Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 1): Chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay

VHO-Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức thành công đã tạo ra nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 1): Chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay - Anh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với giới trí thức và văn nghệ sĩ tiêu biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 tại Hà Nội

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ trong một thời gian ngắn, bằng tinh thần “Quyết liệt hành động, Khát vọng cống hiến”, toàn ngành VHTTDL đã nỗ lực tạo nên những bước ngoặt đột phá, những dấu ấn chưa từng có, từ khát vọng xây đắp và phát huy sức mạnh mềm của nền văn hóa quốc gia, dân tộc.

 Sứ mệnh lịch sử “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” luôn là thông điệp “truyền lửa” để toàn Đảng, toàn dân và đội ngũ làm văn hóa ý thức sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn về trọng trách cần gánh vác, về trách nhiệm xây dựng và chấn hưng nền văn hóa dân tộc.

Mạch nguồn ấy được kết tinh và hội tụ từ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mong muốn hiện thực hóa khát vọng non sông đã mang đến quyết tâm, tạo nên sinh lực mới, khí thế mới để toàn ngành VHTTDL, với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” đã không ngừng tiến về phía trước, không phụ sự kỳ vọng, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như sự tin tưởng của nhân dân.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 1): Chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay - Anh 2

 Tng Bí thư Nguyn Phú Trng phát biu ch đo ti Hi ngh Văn hóa toàn quc (24.11.2021)

Tiếp nối mạch nguồn “soi đường cho quốc dân đi”

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII một lần nữa đã vun đắp xúc cảm phấn chấn, tự hào và đặc biệt là niềm tin của toàn ngành VHTTDL về sự đột phá sau những miệt mài tích luỹ, những hành động quyết liệt, bắt nguồn từ khát vọng cống hiến cho quốc gia, dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định: Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên vào năm 1946, nơi khơi thông mạch nguồn và khẳng định sứ mệnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Sau hơn 7 thập kỷ, đây cũng là sự kiện lớn nhất về quy mô, tầm vóc và ý nghĩa khi Đảng, Nhà nước đã đặt vào đôi tay, sức vóc của đội ngũ những người làm văn hóa hôm nay một trọng trách, một niềm tin to lớn vào công cuộc đổi mới, chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cũng là Hội nghị mà ngay từ đầu, với sự chủ động và khát vọng cống hiến, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về “sứ mệnh soi đường” của văn hóa, Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức, tạo nên một dấu ấn lịch sử trong hoạt động của toàn ngành kể từ đầu nhiệm kỳ 2021-2016 nói riêng và trong những chặng đường phát triển của văn hóa Việt Nam nói chung. Ngay sau Hội nghị, dư âm của những thông điệp từ Hội trường Diên Hồng đã tiếp tục thắp sáng “ngọn đuốc” soi đường, để ngành VHTTDL tiếp tục nỗ lực, quyết tâm gấp đôi, gấp ba và gấp nhiều lần hơn trước để mang đến những dấu ấn của sự đổi mới, để vun đắp nên những “quả chín dần dà” dành cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thông điệp bao trùm mà Tổng Bí thư đã trở đi, trở lại nhiều lần trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đánh dấu bước đột phá của ngành văn hóa, đó là: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Lời hiệu triệu năm xưa của Bác Hồ, lời tâm huyết hôm nay của người đứng đầu Đảng, đứng đầu đất nước là một dòng chảy kết nối vượt không gian, vượt thời gian để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Tại “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những mục tiêu cốt lõi được đặt ra tại Hội nghị đã khơi dậy ngọn lửa quyết tâm, là động lực tinh thần của toàn dân tộc để cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nối tiếp mạch nguồn ấy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức nhằm tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.

Một điều đặc biệt là bối cảnh diễn ra Hội nghị. Tháng 11.2021 là thời điểm cả đất nước đã và đang phải gồng mình, nỗ lực để vượt qua những thách thức, khó khăn và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Sứ mệnh tiên phong, soi đường của những người làm văn hóa trong thời bình được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hình ảnh “xung trận” của những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa đã thực sự mang đến những cảm xúc, tạo nên cuộc cách mạng về thị giác và thẩm mỹ trong công chúng. Các văn nghệ sĩ thực sự trọn vẹn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghệ thuật của mình, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 1): Chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay - Anh 3

B trưng Nguyn Văn Hùng phát biu ti L phát đng trin khai ch đ công tác năm 2022 ca ngành VHTTDL

“Triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt…”

Mạch ngầm xuyên suốt trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 thực sự đã được khơi thông một cách mạnh mẽ, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Có thể nói, chúng ta đang ở một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa. Chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay. Thông điệp từ “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa đã lan tỏa mạnh mẽ, tiếp nối là sự vào cuộc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả Trung ương và địa phương, với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa. Nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc chấn hưng, đổi mới cho văn hóa.

