc yêu thích và đến sử dụng thư viện.
Đối với các hoạt động, hàng năm, Thư viện Thành phố tổ chức Tuần lễ sách và Văn hóa đọc hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Hà Nội. Hoạt động đã thu hút hàng nghìn các em học sinh, sinh viên, thiếu niên nhi đồng và bạn đọc thư viện; tổ chức Hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách hàng năm. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội trở thành sự kiện thường niên.
Thư viện cấp huyện hầu hết đều tổ chức kho sách và phục vụ theo hình thức kho mở. Một số thư viện đã tổ chức các phòng phục vụ riêng biệt, theo đối tượng bạn đọc, hoặc theo loại hình tài liệu. Các thư viện phục vụ kết hợp đọc tại chỗ và cho mượn về nhà, đây cũng là hình thức tổ chức kho và phương thức phục vụ phù hợp với điều kiện trụ sở, cán bộ thư viện và số lượng vốn tài liệu còn hạn chế như hiện nay.
Mong muốn về cơ chế, chính sách đặc thù
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Luật Thư viện cũng có một số hạn chế. Trong đó, địa bàn thành phố rộng, một số huyện ngoại thành ở xa trung tâm như Mỹ Đức, Ba Vì đã ảnh hưởng đến việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện, cũng như các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống thư viện công cộng trong toàn thành phố.
Thư viện Hà Nội chưa đủ các trang thiết bị hiện đại để phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện; chưa có phương tiện chuyên dụng cho công tác phục vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin xuống các quận, huyện, thị xã.
Hoạt động của mạng lưới thư viện cấp huyện, cấp xã, thư viện cộng đồng còn gặp những vấn đề khó khăn, cần được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh kể từ sau Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, toàn ngành văn hóa, trong đó có ngành văn hóa Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa Kết luận.
Trong đó, có việc tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình… Đây đều là những hệ giá trị quan trọng đối với mỗi quốc gia. Trong mỗi hệ giá trị này, vấn đề nâng cao dân trí đặc biệt được Hà Nội chú trọng.
Bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, trong suốt quá trình phát triển, Hà Nội luôn dành những nguồn lực ưu tiên cho phát triển văn hóa, nâng cao dân trí. Trong đó, có việc thực hiện nghiêm túc Luật Thư viện; tăng cường đầu tư cho các thư viện nhằm nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc.
Sau 5 năm triển khai, Luật Thư viện đã có tác động rất lớn đến việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô; thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí. Các cấp, các ngành cũng vì thế dành nhiều sự quan tâm hơn cho lĩnh vực thư viện.
“Luật đã tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ cho sự nghiệp phát triển thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở. Nhờ đó, Hà Nội có cơ sở thực hiện đầu tư, phát triển mạnh mẽ hệ thống thư viện. Có thể nói nhờ Luật, Hà Nội đã trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển cơ sở vật chất, năng lực phục vụ bạn đọc của các thư viện. Sự phát triển tương xứng với vị thế của Thủ đô”, bà Trần Thị Vân Anh nêu rõ.
Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, bà Trần Thị Vân Anh cho biết tại một số địa phương của Hà Nội, thiết chế thư viện cấp huyện, cấp xã đang bị “khu trú” trong khuôn khổ phòng đọc sách của trung tâm văn hóa – thể thao. Những thiết chế như vậy rất khó thu hút bạn đọc đến sử dụng dịch vụ.
Đây là vấn đề ngành văn hóa Thủ đô luôn “đau đáu” và đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ để quyết tâm thực hiện có hiệu quả, toàn diện Luật Thư viện; nâng tầm quy mô cho các thư viện của Thủ đô.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển thư viện cũng là vấn đề đang được thành phố tập trung triển khai thực hiện.
Bà Trần Thị Vân Anh cũng mong muốn sẽ sớm có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống thư viện và phong trào đọc sách trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Thị Hồng Hạnh (Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT Hà Nội) kiến nghị, cần tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá về Luật Thư viện và các hoạt động thư viện trên địa bàn thành phố nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của các cấp, các ngành, của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động phát triển văn hóa đọc của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn, nhất là thư viện cấp huyện, cấp xã và tủ sách cơ sở. Đảm bảo hàng năm 100% thư viện cấp huyện và cấp xã được cấp kinh phí hoạt động, có nguồn kinh phí bổ sung vốn tài liệu ổn định.
Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan trong hoạt động thư viện… cần thường xuyên tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc để dần hình thành thói quen đọc sách đến mọi tầng lớp nhân dân.
Khuyến khích phát triển các mô hình thư viện cộng đồng, tủ sách lưu động và các không gian đọc đa dạng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
“Ngoài ra, các thư viện phải sớm đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện; tham gia các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm trao đổi tài liệu và liên thông với các thư viện để tăng cường nguồn tài liệu số”, bà Lê Thị Hồng Hạnh nêu.