Nâng cao nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền

VHO- Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được xác định là giải pháp thường trực.

Nâng cao nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền - Anh 1

 Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng

 Nhiều hình thức tuyên truyền đã được các địa phương triển khai, mưa dầm thấm lâu, dần dần đã tạo nên những bước chuyển quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở mà ở đó, cộng đồng và mỗi người dân chính là đối tượng hưởng lợi.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Thực tế được ghi nhận trong thời gian qua là những chuyển biến quan trọng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Một trong những yếu tố tạo nên bước chuyển tích cực này là công tác tuyên truyền, vận động được lãnh đạo, chính quyền các địa phương quán triệt, triển khai rốt ráo.

Ở lĩnh vực lễ hội, cùng với việc ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin điện tử của ngành, tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ, các lớp tập huấn nghiệp vụ ở các cấp, tập trung cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, các BQL di tích, BTC lễ hội, các chức sắc tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung phổ biến, tuyên truyền tập trung vào việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

SởVHTTDL các tỉnh/thành cũng đã tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền trên hệ thống bảng, biển, hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử tại các di tích, danh lam thắng cảnh... Nội dung tập trung về lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích và việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và lễ hội; không tiếp nhận và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục vào khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích; bố trí hợp lý nơi thắp hương, hóa mã và các giải pháp phòng, chống cháy nổ; hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ thực hiện đặt lễ, đặt tiền giọt dầu, tiền công đức đúng nơi quy định; đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với đời sống xã hội. Các địa phương đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Hà Nội là một trong những điển hình về nâng cao hiệu quả quản lý nhờ tăng cường công tác tuyên truyền. Thành phố luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; gắn việc tuyên truyền các lễ hội tiêu biểu với giới thiệu, quảng bá, tiềm năng di sản văn hóa của thành phố trong tiến trình giao lưu hội nhập quốc tế.

Sở VHTT Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương xây dựng phóng sự; đăng tải các tin, bài tuyên truyền về Phong trào TDĐKXDĐSVH, các bộ quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Sở VHTT Hà Nội cho biết, tại các quận, huyện, thị xã cũng đã thực hiện tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội bằng nhiều hình thức như loa đài, in tờ rơi… để vận động nhân dân và du khách chấp hành những quy định của BTC lễ hội và BQL di tích; thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã trong khu di tích; hướng dẫn niêm yết và tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh.

Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn Thành phố hầu hết các lễ hội truyền thống được tổ chức đều diễn ra trang nghiêm, vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. Không còn xuất hiện những “điểm nóng” trên báo chí, truyền thông với những hành vi phản cảm, gây bức xúc trong dư luận như nhiều năm trước.

Lan tỏa tích cực từ những môi trường văn hóa lành mạnh

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung, xã Hòa Tân Đông nói riêng, lâu nay ở các đám tang, việc rải, đốt vàng mã không xa lạ. Nhận thấy việc rải, rắc nhiều vàng mã trên đường là thói quen kéo dài, gây không ít phiền toái, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai vận động, tuyên truyền người dân thay đổi thói quen này. Chính quyền đã chỉ đạo, hướng dẫn các thôn đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước của từng thôn, chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh.

“Mưa dầm thấm lâu”, người dân dần nhận ra thói quen này không phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Đến nay, 5/5 thôn trên địa bàn xã Hòa Tân Đông đã cụ thể hóa mô hình “Người dân thực hiện văn minh trong tang lễ và báo hiếu” bằng cách đưa chỉ tiêu không rải vàng mã vào việc thực hiện quy ước, hương ước xây dựng thôn văn hóa, gắn với nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang. Tiêu chí này cũng được đưa vào để bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, hầu hết đám tang ở Hòa Tân Đông đã thực hiện không rải giấy tiền, vàng mã. Mô hình thành công và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Tại Hải Phòng, bám sát chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” do Bộ VHTTDL phát động, Sở VHTT đã tổ chức Hội nghị quán triệt các nội dung, kế hoạch cho lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Phòng VHTT các địa phương. Nhiều hoạt động văn hóa có sức lan tỏa đã được tổ chức như Hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu; Liên hoan văn nghệ Gia đình; Hội diễn Ca - Múa - Nhạc; thi cổ động trực quan… Việc xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh của BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố, nhân dân trên địa bàn đã tích cực xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tham gia đóng góp sức người, sức của vào việc trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các công trình phúc lợi của địa phương; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ… 

Hòa Bình phát huy hiệu quả các mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở

Theo Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, trong thời gian qua, các mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở đã được xây dựng và phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Theo đó, những mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình phát triển Câu lạc bộ sở thích; mô hình hoạt động hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở cơ sở; mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; mô hình đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhân dân…

Nhiều giải pháp để nhân rộng các mô hình điểm cũng đã được địa phương chú trọng triển khai, trong đó, tổ chức tham quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu cách làm hay, mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở đã triển khai, nhân rộng đạt hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

MINH NGỌC

PHƯƠNG THẢO

Ý kiến bạn đọc