Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới

THU HOÀI

VHO - Diễn ra trong 3 ngày (27-29.8) tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trưng bày với chủ đề “Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới” thu hút khá đông người xem đến tham quan, tìm hiểu.

 Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ lịch sử Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức, qua đó giới thiệu những dấu mốc lịch sử và quá trình phát triển của Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn, trưng bày các tài liệu và kỷ vật liên quan đến cán bộ đi B và sự thành lập các cơ quan sau khi tái lập tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới - ảnh 1
Đại biểu tham quan trưng bày

Qua đó góp phần  phát huy giá trị, tầm quan trọng và giới thiệu đến công chúng những tài liệu lưu trữ liên quan đến sự hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Nội dung của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Khối tài liệu này đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước.

Với những giá trị về nội dung, tính độc đáo về hình thức chế tác, chất liệu mang tin… Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào tháng 7.2009.

 Đi suốt chiều dài lịch sử dưới thời các vua nhà Nguyễn, Quảng Nam là vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp lớn lao cho công cuộc mở cõi của đất nước, nhân dân Quảng Nam dù liên tiếp trải qua nạn binh đao nhưng lúc nào cũng thể hiện tinh thần hiếu học.

Điều này đã được minh chứng dưới Triều Nguyễn từ thời vua Gia Long đến vua Khải Định, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức 48 khoa thi Hương và 39 khoa thi Hội (Đình).  Nho sinh Quảng Nam đã tham dự và có kết quả tại 42 khoa thi Hương và 22 khoa thi Đình. Tại các kỳ thi Hương, Quảng Nam đỗ tổng cộng 254 vị Cử nhân (trong số này có 6 vị đỗ thủ khoa). Có 15 vị đỗ Tiến sĩ và 24 vị Phó bảng, tiêu biểu như: Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Phan Quang, Đỗ Thúc Tĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu…

Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới - ảnh 2
Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới

Được biết, những dấu mốc lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Quảng Nam xưa được khắc trong khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Trên các mộc bản này ghi rõ quá trình hình thành và phát triển của Quảng Nam qua các giai đoạn cụ thể, từ khi vua Chế Mân đem châu Ô, châu Lý để làm sính lễ hỏi cưới Huyền Trân công chúa của Đại Việt, rồi hình thành; cho đến thời nhà Hồ (Hồ Quý Ly), triều nhà Lê (đời vua Lê Thánh Tông) đến chúa Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Phúc Chu...

Ngoài việc giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển, các bản mộc cũng giới thiệu về các danh nhân của vùng đất Quảng Nam. Trong đó, có những người mang tư tưởng cải cách lớn như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng với các phong trào Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục…

Bên cạnh tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, trưng bày lần này cũng giới thiệu một số hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B trên địa bàn tỉnh và những tài liệu tiêu biểu hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Quảng Nam, liên quan đến mốc thời gian thành lập các cơ quan sở, ban ngành sau khi tái lập tỉnh Quảng Nam.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc