NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI: "Xử" thế nào?

VHO-Trước hiện tượng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng có phát ngôn lệch lạc, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, hệ lụy đến đạo đức, lối sống của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia văn hóa, giáo dục, nguyên là cán bộ quản lý ngành văn hóa, giới nghệ sĩ đã lên tiếng mạnh mẽ và đề xuất các biện pháp xử lý.

NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI:

NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI:

NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI:

Cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chấn chỉnh những hành vi sai trái trên mạng xã hội

Cần ý thức hơn nữa trách nhiệm với xã hội

Tôi lấy làm lạ là gần đây một số người của công chúng lại có những phát ngôn không chuẩn xác như vụ tung tin giả về dịch bệnh Covid hay gần đây nhất, nam ca sĩ Duy Mạnh lại có những phát ngôn thiếu văn hóa, phản cảm trên trang facebook cá nhân như thách thức, cổ xúy cho lối sống thiếu lành mạnh.

Là người công chúng, hơn ai hết, họ phải ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội. Bởi họ chính là những người có sức ảnh hưởng lớn đến một bộ phận công chúng, trong đó có giới trẻ. Xu hướng tâm lý của con người, nhất là giới trẻ là thích những cái mới, độc, lạ và hay tò mò bắt chước theo. Thử hỏi nếu giới trẻ noi theo, bắt chước rồi hành xử tương tự như hành vi của họ, thì sẽ gây tác hại lớn như thế nào cho xã hội? Khi đó những người nổi tiếng có đặt  mình vào vị trí của những người ông, bà hay bố, mẹ có con cái bắt chước theo hành vi sai trái của những người kia không?

(Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - Uỷ viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Cần thiết có những cảnh tỉnh, định hướng kịp thời

Những hành vi ứng xử lệch lạc mà một số nhân vật của công chúng đã thể hiện trên mạng xã hội trong thời gian qua thật đáng buồn. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, rất khó để có thể được là người nổi tiếng, vậy tại sao không nỗ lực để giữ gìn mà lại bán rẻ, lại hủy hoại danh tiếng bằng những phát ngôn tầm phào, vô trách nhiệm. Trước những cách hành xử, phát ngôn lệch lạc này, cần thiết có những cảnh tỉnh, định hướng kịp thời. Trong đó, tiếng nói  phê phán từ dư luận xã hội có vai trò quan trọng. Sự lên án thẳng thắn, không nề hà vì ngại động chạm sẽ khiến cho chính những nghệ sĩ, người của công chúng thức tỉnh để nhìn nhận, điều chỉnh lại bản thân. Hơn ai hết, mỗi nghệ sĩ cần phải nhận thức được rằng, nhờ có công chúng yêu mến tài năng thì họ mới có thể trở nên nổi tiếng. Danh tiếng và tài năng chính là tài sản mà không phải ai cũng dễ dàng có được, cho nên họ không được phép lãng phí.

(TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực đối với mọi giai tầng xã hội

Tôi cho rằng công chúng thông minh luôn tỉnh táo phân biệt đúng sai. Hiểu tài năng là vốn quý của dân tộc, nhưng công chúng hiểu người nghệ sĩ cần song hành tài năng và đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, dù đã từng là fan hâm mộ, song công chúng cũng rất rạch ròi thể hiện thái độ, lên án mạnh mẽ chính những văn nghệ sĩ có thái độ ứng xử không đúng đắn, thiếu chuẩn mực. Là người của công chúng, bởi vậy chỉ một phát ngôn sai trái, không đúng đắn thì chính họ đã tự đánh mất điểm trong mắt mọi người. Bởi vậy, để có thể giữ gìn hình ảnh đẹp và sự trân trọng từ phía khán giả, mỗi nghệ sĩ luôn tự ý thức trách nhiệm của mình, mạnh mẽ thể hiện tiếng nói để truyền tải những điều tốt đẹp.

Trước những hiện tượng trên, thời điểm này cần tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh về xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực đối với mọi giai tầng xã hội. Hơn ai hết, mỗi văn nghệ sĩ cần hiểu hơn vai trò, ảnh hưởng xã hội của mình bằng chính tài năng và đạo đức nghề nghiệp. Công chúng luôn kỳ vọng và luôn là fan hâm mộ của những văn nghệ sĩ thực sự có tài và đức.

(PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ)

Cần có những hình thức xử phạt nghiêm minh

Mỗi nghệ sĩ, người nổi tiếng cần phải tự xác định vai trò của mình trong việc định hướng dư luận xã hội. Facebook, zalo hay các trang cá nhân của họ luôn thu hút số lượng đông đảo người theo dõi và yêu thích, bởi vậy từng phát ngôn đều có tác dụng định hướng và sức lan tỏa. Phong cách, lối sống và cách ứng xử  của những đối tượng này lại càng có sự ảnh hưởng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự nâng cao ý thức gìn giữ hình ảnh của mình, lấy sự chuẩn mực về đạo đức, lối sống làm thước đo.

Nhưng trên thực tế chúng ta lại đang phải chứng kiến sự xuống dốc về đạo đức xã hội của một bộ phận nghệ sĩ, người của công chúng. Họ bất chấp những rào cản ràng buộc, răn đe về đạo đức, chuẩn mực văn hóa để có những hành vi sai lệch. Vì thế, cần có sự lên tiếng mạnh mẽ, những bản án từ dư luận xã hội để bản thân các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ nhận ra rằng mình sai và tự điều chỉnh hành vi và phát ngôn của mình. Đồng thời, cũng cần có những chế tài và hình thức xử phạt nghiêm khắc theo pháp luật để làm gương cho những nghệ sĩ, người nổi tiếng khác.

