Ngoại giao văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia
VHO - Tại tọa đàm triển khai công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại do Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức tuần qua, ông Phạm Dứt Điểm, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: “TP.HCM đã chủ động đưa ngoại giao văn hóa vào tổng thể các hoạt động đối ngoại hằng năm, tạo sự đan xen, phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao văn hóa với những trụ cột ngoại giao khác”.
Tăng cường gắn kết
Ngày 30.11.2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 tại Việt Nam, trong đó khẳng định “Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại”, “là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam”.
Triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 và thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về xây dựng kế hoạch hành động tại địa phương, tháng 7.2022, TP.HCM đã ban hành “Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM”.
“Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã tồn tại dưới nhiều hình thức trong đời sống xã hội cũng như trong công tác đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, với Chiến lược Ngoại giao văn hóa và Kế hoạch hành động của thành phố, chúng ta mới nhận thức rõ hơn về vai trò, nội hàm và các giải pháp triển khai công tác ngoại giao văn hóa từ trung ương đến địa phương”, ông Phạm Dứt Điểm cho biết.
Về việc gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế, TP.HCM đã chủ động đưa ngoại giao văn hóa vào tổng thể hoạt động đối ngoại hằng năm, tạo sự kết hợp nhịp nhàng giữa các trụ cột ngoại giao. Thành phố tổ chức các hoạt động nghệ thuật, thời trang, thể thao trong các sự kiện kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch. Đồng thời, TP.HCM tăng cường giao lưu văn hóa với các địa phương quốc tế, đặc biệt trong các Lễ kỷ niệm quan hệ ngoại giao và tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa trong các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo thành phố. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa và quà tặng đối ngoại cũng được lồng ghép, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết: “Với quan điểm xác định văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ nhiều năm qua thành phố đã tập trung triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa phù hợp với yêu cầu chung của công tác văn hóa đối ngoại. Thành phố cũng đã nỗ lực xây dựng, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của mình đến bạn bè quốc tế và kiều bào Việt Nam”.
Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch, Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh: “Ngoại giao văn hóa không chỉ là cầu nối đưa hình ảnh và giá trị văn hóa của TP.HCM ra thế giới mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành du lịch. Thông qua các sự kiện văn hóa, chương trình giao lưu nghệ thuật và triển lãm quốc tế, TP.HCM không chỉ giới thiệu bản sắc độc đáo mà còn khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch sáng tạo”.
Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa được xác định là một trong các sản phẩm du lịch trọng tâm được thành phố tập trung quảng bá, xúc tiến. Các sự kiện như Ngày Văn hóa Việt Nam tại Paris (Pháp), chương trình giao lưu nghệ thuật tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Đặc biệt, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nhiều quốc gia đã lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh về một thành phố năng động, nhân văn và sáng tạo.
Về công tác quảng bá đất nước, con người Việt Nam và hình ảnh TP.HCM, Sở Ngoại vụ cho biết, với mục tiêu trở thành “Thành phố của sự kiện”, TP.HCM đã chủ động đăng cai và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế và khu vực, cùng các sự kiện văn hóa đối ngoại thường niên. Những sự kiện này nhằm quảng bá hình ảnh thành phố và lan tỏa những nét văn hóa truyền thống đến người dân và bạn bè quốc tế. Thành phố đã triển khai hiệu quả Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài thông qua các hoạt động tu bổ, tôn tạo tượng Bác tại nhiều quốc gia và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở nước ngoài.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo bà Nguyễn Trần Tâm Hà, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, TP.HCM vẫn đối mặt với không ít thách thức. Trước hết, Thành phố thiếu một chiến lược dài hạn để tận dụng vai trò của ngoại giao văn hóa trong việc thúc đẩy du lịch. Các chương trình hợp tác văn hóa quốc tế còn hạn chế về quy mô và chiều sâu, chưa khai thác tối đa tiềm năng của các đối tác lớn. Hạ tầng văn hóa, như bảo tàng và trung tâm nghệ thuật, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tổ chức các sự kiện quốc tế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa ngành văn hóa và du lịch trong quảng bá hình ảnh TP.HCM vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả. Bà Tâm Hà cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng “đào tạo” đội ngũ đại sứ văn hóa. Sinh viên, người nổi tiếng và các nhân vật có ảnh hưởng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa giá trị văn hóa của TP.HCM.
Chia sẻ về giải pháp tăng cường công tác ngoại giao văn hóa, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao đề xuất: “Cần tổ chức không gian giao lưu văn hóa quốc tế. TP.HCM có thể thiết lập một Phố Văn hóa Quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, trưng bày văn hóa và biểu diễn nghệ thuật từ các quốc gia, tạo không gian kết nối giữa các nền văn hóa”.
Phó Giám đốc Sở VHTT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng: “Phát triển văn hóa - thể thao trong nước chính là tiền đề, cung cấp công cụ, chất liệu cho việc triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại. Trong thời gian tới Sở VHTT sẽ phối hợp với các Sở, ngành tăng cường công tác nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận về văn hóa đối ngoại. Đồng thời, Sở sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - thể thao của thành phố, gắn kết với công tác thông tin đối ngoại và tổng thể chính sách đối ngoại, nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và sự cần thiết của văn hóa đối ngoại trong chính sách đối ngoại của đất nước, trong đó, các giá trị văn hóa sẽ là chỗ dựa tinh thần bền vững cho hoạt động đối ngoại, là “sức mạnh mềm” để thực hiện có hiệu quả các chính sách chính trị, kinh tế và văn hóa quốc gia.