Thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ:

Nền tảng phát triển thế hệ công dân năng động, sáng tạo

ĐÌNH TOÁN - THANH MAI

VHO - Trong kỷ nguyên số hiện đại, khi công nghệ chiếm lĩnh mọi lĩnh vực, việc phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ đã và đang phải đối mặt với không ít thử thách. Tuy nhiên, nhờ vào những hoạt động khuyến đọc sáng tạo và đổi mới, giới trẻ ngày càng yêu thích sách hơn, qua đó khẳng định sức hấp dẫn của văn hóa đọc trong thời đại 4.0.

Nền tảng phát triển thế hệ công dân năng động, sáng tạo - ảnh 1
Phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ đang thu về nhiều kết quả đáng ghi nhận

 Hiện đại hóa thư viện

Hiện đại hóa thư viện đã đem lại những tín hiệu tích cực. Theo thông tin từ Bộ TT&TT, số bản sách bình quân năm 2023 tại Việt Nam đã đạt 6,1 bản/người, cao hơn nhiều so với trước đây - khi tỷ lệ đọc chỉ đạt 1,4 đầu sách/ người/năm. Điều này phản ánh sự thay đổi rõ rệt từ việc đổi mới và sáng tạo trong các hoạt động thư viện, qua đó lan tỏa văn hóa đọc. Sự thay đổi này không chỉ đến từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện truyền thống, mà còn nhờ vào việc ứng dụng công nghệ. Hiện nay, nhiều thư viện đã triển khai hệ thống tra cứu hàng nghìn đầu sách điện tử, giúp bạn đọc tiếp cận sách một cách nhanh chóng và tiện lợi. Một số nền tảng cũng cho phép đọc miễn phí theo quy định về bản quyền. Đồng thời, các buổi sinh hoạt chuyên đề và hoạt động “cùng nhau đọc sách” được tổ chức thường xuyên, giúp giới trẻ có cơ hội “truyền lửa” đam mê.

Đồng thời, thói quen đọc sách của giới trẻ cũng đang thay đổi theo xu hướng hiện đại. Bên cạnh sách giấy truyền thống, nhiều bạn trẻ lựa chọn sách điện tử, sách nói... để phù hợp với nhu cầu và thời gian của bản thân. Là một bạn trẻ yêu thích đọc sách, Nguyễn Minh Phương (sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) chia sẻ: “Sách không chỉ là công cụ học tập hữu ích mà còn là cánh cửa mở ra những ý tưởng sáng tạo, giúp chúng mình khám phá thế giới xung quanh”.

Cùng với đó, việc phát triển hệ thống thư viện hiện đại kết hợp với không gian sáng tạo cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đầu tư vào các không gian đọc sáng tạo, mới nhất là Không gian chia sẻ S.hub. Không chỉ là nơi đọc sách, đây còn là không gian giao lưu, làm việc nhóm và sáng tạo ý tưởng. Những cải tiến này đã giúp thư viện trở nên gần gũi và ngày càng hấp dẫn.

Nguyễn Hoàng Anh (sinh viên năm 3, Học viện Ngoại giao) cho biết: “Mình thường xuyên lui tới Không gian S.hub của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ở đây, mình có thể dễ dàng truy cập tài liệu số, tham gia các buổi chia sẻ ý tưởng và sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ học tập. Với không gian mở và sáng tạo, các bạn trẻ không chỉ đọc sách hiệu quả mà còn có cơ hội khai phá nhiều ý tưởng mới, đồng thời kết nối với những bạn trẻ cùng đam mê học hỏi”.

Bên cạnh đó, các chương trình và cuộc thi khuyến đọc được tổ chức rộng rãi trên cả nước cũng góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu sách trong giới trẻ. Những sự kiện như Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc… đã thu hút hàng triệu bạn trẻ tham gia mỗi năm, trở thành dịp để giao lưu, chia sẻ và khơi dậy niềm đam mê đọc sách.

Các chiến dịch khuyến khích đọc sách trên mạng xã hội cũng đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức, nhiều bạn trẻ còn tự xây dựng kênh truyền thông để chia sẻ, đánh giá nội dung sách. Mỗi video có thể thu hút hàng triệu lượt xem, giúp lan tỏa tình yêu sách. Điều này đã góp phần tạo dựng một cộng đồng độc giả trẻ năng động và sáng tạo.

Nền tảng phát triển thế hệ công dân năng động, sáng tạo - ảnh 2
Các đầu sách liên tục được các thư viện cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả

Lấy bạn đọc làm trung tâm

Trong những năm gần đây, việc phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn từ các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, việc thúc đẩy thói quen đọc sách trong giới trẻ và toàn xã hội vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, ngành thư viện và cộng đồng để vượt qua những khó khăn này.

Trường học, nơi hình thành nền tảng tri thức cho học sinh, cần coi việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ trọng tâm. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo mà còn hình thành thói quen học tập suốt đời. Việc triển khai chương trình giáo dục kỹ năng đọc, lồng ghép vào quá trình học, sẽ giúp các em nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng sách một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, các thư viện cần đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất và tạo ra nhiều không gian học tập sáng tạo. Những không gian này không chỉ cung cấp sách và tài liệu học tập mà còn trở thành nơi học tập suốt đời cho mọi đối tượng. Hệ thống thư viện công cộng cũng cần được đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn, nhằm đảm bảo rằng mọi bạn trẻ đều có cơ hội tiếp cận nguồn tri thức phong phú.

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nhận định: “Các thư viện phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, mô hình phục vụ để thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động chuyển đổi số. Việc triển khai thành công chuyển đổi số trong ngành thư viện, thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ là vô cùng cần thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay”.

Còn theo Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng, việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng hiện nay không chỉ dừng lại ở các tài liệu in truyền thống mà cần mở rộng trên các nền tảng số, đặc biệt hướng đến giới trẻ. Ông Dũng chia sẻ: “Khi nhìn thấy một người trẻ sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, đừng vội cho rằng họ chỉ đang chat hay lướt mạng xã hội. Có thể, họ đang đọc bản điện tử của một cuốn sách vừa xuất bản. Đây là môi trường lưu trữ lâu dài, cho phép bạn đọc tìm kiếm tài liệu hoặc đọc sách bất cứ lúc nào cần thiết. Tuy nhiên, song song với việc hiện đại hóa và phát triển văn hóa đọc trên nền tảng số, việc bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa đọc với sách, báo in và tài liệu truyền thống vẫn cần được chú trọng để giữ gìn một nét đẹp văn hóa”.