(TS Trần Hữu Sơn)

Không được hành xử đứng lên trên những chuẩn mực của pháp luật, đạo đức

Hiện nay chưa có điều luật nào quy định người nổi tiếng thì phải sống như thế nào, không phải pháp luật bỏ sót đâu, mà vì luật là để điều chỉnh hành vi của mọi con người trong xã hội nói chung, và nghệ sĩ hay bất kỳ người nổi tiếng nào cũng đều phải bị điều chỉnh bởi pháp luật theo những điều khoản chung nhất. Những người nổi tiếng phải hiểu rằng không phải vì họ nổi tiếng mà họ được quyền có những hành vi bất chấp pháp luật và đứng lên trên những người khác. Không có pháp luật nào có thể bao quát hết được các hành vi của con người, cho nên bên cạnh phạm trù về pháp luật còn có phạm trù về đạo đức để điều chỉnh hành vi con người, đặc biệt là những người nổi tiếng.

Tôi không lên án ai, tôi biết có những nghệ sĩ phát ngôn để cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật trên trang cá nhân của mình. Vì sao anh lại được quyền nói như thế, cho dù là anh nói trên trang cá nhân của anh thôi, nhưng trang đó có hơn triệu lượt theo dõi, đó là trang công khai. Anh nói những điều đó chính là anh đang hành xử nơi công cộng. Khi anh đăng facebook - mạng xã hội, tức là có tương tác, có người theo dõi chứ không phải là trang nhật ký chỉ mình anh xem. Anh có thể rất ghét điều này điều kia, nhưng khi anh nói ra, phải biết luật pháp cho anh nói đến đâu, đạo đức cho nói mức độ nào. Cho nên tôi muốn nói, hành vi của người nổi tiếng đối với công chúng của mình thì phải rất quan tâm. Trời đã cho tài năng nhưng điều đó không có nghĩa anh hành xử đứng lên trên những chuẩn mực của pháp luật, đạo đức.

(Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM)

Phải tự giáo dục mìnhTôi thấy nhiều nghệ sĩ lên facebook chửi thề, livestream chửi thề,… rồi nói mình làm từ thiện là được. Làm từ thiện phải từ tâm ra đến miệng chứ không thể nào bỏ một đống tiền ra làm từ thiện rồi muốn chửi ai là chửi thì tôi không ủng hộ. Nếu anh muốn chửi thề, anh tháo mác nghệ sĩ của anh xuống chứ anh đừng làm vậy nữa. Nhưng khi anh đã đeo mác ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ để đi kiếm tiền từ khán giả thì anh nên sống cho đàng hoàng. Giống như hiện tượng Khá Bảnh vừa rồi, tự nhiên có một đám trẻ cuồng lên vì một tên vô công rồi nghề, phông văn hóa thấp thì có ích gì cho tương lai những đứa trẻ đó đâu? Nghệ sĩ cũng vậy, mình sống không tốt, nói năng không chuẩn thì tụi trẻ học theo, và cho rằng “anh ấy chửi thề được thì mình cũng chửi được!”. Vì thế nghệ sĩ cần phải biết kiềm chế “cái tôi” mang tính tiêu cực, phải biết tự ý thức, tự giáo dục mình.

(Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung)

Có 3 phương cách để hạn chế

Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Đăng facebook để xả stress, đăng vì sự “thách đố” của bạn bè; đăng để câu view, like; đăng vì bị “dụ dỗ”, “mua chuộc”; đăng vì một lợi ích cá nhân nào đó… Thậm chí có một số ít văn nghệ sĩ cho rằng họ là công dân, “thích làm gì thì làm, miễn là không vi phạm pháp luật”.

Điều này xuất phát từ ý thức, trình độ, đạo đức công dân… của mỗi văn nghệ sĩ khi tham gia mạng xã hội. Song, có một lý do mà tôi nhận thấy rất rõ, là sở dĩ một số văn nghệ sĩ cứ liên tục đăng những thông tin như vậy, có nguyên nhân từ chính độc giả, công chúng, đặc biệt là những fan cuồng. Chính những đối tượng này đã “hùa” theo, ủng hộ “thần tượng” của mình, nên một số văn nghệ sĩ đã cho mình là “ông trời con”. Họ quên đi rằng chính điều đó ảnh hưởng rất lớn đến thanh danh, sự nghiệp, uy tín… của chính họ. Giá trị của mỗi con người luôn được tôn vinh bằng cái đẹp, trên nền tảng chân - thiện - mỹ, chứ chẳng ai lại được “gầy dựng” bằng những hình ảnh tiêu cực cả.

Vậy nên, theo tôi, có 3 phương cách để hạn chế tình trạng này: Một là, xuất phát từ bản thân những người văn nghệ sĩ. Họ phải nhận thức lại chính mình, biết được nghĩa vụ công dân của mình để có thái độ chính trị tốt, ứng xử có văn hóa. Hai là, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh, cương quyết những hành vi vi phạm. Và ba là, công chúng, fan cuồng cần nói KHÔNG, thậm chí tẩy chay ngay thần tượng của mình nếu họ đăng những thông tin không phù hợp với những chuẩn mực của xã hội. Một khi làm tốt “kiềng ba chân” này, chắc chắn hiện tượng trên sẽ giảm.  

(TS Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh TP.HCM)

PHƯƠNG ANH-THUỲ TRANG-THU SÂM (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc