Công trình mới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam:
Nơi bảo tồn, phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự của dân tộc
VHO - Thiết chế Bảo tàng quy mô nhất từ trước đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sau những ngày đầu tiên mở cửa đã ngay lập tức trở thành một địa điểm “hot trend” với đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội.
Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ đã sớm tìm đến địa chỉ hiện đại, hoành tráng bậc nhất này để tìm về với những trải nghiệm, những ký ức hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Khi điểm đến gắn với thương hiệu quốc gia
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, thiết chế bảo tàng có quy mô hiện đại bậc nhất hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chính thức mở cửa từ ngày 1.11 tại địa chỉ mới: Km 6+500 Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong sáu bảo tàng cấp quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội, được thành lập ngày 17.7.1956. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có bốn bảo vật quốc gia: Máy bay MiG-21 số hiệu 4324; Máy bay MiG-21 số hiệu 5121, Tấm Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh; Xe tăng T-54B số hiệu 843. Công trình mới được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng trên diện tích 386.600m2, thiết kế hiện đại, tạo dòng chảy lịch sử bằng trực giác với màu sắc phù hợp; với nhiều thành phần trưng bày để khách tham quan tương tác và trải nghiệm, hiểu nhiều hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Ngay trong ngày đầu tiên mở cửa, điểm đến này đã ghi nhận hàng ngàn lượt khách tham quan, phần nhiều là những CCB, học sinh, sinh viên… Ông Đỗ Tiến, CCB đến từ Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ, khi biết thông tin Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mở cửa từ đầu tháng 11, ông đã tìm đến địa chỉ này để vừa có cơ hội chiêm ngưỡng, trải nghiệm tại một bảo tàng quy mô, hoành tráng, vừa được ôn lại những ký ức hào hùng trong lịch sử dân tộc. “Mỗi hiện vật, góc nhỏ nơi đây đều chứa đựng những thông điệp tự hào về lịch sử, để thế hệ hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ luôn thấy biết ơn và trân trọng”, ông Tiến bộc bạch. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, đây là một công trình văn hóa đặc biệt tiêu biểu, nơi bảo tồn và phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự của dân tộc, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, của du khách trong nước và quốc tế, phù hợp chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Bảo tàng có quy mô bốn tầng nổi và một tầng hầm, diện tích xây dựng 23.198m2, tổng diện tích sàn tòa nhà chính 64.640m2. Phía trước tòa nhà là Tháp Chiến thắng cao 45m với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945, dân tộc Việt Nam giành được độc lập. Khu vực trưng bày ngoài trời phía trước tòa nhà giới thiệu một số vũ khí và phương tiện chiến tranh của Pháp, Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cũng như của quân và dân Việt Nam đã sử dụng trong hai cuộc kháng chiến, trong công cuộc bảo vệ đất nước. Tại khu vực tiền sảnh, bảo tàng giới thiệu các mốc son trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, đạo lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” đã thấm sâu trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt. Khu vực Đại sảnh với thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại.
Từng hiện vật “kể” chuyện lịch sử ngàn năm
Hiện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn một của dự án. Ngay sau khi mở cửa, điểm đến mới dù nằm ở vị trí ngoại thành Hà Nội nhưng đã trở thành địa chỉ được tìm kiếm nhiều nhất trong những ngày qua. Được biết, sau hai ngày đầu tiên (1-2.11), bảo tàng tạm dừng đón khách từ ngày 3-5.11 để phục vụ công tác ghi hình cho lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và mở cửa trở lại vào ngày 6.11, miễn phí vé tham quan đến hết tháng 12.2024.
Tại hệ thống trưng bày tầng một, bảo tàng giới thiệu hàng nghìn hiện vật với cách bài trí, tổ chức hiện đại, khoa học, phong phú, ứng dụng công nghệ tiên tiến của bảo tàng quốc tế như sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật; phản ánh toàn diện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc Việt Nam; sự hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là QĐND Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng của đất nước. Cùng với đó là hơn 60 video clip, giới thiệu các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử mang đến cho công chúng tham quan, trải nghiệm hoàn toàn mới. Không gian trưng bày được chia làm sáu chủ đề: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Bảo vệ độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945; Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954; Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954-1975; Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay.
Một điểm nhấn trong không gian trưng bày của bảo tàng giới thiệu Bảo vật quốc gia Máy bay MiG- 21 số hiệu 4324, mang trên mình 14 ngôi sao đỏ, tượng trưng cho 14 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ từ năm 1965-1967, được Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 14.1.2015. Được tận mắt chiêm ngưỡng, gặp lại những hiện vật lịch sử trong không gian trưng bày hiện đại của bảo tàng, ông Đỗ Tiến chia sẻ cảm xúc như được sống lại một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, một thời đạn bom bão lửa đầy gian khó nhưng bất khuất, kiên trung, với những tấm gương anh hùng không tiếc máu xương bảo vệ đất nước. “Quá khứ hào hùng nay trở thành sức mạnh, biểu tượng của truyền thống văn hóa quốc gia. Là thế hệ đi trước, thật vui khi được chứng kiến hình ảnh thế hệ trẻ hôm nay tìm về nguồn cội, tận mắt chứng kiến lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông qua từng hiện vật, hình ảnh được trưng bày ở công trình bảo tàng này”, cựu chiến binh Đỗ Tiến chia sẻ.
Đỗ Phương Linh, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cũng cho biết: “Đến với bảo tàng là cơ hội để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về lịch sử, sự hy sinh của thế hệ cha ông để từ đó, trân trọng, nâng niu và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc thông qua từng hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại đây”. Ngay trong ngày đầu tiên, Phương Linh cùng nhóm bạn đã bắt xe bus từ nội thành để đến tham quan Bảo tàng, với mong muốn sẽ có được những trải nghiệm về lịch sử một cách sinh động nhất.
Sự hiện diện của một công trình thiết chế văn hóa hiện đại cũng cho thấy mục tiêu hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai đang dần được hiện thực hóa.