Nghệ nhân Phùng Đình Giáp "khoe" bộ trâu đất "chào xuân"
VHO-Những ngày cuối năm, ghé thăm thôn Ðông Khê xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đã vô cùng rạo rực khi được nâng niu trên tay những chú trâu đất của nghệ nhân Phùng Đình Giáp. Ông cũng là một trong những người cuối cùng còn lưu giữ nghề làm phỗng đất trên quê hương quan họ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm phỗng đất, nên những kỷ niệm ngày còn ấu thơ, được theo mẹ quang gánh ra chợ bán hàng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nghệ nhân Phùng Đình Giáp. Ngày ấy, mỗi dịp tới phiên chợ Hồ họp bên bờ dòng sông Đuống, trẻ con trong vùng lại háo hức chụm đầu quanh chiếc mẹt tre cũ, bày những ông phỗng nhỏ sặc sỡ màu sắc.
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp tâm sự: “Đã có một thời gian rất dài, phỗng đất là món đồ chơi không thể thiếu của đám trẻ con trong ngày hội làng hay trong những đêm rước đèn Trung Thu tháng tám. Tuổi thơ ngày ấy bình dị biết bao, khi ông phỗng nhỏ kia là cả gia tài của một đứa trẻ. Sau mỗi dịp Tết, số tiền mừng tuổi ít ỏi lại được cất kỹ trong hòm chỉ trực chờ có con phỗng nào thật đẹp, thật to thì sẽ mang tiền ra mua cho bằng hết. Rồi khi lớn lên một chút thì mới hiểu ra rằng, phỗng đất không chỉ là một món đồ chơi, mà còn là sản phẩm sinh ra từ đất, chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân làm nông nghiệp”.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cho tới ngày hôm nay khi những món đồ chơi mới hiện đại hơn, bắt mắt hơn “lên ngôi”, nghề làm phỗng đất dần mai một. Những con gà, con vịt, những chú trâu với cậu bé mục đồng dần lùi xa vào trong ký ức. Nuối tiếc giá trị văn hóa đó mà gần 60 năm qua, nghệ nhân Phùng Đình Giáp vẫn âm thầm gìn giữ lấy nghề, bảo tồn nguyên vẹn hình hài của từng con phỗng truyền thống.
Món đồ chơi khởi nguồn từ đất từng được trẻ con "săn đón" một thời
Theo nghệ nhân Phùng Đình Giáp thì bộ phỗng đất thường gồm năm nhân vật, mang ý nghĩa khác nhau nhưng có sự liên kết: Con chim tượng trưng cho khát vọng hòa bình; Con rùa gắn với biển cả là con vật “linh” trong tâm thức người Việt; Cụ già và em bé tượng trưng cho sự nối tiếp truyền thống, còn ông phỗng hình Phật thường được đặt ở giữa có ý nghĩa giáo dục con người sống hướng thiện.
Ðể làm phỗng phải tranh thủ đào đất thó từ đồng ruộng hoặc ao hồ vào mùa nước cạn. Loại đất này nằm ở độ sâu từ 2,5 đến 3m, có đặc điểm kết dính rất tốt mà đất thịt không thể bằng. Khi sờ vào đất thấy mịn như nhung, không bám tay mà lại rất sạch. Sau đó đất đã đào được đem phơi khô rồi cho vào cối đập thành bột mịn. Công đoạn cuối cùng là sàng để lọc hết những sạn, cát.
Một nguyên liệu khác được sử dụng là bột giấy bản ngâm trong nước nhiều ngày liền, đến khi mủn hoàn toàn thì sẽ trộn với bột đất thó. Người thợ vừa trộn vừa dùng chày đập giống như giã bột làm bánh dầy. Có như thế mới tạo nên thứ nguyên liệu đạt yêu cầu, để khi làm sản phẩm sẽ bật lên màu cánh gián óng ả.
Nhìn ông Giáp làm phỗng đất mới thấy hết được sự tỉ mẩn và tâm huyết với nghề. Nặn phỗng không đòi hỏi kỹ năng tinh xảo, cốt yếu là phải giữ được dáng vẻ thân thuộc, đậm chất dân dã. Khi nặn chú ý nắn vuốt tỉ mỉ để phỗng không bị góc cạnh, trông thật mềm mại và tự nhiên. Mầu để vẽ phỗng cũng không nhiều, chỉ có vài mầu cơ bản là trắng, xanh, vàng, đỏ.
Phỗng trâu đất chào xuân Tân Sửu
Ông phỗng sau khi nặn xong đem phơi khô dưới nắng cho se lại, hoàn toàn tránh nước, rồi được phủ lên một lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha. Mặc dù không nung qua lửa nhưng các sản phẩm phỗng có độ bền tốt, dai chắc. Có thể để chơi nhiều năm mà không sợ nứt vỡ hay bạc màu.
Ngày ghé thăm ông khi chúng tôi vừa bước vào khoảnh sân gạch, đâu đâu cũng thấy những sản phẩm khởi sinh từ đất. Góc này là bầy ngựa nhỏ, góc kia sống động đàn gà, rồi cả vài ba chú mục đồng ngồi bên gốc rạ... Không gian ấy khiến bất kỳ ai cũng đều ngỡ rằng, mình đang ở trong một cuộc triển lãm của đồng ruộng.Và dành được sự chú ý nhiều nhất, chắc chắn là đàn trâu với đủ các kiểu dáng và kích thước. Nào trâu nằm, trâu thồ, trâu ngủ, trâu thổi sáo...được sắp đặt ngay ngắn dưới mái hiên nhà. Nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ, đàn trâu này là “đại sứ thương hiệu” giúp ông lan tỏa giá trị và nét đẹp của món đồ chơi dân gian truyền thống, trong những ngày UBND thành phố Hà Nội tổ chức chương trình Tết Việt xuân Tân Sửu trên phố Phùng Hưng.
“Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp nên chương trình ý nghĩa ấy phải đành thoãn lại. Cả người và trâu đều buồn”, vừa nói nghệ nhân Phùng Đình Giáp vừa đưa tay mân mê những con phỗng đất, rồi lẳng lặng xếp gọn vào trong góc phòng.
Sau một phút thoáng buồn, ông hồ hởi khoe tháng 7.2020 vừa qua, ông được mời tham gia sự kiện "Phỗng đất xưa - hồn Kinh Bắc" tại Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng các bạn trẻ, các em học sinh, thấy được sự háo hức trong ánh mắt của các em mà nghệ nhân Phùng Đình Giáp vui mừng không ngủ được! “Nếu chúng ta biết cách giới thiệu, hướng dẫn các bạn trẻ thì nghề làm phỗng đất sẽ tìm lại được chỗ đứng của mình”, ông Giáp khẳng định. Thế nên cứ được mời đi dự chương trình ở đâu ông cũng tất tả khăn gói lên đường, đó cũng là cách để níu chân người chơi tìm về với văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp truyền lại cách nặn phỗng đất cho người con trai Phùng Đình Khôi
Hơn 10 năm qua, ông Giáp liên tục nghĩ ra nhiều mẫu phỗng mới. Với mỗi mẫu, ông chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại làm tiếp mẫu khác. Nhờ thế, những sản phẩm của ông mang tính độc đáo, đa dạng, đồng thời vẫn giữ được dấu ấn truyền thống kết hợp tính hiện đại.
Ngày nay, những đồ chơi như phỗng đất không còn được làm và bày bán nhiều, do đó nghề làm phỗng đất cũng có ít người theo đuổi. Dẫu vậy, đối với những ai biết trân quý giá trị truyền thống thì khi nhìn thấy những nhân vật phỗng đất sẽ càng thêm yêu mến ký ức tuổi thơ giản dị một thời.
Từ biệt nghệ nhân Phùng Đình Giáp để ra về, anh Phùng Đình Khôi, con trai của nghệ nhân Phùng Đình Giáp trân trọng đặt vào bàn tay chúng tôi một chú trâu nhỏ đã được gói gém cẩn thận và không quên nhắn nhủ: “Đây là con phỗng mình vừa làm, các cậu đêm về Hà Nội làm quà mừng năm mới nhé!”.
Lúc này chúng tôi càng hiểu hơn rằng, chừng nào còn có những người trẻ đi tìm lại phỗng đất, thì chừng đó cục đất vô tri vẫn sẽ được các thế hệ nghệ nhân tiếp theo thổi hồn...
Bài và ảnh: VŨ MỪNG