Từ thông tin “Cháo lươn” của tỉnh Nghệ An được đề cử Di sản văn hóa phi vật thể:
Nếu không muốn mình là nạn nhân của “bẫy” tin giả
VHO - Vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền Quyết định số 3737/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức dân gian đối với “Cháo lươn” của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, đây là văn bản giả mạo, gây dư luận xấu.
Từ vụ việc có thể thấy, tin giả, tin xấu vẫn đang là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia nhận định, người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả. Đồng thời, cần tăng cường thực hiện văn hóa ứng xử để góp phần “thanh lọc” không gian mạng.
Tin giả, lĩnh “án” thật
Trên thực tế, ngày 9.8.2024, Bộ VHTTDL đã ban hành các Quyết định ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, có 4 di sản văn hóa phi vật thể tri thức dân gian liên quan đến ẩm thực đối với: Nghề thủ công truyền thống Nghề ướp trà sen Quảng An, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội (số 2316/QĐ-BVHTTDL), Phở Nam Định (số 2326/QĐ- BVHTTDL), Mỳ Quảng (số 2327/ QĐ-BVHTTDL), Phở Hà Nội (số 2328/QĐ-BVHTTDL). Hiện tại, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xác minh đối tượng làm giả văn bản của cơ quan quản lý nhà nước và đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đây cũng không phải lần đầu tiên tin giả, tin xấu xuất hiện gây hoang mang trong dư luận. Vài tháng trước, TikToker V.M.L đã bị xử phạt vì “nói xấu” một quán phở tại Hà Nội khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, cho rằng mình bị đuổi và kỳ thị vì bản thân là người khuyết tật, phải ngồi xe lăn. Sau khi Sở TT&TT Hà Nội vào cuộc xác minh và chủ quán phở trích xuất camera, cùng với sự lên án của cộng đồng mạng, anh V.M.L thừa nhận mình đã có sự yếu kém và thiếu hiểu biết trong xử lý vấn đề. Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh V.M.L mức phạt 5 triệu đồng, mức phạt có áp dụng hình thức giảm nhẹ đối với người khuyết tật. Nói về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, việc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, xét về quy tắc ứng xử trên mạng do Bộ TT&TT ban hành thì anh V.M.L đã vi phạm 2/4 quy tắc. Đó là quy tắc tôn trọng và tuân thủ pháp luật; quy tắc chịu trách nhiệm. Một số người sau khi đăng tải thông tin sai sự thật còn né tránh, không chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Trước đó, TikToker Nhật Hải biết tuốt (tên thật là Nguyễn Nhật Hải) cũng bị Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng do đăng tải clip xuyên tạc: “Sài Gòn là nơi cực kỳ lý tưởng cho tội phạm hoạt động”. Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang cho rằng, Nhật Hải có hành vi cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân. Cũng theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, bên cạnh một số người làm nội dung trên môi trường mạng với thông tin tốt, chính xác thì còn nhiều TikToker cố tình tạo ra những thông tin không chính xác, hay nói cách khác là thông tin “bẩn”. Những thông tin và hành vi này cần được chấn chỉnh, xử lý nghiêm.
“Nghe ngóng” tin tức trên mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Thế nhưng, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội không đúng hướng đang kéo theo nhiều hệ lụy, tác động xấu đến nhận thức. Những tin tức tiêu cực, có tính vấn đề thường nhận được nhiều sự quan tâm và có tốc độ lan truyền đến chóng mặt. Dẫu vậy, không phải thông tin nào trong số này cũng chính xác.
Tăng cường văn hóa ứng xử trên không gian mạng
Trở lại câu chuyện giả mạo văn bản của Bộ VHTTDL, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, mỗi một di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh đều nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông mới có nhiều phức tạp, nhiều người cũng lợi dụng việc ghi danh di sản để tuyên truyền sai lệch, gây ra những hiểu nhầm trong xã hội, thậm chí tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng.
“Việc lan truyền thông tin sai lệch về “Cháo lươn” của tỉnh Nghệ An được đề cử là di sản văn hóa phi vật thể cũng ở trong bối cảnh đó. Thông tin sai lệch này có thể dẫn đến hiểu lầm trong xã hội và làm mất uy tín của các cơ quan, tổ chức liên quan. Các cơ quan chức năng cũng sẽ phải đối mặt với áp lực từ dư luận, khiến cho quá trình công nhận và bảo tồn di sản văn hóa trở nên khó khăn hơn”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết. Cùng với đó, ThS Lê Thị Thoa, giảng viên về truyền thông - thương hiệu của Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN) cho hay, những người dân Nghệ An và những người yêu mến văn hóa địa phương sẽ cảm thấy tâm lý tự hào chính đáng của mình bị lợi dụng. Sau khi biết được sự thật, họ có thể cảm thấy bị lừa dối hoặc thất vọng, suy giảm niềm tin. Nguy hiểm hơn, tin giả còn gây nguy cơ khiến người dân nhầm tưởng đó là thật và chạy theo bảo tồn… “nhầm” các giá trị văn hóa chưa thực sự được công nhận. “Ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các cơ quan quản lý văn hóa và truyền thông, bởi tin giả có thể gây tổn hại hoặc suy giảm uy tín của không chỉ Bộ VHTTDL và nhiều cơ quan khác. Về lâu dài, nguy cơ có thể xảy ra là công chúng sẽ dần trở nên ít tin tưởng hoặc ít quan tâm hơn vào các quyết định và công bố chính thức của cơ quan quản lý nhà nước”, ThS Lê Thị Thoa nhận định.
Có nhiều nguyên nhân khiến tin giả, tin xấu xuất hiện “nhan nhản” trên môi trường số. Trong đó, một số cá nhân hoặc nhóm có thể phát tán thông tin sai lệch với mục đích tạo ra sự tò mò, gây hoang mang trong cộng đồng và tạo ra các cuộc tranh luận. Sau khi trở thành “tâm điểm”, họ sẽ tiếp tục hướng người dùng đến những thông tin khác. Do đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để tránh rơi vào “bẫy” thông tin giả, xấu, độc trên mạng, người dùng cần kiểm tra nguồn tin, xác nhận thông tin từ nhiều nguồn uy tín và cảnh giác với các tiêu đề giật gân, dễ gây hiểu lầm. Tăng cường thực hiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng cũng là cách “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Bằng cách báo cáo nội dung xấu độc, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng và tự trang bị kiến thức về kỹ năng số, người dùng có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi tác động tiêu cực của thông tin sai lệch. Ngoài ra, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc tạo ra các hội nhóm tích cực, tôn vinh hành động đẹp và ủng hộ các chiến dịch chống tin giả.
Với ThS Lê Thị Thoa, bà mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông rộng rãi hơn nữa cho công chúng về kỹ năng nhận biết và kiểm tra thông tin. Đồng thời, cần có những biện pháp kịp thời để xử lý các trường hợp phát tán thông tin sai sự thật. Điều này không chỉ giúp bảo vệ uy tín của các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng mà còn tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh và đáng tin cậy. ThS Lê Thị Thoa cũng nêu rõ, bản thân các nền tảng mạng xã hội cần phải triển khai hiệu quả hơn nữa các công cụ lọc và kiểm duyệt thông tin, nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm những thông tin không chính xác trước khi chúng lan rộng.