Những người “giữ sử bằng tay”

THUỴ BẤT NHI - TẠ DŨNG

VHO - Nhiều nhà chuyên môn về khảo cổ và lịch sử nhìn nhận, phía sau những hiện vật bảo tàng luôn tồn tại một đội ngũ những người làm công tác phục chế, bảo vệ, âm thầm với công việc cố gắng gìn giữ nguyên trạng, nguyên bản hiện vật.

Trong bối cảnh xã hội công nghệ ngày một phát triển, công việc của những người làm bảo tồn bảo tàng như vậy cần được nhìn nhận ra sao, để họ thật sự an tâm với trách nhiệm và chuyên môn của mình?.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng định nghĩa những cộng sự trong lĩnh vực chuyên môn của ông một cách dí dỏm là những người đang “giữ sử bằng tay”. Họ cần được sự quan tâm của các cấp quản lý và của cả cộng đồng xã hội, để ngày càng được đầu tư tốt hơn, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chí tích cực, giúp công việc ngày một hiệu quả.

Lật trang đất, sáng trang đời

Sau ngày bão số 3 đổ vào các tỉnh phía Bắc, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhận xét: “Những người làm bảo tàng chúng tôi đều rất lo, khi gió bão thiên tai ập tới, đe dọa những công trình, bảo tàng, di tích di chỉ… các địa phương liệu có phòng bị được hết những rủi ro về bảo tàng sau mưa bão và sắp đến sẽ là chúng tôi, các bảo tàng ở miền Trung, đối đầu với một mùa bão mới”.

Những người “giữ sử bằng tay” - ảnh 1
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

Tâm tư của ông Thiện, cũng như nhiều chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn về bảo tồn và nghiên cứu lịch sử, xem ra luôn giống nhau ở khía cạnh làm sao an toàn nhất cho hệ thống các di vật, hiện vật tại các bảo tàng, khu du tích… Mà một trong những vấn đề cần quan tâm ở đó, chính là con người làm chuyên môn về bảo tồn bảo tàng được chăm sóc, bảo vệ thế nào?

Lật qua khía cạnh này, ông Thiện tâm tư, dường như năm nào, mùa mưa bão nào, ngành bảo tồn bảo tàng cũng có câu chuyện tổn thất, song bận tâm nhiều nhất là chính đời sống, tinh thần những người lo chuyên môn. “Đừng xem nhẹ phía sau những bảo tàng đồ sộ, những di tích lịch sử được trùng tu, là cuộc sống và trách nhiệm làm việc của bao con người, là những người giỏi chuyên môn ở góc cạnh trách nhiệm.

Những người “giữ sử bằng tay” - ảnh 2
Bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Đà Nẵng

Đó không chỉ là học giả, nhà nghiên cứu…, mà còn là những thợ mộc, thợ nề, thợ cơ khí, những người phụ trách hóa chất, sinh học… Việc bảo quản, giữ gìn, phục chế một di vật, hiện vật thật ra không đơn giản, đòi hỏi sự chung tay của cả một tập thể người làm việc, trong nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau”, ông Thiện giải thích.

Với góc nhìn này, vai trò của đội ngũ những người làm việc trong ngành Bảo tàng không hề đơn giản. Có những người đã âm thầm theo đuổi công tác phục chế, bảo tồn hàng chục năm trời, một cách lặng lẽ, nhẫn nại tham gia vào các dự án trùng tu, đề án hoàn thiện các bộ sưu tầm hiện vật… cực kỳ giá trị.

Những người “giữ sử bằng tay” - ảnh 3
Phục chế hiện vật

Công sức, trí tuệ họ đặt vào những hiện vật có được, vì thế không thể đo đếm bằng tiền bạc hay ngày công. “Lật trang đất, sáng trang đời”, là nhận xét ông Thiện đưa ra, chỉ điểm rõ những người trong cuộc, chưa một ngày nào ngơi nghỉ với trách nhiệm bảo lưu, gìn giữ những dấu vết lịch sử, những chứng cứ thời gian…

Cần những sự quan tâm thấu đáo!

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, riêng tại Bảo tàng Đà Nẵng, hiện có 39 người làm các phần việc chuyên môn trong phục chế, bảo quản hiện vật. Con số này, so với khối lượng công việc phải tham gia sưu tra, bảo vệ các hiện vật, tài liệu cần trưng bày ở bảo tàng địa phương đã là một chênh lệch lớn.

Chỉ tính trong năm 2024, với kết quả Hội đồng thẩm định TP. Đà Nẵng đồng ý mua 101 hiện vật và nhóm hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng, gồm các hiện vật lịch sử văn hóa Chăm, triều Nguyễn; hiện vật tiền giấy, tiền kim loại; hiện vật thời kỳ bao cấp, nhóm tiêu bản sinh vật biển, tiêu bản bướm, côn trùng; nhóm hiện vật gốm thời nhà Nguyễn, nhóm hiện vật gốm cổ các tỉnh Trung bộ, nhóm hiện vật đèn và đồng hồ cổ…, khối lượng công việc phải làm của họ thế nào, không phải ai cũng hình dung được.

Những người “giữ sử bằng tay” - ảnh 4
Công tác phục chế, bảo quản hiện vật rất cần thường xuyên được đào tạo trang bị kiến thức, kỹ thuật, yêu cầu mới

Vậy nhưng, cho đến nay, các chính sách, chế độ cho đội ngũ những người làm chuyên môn bảo tàng, vẫn còn rất hạn chế. Không chỉ về đời sống vật chất, tinh thần, những người làm chuyên môn còn cần được trang bị, đào tạo lại rất nhiều vấn đề về kiến thức, kỹ năng, nắm bắt những kỹ thuật mới, yêu cầu mới.

Đơn cử về công tác số hóa, việc đầu tư trang thiết bị, các phần mềm phục vụ số hóa, vi tính hóa… văn bản, hiện vật ở bảo tàng, đã đòi hỏi con số hàng tỷ đồng. Các vấn đề về bản quyền, kỹ năng đào tạo nắm bắt, ứng dụng dữ liệu khoa học vào công việc đều là những câu hỏi hóc búa với những người làm quản lý chuyên môn về bảo tồn, bảo tàng.

“Phía sau những buổi tham quan, triển lãm, sau những chuyến đi thăm bảo tàng, có bao nhiêu người trong chúng ta để ý đến những người lặng lẽ dọn vệ sinh, sửa lại từng bục trưng bày, kiểm tra lại hiện trạng những di vật? Có bao nhiêu người để tâm, rằng mùa mưa bão thấm dột đến, sẽ có những món đồ gỗ, đồ đất nung, thư tịch, vải giấy… trong bảo tàng có thể bị hư ướt, ẩm mốc?

Tất cả, đều là những dấu vết lịch sử, mà chúng ta có bỏ ra hàng tỷ đồng cũng phải tiêu tốn, giữ gìn cho được, vì mất đi, nghĩa là không cứu vãng được nưã”, ông Thiện thổ lộ.

Nếu không có những người trong cuộc, ngày ngày giờ giờ lặng lẽ kiểm tra, lặng lẽ phục chế, chắc chắn cả một khối lượng đồ sộ từ quá khứ lịch sử để lại sẽ khó mà lưu giữ, bảo vệ an toàn được. Cho nên, theo ông Thiện, thật sự xã hội và nhất là các cấp quản lý, phải có một cách nhìn nhận khác, tốt hơn, quan tâm đến vị trí, vai trò của những người làm chuyên môn bảo tàng, những chứng nhân cả đời “giữ sử bằng tay”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc