Mong chờ thêm một mùa giải “bội thu”

PHƯƠNG ANH (thực hiện); ảnh: TR.HUẤN

VHO - Sau thành công của mùa giải đầu tiên năm 2023, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai đang thu hút nhiều cơ quan báo chí, các nhà báo gửi tác phẩm tham dự.

Khẳng định sức hút và những dấu ấn sau Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định, thành công này đã tạo nền tảng quan trọng cho nhiều kỳ vọng, mong chờ có thêm một mùa giải “bội thu”, từ đó dần hình thành thương hiệu của một Giải thưởng báo chí chuyên ngành uy tín, chất lượng.

 Mong chờ thêm một mùa giải “bội thu” - ảnh 1
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao Giải nhất cho các tác giả

Nền tảng cho những mùa giải tiếp nối

P.V: Mùa đầu tiên của Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” đã tạo bất ngờ khi thu hút tới gần 1.100 tác phẩm tham dự. Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, ông có cho rằng đây là nền tảng quan trọng để tiếp nối thành công cho mùa giải năm nay?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Lần đầu tiên tổ chức nhưng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” năm 2023 thực sự đã mang đến bất ngờ, với sức lan tỏa rộng lớn. Giải thưởng đã nhận sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo trong toàn quốc. Các Hội đồng Giám khảo gồm những nhà báo tên tuổi, uy tín đều nhận định rằng không có nhiều giải báo chí chuyên ngành có sức hút mạnh mẽ đến vậy.

Gần 1.100 tác phẩm từ các cơ quan báo chí trong toàn quốc đã gửi về tham dự, bao gồm các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, trong đó đáng ghi nhận có nhiều tác phẩm được gửi về từ các địa bàn vùng sâu, vùng xa… Kết quả đó không chỉ thể hiện VHTTDL là mảng đề tài thực sự hấp dẫn mà còn cho thấy các nhà báo, các cơ quan báo chí ngày càng quan tâm nhiều hơn, dành nhiều dung lượng hơn cho những tác phẩm báo chí về các lĩnh vực này.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa, sự ra đời của Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định sự cần thiết, đúng đắn. Thành công của mùa giải đầu tiên không chỉ về mặt số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, có tính quy tụ cao. Các tác phẩm đều bám sát những chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước, trải đều trong các lĩnh vực VHTTDL và gia đình.

Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá đây là thành công rất đáng ghi nhận của một giải báo chí chuyên ngành. Điều đó cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức Giải thưởng và chắc chắn, đây là nền tảng cho những thành công tiếp nối của các mùa giải sau.

Văn hóa, Thể thao và Du lịch vốn là những lĩnh vực có độ bao quát rộng, nhiều vấn đề nhạy cảm và ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận, công chúng. Tính đặc thù này đã được thể hiện như thế nào trong những tác phẩm báo chí tham gia Giải thưởng, thưa ông?

- Như tôi đã nói, thành công của mùa giải đầu tiên không chỉ là số lượng tác phẩm tham dự mà chính là chất lượng các tác phẩm, độ phủ sóng từ các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí của các Bộ, ngành đến các địa phương như Báo Đà Nẵng, Báo Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh...

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tinh thần lan tỏa từ thông điệp ý nghĩa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất…” đã thấm sâu và được báo chí khai thác, thể hiện dưới nhiều góc nhìn, nội dung sâu sắc, hình thức đa dạng. Các tác phẩm không chỉ đơn thuần dừng ở phản ánh mà được đào sâu, thể hiện sáng tạo, xây dựng công phu và toàn diện về nhiều vấn đề trong các lĩnh vực VHTTDL và gia đình. Những vấn đề, câu chuyện tưởng như khô khan, theo mô típ quen thuộc lại được các nhà báo thể hiện khá sinh động, công phu, phát hiện những góc nhìn mới, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn; đi sâu vào các khía cạnh cụ thể. Có thể kể đến một số nội dung như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943; tinh thần lan tỏa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021; chấn hưng văn hóa Việt Nam; bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; khai mở tiềm năng, hiến kế phát triển du lịch; giải pháp, chính sách đầu tư cho thể thao...

Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, có tính phát hiện, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay, có sức lan tỏa. Nhiều tác phẩm được đầu tư kỹ cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, gần gũi, sinh động và hấp dẫn người đọc.

Cạnh đó, ngày càng nhiều vấn đề nóng, nhạy cảm nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận như câu chuyện ứng xử của văn nghệ sĩ, văn hóa trên không gian mạng, quản lý lễ hội, quảng cáo… được khai thác và thể hiện cuốn hút. Cùng với số lượng lớn các tác phẩm báo in, báo điện tử cũng có số lượng tác phẩm tham gia lớn, chinh phục BGK với nhiều tác phẩm đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện đặc trưng và thế mạnh của loại hình. Nhiều tác phẩm truyền hình được khán giả quan tâm, tạo hiệu ứng tuyên truyền. Nhiều tác phẩm phát thanh mang tính chuyên nghiệp, công phu, thu hút khán giả. Đặc biệt, loại hình ảnh báo chí ghi nhận số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao so với các giải báo chí Bộ, ngành khác. Đề tài khá đa dạng, phản ánh nhiều góc cạnh của đời sống văn hóa, thể thao và du lịch; thể hiện sự tìm tòi, cần mẫn của tác giả về đề tài, đầu tư công phu về ý tưởng và cách thức thể hiện.

 Mong chờ thêm một mùa giải “bội thu” - ảnh 2
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi (giữa) cùng các thành viên trong Hội đồng chấm chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất

“Mảnh đất rộng” cần khai thác

Nhiều Giải thưởng báo chí quốc gia có trước đã ghi nhận sự tham gia còn thưa thớt của các tác phẩm về văn hóa, thể thao và du lịch. Giải báo chí Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra đời có lấp được “khoảng trống” này không, thưa ông?

- Trong những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam luôn nhấn mạnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa trong các tác phẩm báo chí cũng như trong mọi hoạt động của báo chí. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã chú trọng, dành thời lượng, dung lượng đáng kể nhằm triển khai các quan điểm của Đảng về văn hóa vào cuộc sống.

 Hội đồng giám khảo đều đánh giá cao chất lượng mặt bằng tác phẩm tham dự. Khai thác chất liệu đa lĩnh vực, hầu hết các tác phẩm đã bám sát tiêu chí của Giải; chất lượng tương đối đồng đều. Một số tác phẩm được đầu tư khá công phu, bài bản, nhất là các tác phẩm báo điện tử đã chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại của báo chí đa phương tiện, với các thể loại Megastory, Longform... Nhiều tác phẩm đi sâu vào những đề tài bao quát, tổng hợp như chủ trương, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; không sa vào những chủ đề dễ dãi, đơn giản. Nhiều bài báo công phu, khai thác những chủ đề, vấn đề gai góc, thời sự nóng bỏng được xã hội quan tâm…

(Nhà báo NGUYỄN ĐỨC LỢI)

Ở Giải Báo chí quốc gia, chúng tôi thấy rằng hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được các nhà báo, các cơ quan báo chí quan tâm khai thác, đề cập nhiều hơn. Những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021… được báo chí khai thác, chuyển tải qua nhiều bài viết đa dạng về thể loại, hấp dẫn về nội dung, mang đậm hơi thở cuộc sống ở các vùng, miền. Chúng ta thấy sự xuất hiện ngày càng đa dạng hơn các tác phẩm đề cập về thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, về đời sống văn hóa, thị trường nghệ thuật… và lớn hơn, bao trùm hơn là những vấn đề về chấn hưng văn hóa, về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, bởi tính chất đặc thù nên số lượng tác phẩm về VHTTDL lọt vòng sâu của Giải báo chí quốc gia hay một số giải báo chí lớn khác chưa nhiều. Vì vậy, một Giải báo chí chuyên về Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra những kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành cũng như hấp dẫn độc giả. Những tác phẩm chất lượng dự thi Giải thưởng này cũng có thể là một nấc trung gian để các cơ quan báo chí lựa chọn, tham gia Giải báo chí quốc gia và những giải thưởng báo chí khác.

 Mong chờ thêm một mùa giải “bội thu” - ảnh 3
Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ trao giải

Nhìn lại mùa giải đầu tiên, Hội đồng giám khảo đều đánh giá cao chất lượng mặt bằng tác phẩm tham dự. Khai thác chất liệu đa lĩnh vực, hầu hết các tác phẩm đã bám sát tiêu chí của Giải; chất lượng tương đối đồng đều. Một số tác phẩm được đầu tư khá công phu, bài bản, nhất là các tác phẩm báo điện tử đã chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại của báo chí đa phương tiện, với các thể loại Megastory, Longform... Nhiều tác phẩm đi sâu vào những đề tài bao quát, tổng hợp như chủ trương, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; không sa vào những chủ đề dễ dãi, đơn giản. Nhiều bài báo công phu, khai thác những chủ đề, vấn đề gai góc, thời sự nóng bỏng được xã hội quan tâm…

Tôi cho rằng, VHTTDL chính là một mảnh đất rộng và màu mỡ mà các nhà báo có thể khai thác sâu, cho ra đời những tác phẩm hấp dẫn, sáng tạo, lôi cuốn và có ích với bạn đọc. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” vì vậy càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thôi thúc, khuyến khích các nhà báo, những cây bút sắc sảo đầu tư, tiếp tục cho ra đời các tác phẩm xuất sắc về những lĩnh vực này.

Tiếp tục đặt ra nhiều kỳ vọng ở mùa giải thứ hai, theo ông, để nâng cao hơn nữa về chất lượng giải thưởng, BTC cần khắc phục, hoàn thiện những vấn đề gì?

- Một số vấn đề về công tác tổ chức cần được hoàn thiện hơn trong những mùa tiếp theo. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để thu hút sự tham gia nhiều hơn của các cơ quan báo chí ở mọi loại hình, đặc biệt là báo chí địa phương; cân đối giữa lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực thể thao, du lịch nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực của ngành. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta cần khuyến khích xuất hiện nhiều hơn các tác phẩm thuộc các loại hình báo chí hiện đại như Longform, Mega Story, Infographic… Đây là những loại hình được thực hiện công phu, ấn tượng, theo kịp xu hướng công nghệ làm báo hiện đại, tăng khả năng tiếp cận cho độc giả.

Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là đơn vị đồng tổ chức, chúng tôi sẽ tích cực đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, quy trình và chấm chọn các tác phẩm về Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tìm kiếm những tác phẩm xuất sắc để trao thưởng, vinh danh.

 Xin cảm ơn ông!