Một góc nhìn về vai trò của người phụ nữ Việt Nam truyền thống
VHO - Nhằm hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2024, chiều 1.4 tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trung tâm Thông tin, Thư viện kết hợp cùng Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) phối hợp cùng Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) tổ chức buổi Tọa đàm “Luật tục, giới và các vấn đề xã hội: Một góc nhìn về vai trò của người phụ nữ Việt Nam truyền thống”.
Tọa đàm “Luật tục, giới và các vấn đề xã hội: Một góc nhìn về vai trò của người phụ nữ Việt Nam truyền thống”
Cuốn sách "Các thành tố gia đình: giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778" của GS.TS. Trần Tuyết Nhung được giới thiệu trong buổi Tọa đàm là tài liệu quý giá cho những độc giả quan tâm đến lịch sử xã hội Việt Nam và vấn đề bình đẳng giới.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh, Cuốn sách "Các thành tố gia đình: giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778" của GS.TS. Trần Tuyết Nhung là một nghiên cứu đầy đủ về bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam từ thế kỷ XV- XVIII.
TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và GS.TS Trần Tuyết Nhung tại buổi tọa đàm
Từ những góc nhìn độc đáo, mới mẻ; bằng cách kết hợp nhiều nguồn tư liệu từ văn bản tư pháp, hành pháp, chúc thư, văn bia cho đến văn học dân gian, GS.TS Trần Tuyết Nhung đã khắc họa đa chiều về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XV- XVIII (thời Hậu Lê).
Tác phẩm cũng nhằm nghiên cứu giới tính đóng vai trò trung tâm thế nào đối với sự phân chia quyền lực trong xã hội miền Bắc Việt Nam suốt các triều đại Lê và Mạc.
GS.TS Trần Tuyết Nhung giới thiệu cuốn sách tại buổi tọa đàm
Buổi Tọa đàm bao gồm các nội dung: Giới thiệu cuốn sách "Các thành tố gia đình: giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778" của GS.TS. Trần Tuyết Nhung được xuất bản bởi Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) và Nhà xuất bản Phụ nữ tới đông đảo độc giả; Giao lưu và trao đổi khoa học giữa diễn giả- GS.TS. Trần Tuyết Nhung (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Toronto, Canada) với các nhà nghiên cứu, các khách mời tham dự buổi tọa đàm.
Sách "Các thành tố gia đình: giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778" của GS.TS. Trần Tuyết Nhung
Tác giả Trần Tuyết Nhung là giáo sư ngành Lịch sử Đông Nam Á học tại Đại học Toronto. Được đào luyện ở Đại học Pennsylvania và UCLA, niềm quan tâm tri thức của bà nằm ở ngã ba giao thoa của ba chủ đề: giới tính, luật pháp và tôn giáo ở Đông Nam Á thời cận đại.
Phần “Dẫn nhập” sách viết: “Cuốn sách này- Các thành tố gia đình: giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778- thách thức sự khẳng định cho rằng điều kiện xã hội của phụ nữ Việt Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 đã phản ánh các giá trị truyền thống đích thực. Nó cũng nhằm nghiên cứu xem giới tính đóng vai trò trung tâm thế nào đối với sự phân chia quyền lực trong xã hội miền Bắc Việt Nam trong suốt các triều đại Lê và Mạc.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm
… Giới tính do đó được xem là thước đo quan trọng cho tính xác thực của văn hóa Việt Nam trong việc chép sử và các diễn ngôn phổ biến: các vị trí xã hội của phụ nữ vẫn không thay đổi cho đến khi có sự du nhập các hệ thống đạo đức ngoại lai, dù là Nho giáo, Cơ đốc giáo hay chủ nghĩa tự do mới. Theo một tiến trình rời rạc từ thời kỳ cận đại cho đến thời kỳ đương đại, giới tính không chỉ đơn giản là một hệ thống các dấu hiệu, biểu tượng và hình mẫu theo quan niệm của tầng lớp nho sĩ nhưng đã để lại những hậu quả thực sự trong đời sống hằng ngày của phụ nữ và đàn ông”.
HÀ PHƯƠNG, ảnh: CHIỀU PHỤNG