Bình Định ban hành "chính sách" đặc thù dành cho nghệ sĩ ngoài công lập:

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống

LINH TÁ

VHO - Nhằm kịp thời hỗ trợ cho các nghệ sĩ, UBND tỉnh Bình Định vừa có Tờ trình gửi HĐND tỉnh về Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2024-2028. Đây được xem là chính sách đặc thù dành cho nghệ sĩ ngoài công lập, góp phần bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân tộc trong giai đoạn mới.

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống - ảnh 1

 Nghệ nhân giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống cho học sinh

Đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường

Mặc dù đang là thời điểm nghỉ hè của các trường học, nhưng tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Định những ngày qua vẫn rộn ràng tiếng ca Bài chòi, Hát bội (Tuồng)… Theo chân các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định đến Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), chúng tôi ghi nhận chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống trong nhà trường năm 2024 với gần 800 học sinh tham gia đầy hào hứng.

Tại đây, các NSND, NSƯT cùng các nhà viết kịch đã giao lưu, chia sẻ, giới thiệu với học sinh sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật Tuồng, Ca kịch Bài chòi Bình Định. Đồng thời, kể một vài giai thoại, câu chuyện vui mang tính giáo dục, liên quan đến quá trình hoạt động nghệ thuật của bản thân và các nghệ sĩ tên tuổi từng công tác tại Nhà hát…

Trò chuyện với chúng tôi, NSND Phương Thảo chia sẻ: “Muốn theo đuổi nghệ thuật sân khấu, trong đó có nghệ thuật Tuồng, thì ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bản thân các em học sinh phải được trau dồi kiến thức, bắt đầu tập yêu nghề và quyết tâm cống hiến cho nghề. Có như vậy mới tạo ra được các nghệ sĩ tài giỏi”.

Nghệ thuật truyền thống Hát bội (Tuồng), Bài chòi là di sản tinh thần gắn với cộng đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc của dân tộc, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không thể thiếu đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân. Bằng tài năng, kỹ năng, kỹ thuật và tâm huyết, họ đã trực tiếp tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng và trên sân khấu chuyên nghiệp, phục vụ các tầng lớp nhân dân.

Hiện thực hóa các chính sách trên của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã trình HĐND tỉnh thông qua một số nghị quyết về chính sách trên các lĩnh vực văn hóa và thể thao, đồng thời ban hành các kế hoạch, quyết định, dự án, đề án trên các lĩnh vực di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, đời sống văn hóa, gia đình và thể thao…

Tuy nhiên, trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung, các CLB, đoàn nghệ thuật ngoài công lập, các nghệ sĩ, nghệ nhân Hát bội (Tuồng), Bài chòi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống - ảnh 2

Trích đoạn tuồng Thầy Nghêu xủ quẻ trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến được biểu diễn tại Trường THCS thị trấn Tuy Phước

Cần thiết phải sớm ban hành một số chính sách đặc thù

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thường xuyên nên chưa tạo được động lực, điều kiện để phát huy sức sáng tạo, sự cống hiến, gắn bó lâu dài đối với hoạt động bảo tồn và phát huy di sản truyền thống tiêu biểu của tỉnh. Để các CLB, đoàn nghệ thuật ngoài công lập có điều kiện hoạt động, các nghệ sĩ, nghệ nhân an tâm cống hiến, cần thiết phải sớm ban hành một số chính sách nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Hát bội, Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định là phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, việc ban hành Nghị quyết sẽ kịp thời hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ đã nghỉ hưu, nghệ nhân và CLB tiêu biểu, đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bình Định, qua đó nâng cao chất lượng phong trào văn hóa nghệ thuật, góp phần bảo vệ, lưu giữ di sản Hát bội và Bài chòi trên địa bàn tỉnh đã được ghi danh.

Cụ thể, hỗ trợ đối với nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân luyện tập, biểu diễn và truyền dạy phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể theo quyết định của cơ quan được giao nhiệm vụ, bảo đảm trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao với mức chi tiền luyện tập là 180.000 đồng/ người/buổi; mức chi tiền biểu diễn là 360.000 đồng/người/buổi. Mức chi tiền truyền dạy, trong đó: Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú là 800.000 đồng/người/buổi và Nghệ sĩ Nhân dân nghỉ hưu, Nghệ sĩ Ưu tú nghỉ hưu là 600.000 đồng/ người/buổi…

Ở góc độ nghiên cứu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định Nguyễn Văn Ngọc nhìn nhận: Để thực hiện có hiệu quả về gìn giữ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống, nhất là di sản nghệ thuật Hát bội, võ cổ truyền và Bài chòi trong giai đoạn 2022-2026, Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ GD&ĐT phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có trong hoạt động giữ gìn, phổ biến, trao truyền… những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa tốt đẹp cho học sinh phổ thông trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

“Bộ nên có chính sách cụ thể, đặc thù nhằm lan tỏa nguồn nhân lực là nghệ nhân, CLB, các đoàn nghệ thuật do nhân dân thành lập; xây dựng một số mô hình CLB em yêu nghệ thuật truyền thống trong nhà trường”, ông Nguyễn Văn Ngọc đề nghị, đồng thời cho rằng, nên lồng ghép nội dung dạy học về di sản vào các hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa). Ngoài ra, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học, các hoạt động về di sản, nhất là nghệ thuật truyền thống sân khấu liên quan trực tiếp đến di sản có tính chất điển hình và hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, khai thác các nội dung của di sản thông qua tư liệu, hiện vật…