Quy định về quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Có ảnh hưởng đến kinh tế báo chí?

VHO- Dư luận những ngày qua cho rằng, một số quy định về quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 38) sẽ ảnh hưởng không ít đến kinh tế báo chí khi áp dụng. Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định này khẳng định, phần lớn các quy định về quảng cáo tại Nghị định 38 đều trên cơ sở kế thừa Nghị định số 158/2013/NĐ-CP (Nghị định 158) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã được áp dụng từ năm 2013 đến nay.

Quy định về quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Có ảnh hưởng đến kinh tế báo chí? - Anh 1

 Dư luận rất quan tâm đến quy định về quảng cáo trên báo chí (ảnh minh họa)

 Mặt khác, cả hai Nghị định 38 và 158 đều được xây dựng căn cứ trên cơ sở những quy định của Luật Quảng cáo, với quan điểm tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho việc giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Môi trường pháp lý bình đẳng

Nghị định 38 có hiệu lực từ ngày 1.6. Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo trên báo chí được quy định tại các Điều 38, 39 và 40. Liên quan những nội dung này, một số ý kiến cho rằng, trong khi kinh tế báo chí đang gặp khó thì quy định tăng mức xử phạt cũng như tăng thêm các ràng buộc khác có thể tạo thêm những ảnh hưởng không nhỏ.

Một số ý kiến đề cập những quy định cụ thể như “Không cho phép thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo vượt quá 1,5 giây”, cho rằng quy định này có vẻ hợp lý với bạn đọc nhưng chưa hợp lý với doanh nghiệp. Cụ thể, quy định này khiến cho thị phần quảng cáo vốn chật hẹp của báo chí sẽ chuyển sang một số nền tảng khác như YouTube, với những quảng cáo được kéo dài 5 giây hoặc hơn, thậm chí có thể “bắt” người dùng xem hết với những video quảng cáo ngắn. Theo đó, người bị thiệt là báo chí và nhà quảng cáo, doanh nghiệp trong nước; người hưởng lợi là các “ông lớn” như Google, Facebook, nhà phát hành game và ứng dụng OTT. Một nội dung cũng có nhiều ý kiến trái chiều là quy định quảng cáo không được lẫn vào nội dung hoặc làm gián đoạn nội dung. Chuyên gia Lê Quốc Vinh cho rằng, “được nằm cạnh nội dung” là yếu tố tiên quyết để nhà quảng cáo bắt tay với báo chí.

Trước những ý kiến đa chiều, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) nêu quan điểm: “Chúng tôi không cho rằng Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gây khó khăn cho kinh tế báo chí. Nghị định xây dựng căn cứ vào các hành vi bị nghiêm cấm, vào trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được quy định trong pháp luật về quảng cáo. Điều này sẽ góp phần cho các quy định của pháp luật về quảng cáo được thực thi nghiêm trong thực tế; tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho việc giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.

Về tổng quan, nội dung của Nghị định 38 về phần quảng cáo đều trên cơ sở kế thừa Nghị định số 158 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã được áp dụng ổn định từ năm 2013 đến nay, mức xử phạt cơ bản không có sự thay đổi lớn.

Quy định về quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Có ảnh hưởng đến kinh tế báo chí? - Anh 2

 Phạt nặng nếu chèn quảng cáo vào nội dung bài báo điện tử (ảnh minh họa)

Bảo vệ quyền lợi của nhiều đối tượng

Luật Quảng cáo đã được ban hành năm 2012, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn đang là hành lang pháp lý quan trọng quy định hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Nghị định 158, Nghị định 38 đều được xây dựng căn cứ trên cơ sở Luật, trên quan điểm tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho việc giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Không phủ nhận rằng thực tế hiện nay, kinh tế báo chí trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi các trang mạng nước ngoài như Facebook, Google, YouTube... chiếm tới hơn 60% thị trường quảng cáo của Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi cơ quan báo chí đều phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích của mình cũng như những quy định pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Quảng cáo. Dù lo lắng bị thu hẹp thị phần quảng cáo thì các cơ quan báo chí đều không thể hoạt động tách rời những quy định pháp luật có liên quan. Chưa kể, một số quy định tại Nghị định 38 trên thực tế đều kế thừa từ Nghị định số 158 đã được áp dụng ổn định từ năm 2013 đến nay. Đơn cử, quy định đang gây ra tranh luận tại Nghị định 38: “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” trên thực tế đã được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”. Khoản 3 Điều 55 Nghị định 158 cũng quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây”. Như vậy, theo một số chuyên gia quảng cáo, sự lo lắng khi Nghị định 38 có hiệu lực sẽ tạo thêm những ràng buộc mới, gây ảnh hưởng cho kinh tế báo chí là không phù hợp, bởi trên thực tế nhiều quy định đã có từ lâu.

Mặt khác, các quy định pháp lý nói trên được xây dựng trên cơ sở quan điểm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, dung hòa và bảo vệ quyền lợi của nhiều đối tượng: Nhà quản lý, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Với quy định về “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây”, nhiều bạn đọc - người tiêu dùng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ: “…Quảng cáo gì cũng được, nhưng phải có cái nút tắt tức thì nếu như độc giả không quan tâm, đằng này cứ bắt xem hết cái clip quảng cáo mà mình thấy ghét thì ức chế thật”; hoặc: “Tôi rất khó chịu và cảm thấy không văn minh khi đang đọc hay xem mà bị chèn ngang quảng cáo vào. Tôi sẵn sàng trả phí để không bị quảng cáo làm phiền. Hãy thay đổi đi!”

Nghị định 38 cũng có nhiều quy định đáng chú ý về xử lý vi phạm quảng cáo trên báo chí. Về nội dung quy định nhắm đến việc các báo điện tử sử dụng dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới mà không thông qua các công ty quảng cáo nội địa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho biết, hành vi vi phạm hành chính được xây dựng trên cơ sở pháp luật về nội dung (Điều 13, 14 và 15 Nghị định 181/2013). Nghị định 38 không nhắm đến chủ thể nào cụ thể mà tất cả các chủ thể có hành vi vi phạm đều bị xử phạt. Cụ thể, theo Điểm c Khoản 1 Điều 38 của Nghị định thì chủ thể được xác định bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức - cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, và tổ chức - cá nhân nước ngoài có trang thông tin điện tử của kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện đúng quy định.

Quy định tại Khoản 1 Điều 38 về xử phạt các cơ quan báo chí với hành vi không thông báo, không báo cáo của cơ quan báo chí khi có hoạt động quảng cáo xuyên biên giới cũng là nội dung được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Theo ông Liêm, nội dung này được xây dựng trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 181/2013. Theo đó, trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày, chủ trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho Bộ VHTTDL về các nội dung tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo.

Ông Lê Thanh Liêm cho biết thêm, việc xây dựng và ban hành Nghị định 38 được thực hiện theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan như: Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp...; đã tổ chức hội thảo góp ý, lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, địa phương; đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ VHTTDL để lấy ý kiến rộng rãi. Quá trình lấy ý kiến, Ban soạn thảo nhận thấy hầu hết đều đồng tình với quan điểm và các nội dung cơ bản của Nghị định; các ý kiến đóng góp đều được tiếp thu hoặc giải trình chi tiết bằng văn bản để trình Chính phủ quyết định. 

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc