Phát triển nghề rèn vùng đồng bào các DTTS Tây Nguyên
VHO-Hiện nay, trong các buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS): Ba Na, Sê Đăng, Giẻ Triêng, Ja Rai, Êđê… ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn duy trì và phát triển nghề rèn. Từ bao đời nay, nghề rèn đã tạo ra nhiều dụng cụ: xà gạc, cuốc, dao, búa,…phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt, lao động, sản xuất phát triển kinh tế- xã hội người dân vùng đồng bào DTTS.
E kip rèn của gia đình nghệ nhân A Xê
Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế - xã hội của nước ta, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng có diện tích lớn thứ ba trong 6 vùng, trong đó phần lớn diện tích là đồi núi, cao nguyên chia cắt bởi núi cao và sông, suối lớn. Quy mô dân số chiếm 6,1% dân số cả nước với 53 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc”.
Nhiều đồng bào DTTS Tây Nguyên: Ba Na, Sê Đăng, Giẻ Triêng, Ja Rai, Êđê…phần lớn sinh sống bằng nghề canh tác nông nghiệp, phát triển ruộng vườn. Các đồng bào DTTS tại đây đều sử dụng rìu, rựa, cuốc, bừa, các loại dao… trong sinh hoạt, lao động, sản xuất hàng ngày. Do đó, trong các buôn, làng đồng bào DTTS từ xưa đã có nghề rèn truyền thống, và được các nghệ nhân truyên qua nhiều đời cho đến hôm nay. Nghề rèn có tầm quan trong đến mọi gia đình, cộng đồng đồng DTTS nơi đây.
Tỉnh Kon Tum hiện nay, có rất nhiều lò rèn, tập trung hầu hết ở các buôn, làng thuộc các xã, thị trấn trong tỉnh. Nghề rèn thu hút nhiều lao động gắn bó, đặc biệt là người lao động đồng bào DTTS. Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 300 nghệ nhân, thợ rèn lành nghề đang làm việc tại các lò rèn truyền thống, điều đó cũng cho thấy tầm quan trọng của nghề rèn trong đời sống văn hóa của đồng bào DTTS nơi đây.
Ông A Xê, nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng 85 tuổi (nghệ nhân nghề rèn đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống rèn ở thôn 4, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), cho biết: Từ xa xưa, đồng bào các DTTS ở Kon Tum đã làm các lò rèn bằng từ các nguyên, vật liệu sẵn có trong thiên nhiên theo cùng một cơ chế cấu tạo. Người thợ rèn tùy khả năng, tay nghề đều có thể chế tạo nên các công cụ phổ biến như rìu, rựa, dao, cuốc… Trong đó, nguyên liệu không thể thiếu làm lò rèn là đất sét để làm bệ lò và ống lồ ô để làm ống thổi than hoặc củi đốt lò.
Trong số thợ rèn thì một số người có tay nghề cao họ thường sử dụng da con thú (mang, hổ, báo) để chế tác bộ phận thổi hơi quạt than. Theo đó, mỗi lò rèn có 2 cối với hai nắp bằng da thú. Trong khi thực hiện rèn thì có một người ngồi bên lò liên tục kéo lên ấn xuống nhịp nhàng, làm da thú đẩy hơi vào ống thổi lò thang cháy. Khi phần sắt đỏ rực lên người thợ rèn đặt sắt lên đe dùng búa đập mạnh, tạo phần sắt thành các dụng cụ: Xà gạc, dao, cuốc… theo ý muốn.
Theo nghệ nhân A Xê cho biết: Nghề rèn đã gắm bó với gia đình tôi hơn 100 năm nay, tôi là đời thứ 3 trong dòng họ chuyên về rèn ở Kon Tum. Trước đây ông nội tôi là người nổi tiếng, luôn làm ra những sản phẩm từ nghề rèn đẹp và bền được bà con ưa chuộng.
Dường như sinh ra để làm thợ rèn, nên từ lúc 11 tuổi cho đến nay, đã 85 tuổi nghệ nhân A Xê vẫn gắn bó với nghề này. Trong những năm qua, ông A Xê đã cho ra lò không biết bao nhiêu dụng cụ, phục vụ sản xuất, sinh hoạt hàng ngày cho bà con Sê Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na…giáp vùng biên giới Kon Tum.
Ông A Xê cho rằng, tuy vẫn còn khá thủ công nhưng lò rèn của ông bây giờ đã là chiếc lò đã được cải tiến cơ bản. Từ một chiếc khung vành xe đạp cũ, người thợ cơ khí đã khéo kết hợp với một số vật liệu sắt, thép khác để cho ra kiểu bếp lò kéo bằng tay khá đơn giản nhưng tiện dụng. Tuy nhiên phần da thú để làm ống thổi, tôi nung các vật rèn như rựa, dào thì chẳng thể thay đổi.
Nghệ nhân A Nêu đang tạo ra các sản phẩm từ sắt
Cùng kíp rèn với ông A Xê là nghệ nhân A Nêu, người dân tộc Sê Đăng sinh năm 1949, nhưng rất khỏe mạnh. Bên lò rèn, nghệ nhân A Nêu vừa vung búa đập vào thanh sắt, cho biết: Những dụng cụ sản xuất xưa đất nay của đồng bào Sê Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na đều được làm ra từ nguyên liệu chính là sắt, thép.
Sản phẩm rèn quan trọng nhất vẫn là độ sắc và tính bền của sản phẩm, song đối với một số thợ có tay nghề, thì nét đẹp trên mỗi con dao, các cuốc, cái rìu… cũng cần đến tính tinh xảo trên sản phẩm. Đó là những hoa văn tuy đơn sơ và được tạo ra từ một số vật dụng tự tạo rất đơn giản, song cũng đòi hỏi sự tỷ mỹ, khéo léo của người thợ rèn. Không say mê, không khéo léo, người thợ rèn thủ công không thể tạo ra những dấu ấn riêng của mình trên sản phẩm.
Dường như chẳng hề bị tác động bởi xu thế phát triển của thị trường, ngày càng có nhiều các sản phẩm làm ra từ nền công nghiệp được phổ biến, ở những thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, những cái rựa, con dao được làm ra từ đôi bàn tay chai sạn của nghệ nhân vẫn được dùng, được cất giữ là những gì quá đỗi thân quen trong mỗi gia đình. Nghề rèn như một nét đẹp văn hóa, là những giá trị vật thể mãi theo thời gian.
Nói về mơ ước của mình, ông A Nêu bộc bạch: “Tôi chỉ mong rằng nghề rèn của dòng tộc luôn được các thế hệ gìn giữ, nghề rèn ngoài tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người thì giá trị về tinh thần còn mãi trong lòng người dân. Tôi hi vọng các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn, để các sản phẩm rèn không chỉ được người dân ưa dùng mà có thể xuất ra các địa phương khác, và khu vực”.
XUÂN HƯỚNG