Nhận thức rõ sứ mệnh và trọng trách của mình, với phương châm hành động xuyên suốt: “Quyết liệt hành động, Khát vọng cống hiến”, Bộ VHTTDL từ đầu nhiệm kỳ đã nỗ lực tạo nên những dấu ấn trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, bằng khát khao góp phần hiện thực hóa khát vọng non sông, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, như tinh thần trong các Nghị quyết của Đảng. Lời hiệu triệu và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã được toàn ngành triển khai quyết liệt, thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách lớn, tạo động lực và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Một trong những dấu ấn nổi bật, mang tính bao trùm trong hoạt động chung của toàn ngành cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đúc kết: Ngành Văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”; tăng cường “củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa” nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa… Tinh thần đổi mới quyết liệt của ngành Văn hóa đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Trong chương trình làm việc với Bộ VHTTDL mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: “Bộ VHTTDL có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, nhất là chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật”.

Ngành Văn hóa cả nước hẳn không thể quên giữa những ngày đại dịch Covid-19 bủa vây, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng tâm thế quyết liệt hành động nhằm thực hiện khát vọng cống hiến của toàn ngành vẫn tạo nên một dấu ấn đặc biệt vào thời điểm đầu năm 2022, qua Lễ phát động triển khai “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” được tổ chức tại quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đó chính là lời hứa của đội ngũ cán bộ toàn ngành với Bác về quyết tâm xây dựng nền tảng quan trọng nhất, có ý nghĩa căn cốt nhất cho sự phát triển và chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Việc triển khai chủ đề năm công tác 2022: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Lựa chọn chủ đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng với ngành. Bởi lẽ, muốn xây dựng, phát triển văn hóa, trước hết phải có những con người văn hóa, đồng thời, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa, bằng văn hóa. Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành hay bại do cán bộ tốt hay xấu mà nên”. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành VHTTDL là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên.

“Khi nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi gia đình, mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa. Đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định. Cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Quả chín trên cây là quả chín dần dà”, Bộ trưởng nhắc nhở đội ngũ cán bộ trong toàn ngành, làm văn hóa không thể thấy được ngay hiệu quả trước mắt. Làm văn hóa không như việc xây dựng một con đường, một cây cầu nhưng những nỗ lực không mệt mỏi của ngày hôm nay sẽ mang đến những “trái ngọt” cho ngày mai. Quan điểm đó, góc nhìn đó đã và đang được thể hiện trong từng công việc cụ thể, trong từng bước chuyển đổi từ tư duy đến hành động của mỗi cá nhân, mỗi mắt xích trên “chuyến tàu” mà ngành VHTTDL đang đi. Đón nhận cơ hội, nhìn thẳng vào những khó khăn, với tinh thần quyết liệt và không né tránh, “tư lệnh” ngành Nguyễn Văn Hùng luôn nhắc nhở, “nghẽn” ở đâu tháo gỡ tại đó, phải biết biến nguy cơ thành hành động. Bởi, ngọc trong cát mới là viên ngọc đẹp đẽ nhất, rực sáng nhất.

Trong hơn một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đã có thêm nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tầm vóc và quy mô lớn chưa từng có của ngành Văn hóa, về lĩnh vực văn hóa đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì, tham dự. Sự quan tâm to lớn này cũng thể hiện một niềm tin sâu sắc vào khả năng hiện thực hóa những kỳ vọng, trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó cho toàn ngành.

Đáp lại niềm tin đó, trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tích cực chủ động, tham mưu và phối hợp cùng Quốc hội, các Ban, Bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức hai sự kiện văn hóa lớn: Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Nếu như Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã khơi thông mạch nguồn bất tận của văn hóa, cho văn hóa thì đến hai diễn đàn này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe những “hiến kế”, tham mưu định hướng xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, những vấn đề quan trọng về “Thể chế, chính sách và phát triển nguồn lực cho phát triển văn hóa” tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 đã được rà soát, đánh giá từ nhiều chiều cạnh. Từ đó, thấy rõ tầm quan trọng của việc đầu tư xứng tầm cho văn hóa, một trong những “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách cần được khơi thông để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của văn hóa trong thời kỳ mới.

Chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam mà Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức trong những ngày đầu của năm 2023 tiếp tục là dấu ấn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, khởi nguồn từ bản đề cương lịch sử 80 năm trước do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Ánh sáng và những tư tưởng cốt lõi của bản đề cương sau 8 thập kỷ vẫn soi rọi cho đến hôm nay, để đội ngũ những người làm văn hóa đương thời tiếp tục củng cố niềm tin, động lực và quyết tâm xây dựng một nền văn hóa mới, với khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. 

 

 Khi nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi gia đình, mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa. Đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa.

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 

BẢO ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc